Ăn mì tôm ngày Tết
Chắc hẳn nhiều người sẽ hỏi, những người thầy thuốc nghĩ gì, cảm xúc gì trước thềm năm mới? Tại đây, nơi đèn vẫn sáng khi trời vào đêm, những chiếc áo trắng vẫn từng ngày từng giờ dùng trái tim và khối óc của mình để mang lại sự bình yên cho những thiên thần bé nhỏ, tưởng chừng như mùa xuân lặng lẽ lướt qua cổng bệnh viện mà chẳng buồn gõ cửa, tưởng chừng như nơi đây đã bị mùa xuân lãng quên...
Có lẽ với các bác sĩ trực khoa cấp cứu là vất vả nhất. Bác sĩ Ngô Đức Hùng - khoa cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai - tâm sự vào ngày Tết khoa cấp cứu lúc nào cũng quá tải vì khoa khám bệnh nghỉ và bệnh nhân đến đều cho vào khoa cấp cứu. Năm nào hết mấy ngày nghỉ Tết các bác sĩ cũng rã rời chân tay, mệt gấp bội so với ngày thường.
Có hôm gần vào giao thừa, bệnh nhân vào cấp cứu, bác sĩ và y tá hối hả cứu cho bệnh nhân cả tiếng đồng hồ. Khi bệnh nhân tiến triển khá hơn thì đồng hồ đã điểm sang một năm mới từ một tiếng trước. Giao thừa trôi qua mà không ai cảm nhận được thời khắc thiêng liêng đó.
Nhiều trường hợp bệnh nhân nặng, bác sĩ phải cố gắng giành giật sự sống cho họ, đôi khi còn bị người nhà không đồng tình. Bác sĩ Hùng kể: "Có năm một bệnh nhân đã rất già vẫn còn nằm viện đến tận 30 Tết. Hôm đó, người nhà bệnh nhân xin bác sĩ rút máy thở để cụ đi trước Tết nhưng bác sĩ bảo “tôi chỉ cứu người chứ không giết người”. Sau lúc đó, người nhà bệnh nhân có thái độ rất khác với chúng tôi".
Những đêm trực, bác sĩ bận tới nỗi không kịp ăn gì là chuyện bình thường. Chuyện ăn mì tôm qua bữa những ngày Tết trong bệnh viện cũng là bình thường.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu - Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương kể, hơn mười năm gắn bó với chuyên ngành hồi sức cấp cứu, dường như số lần đón giao thừa ở nhà chỉ đếm được vài lần. Vợ bác sĩ Cấp cũng là bác sĩ nên chị khá thông cảm với công việc của chồng. Những ngày anh trực ở bệnh viện, anh đều cố gắng chia sẻ niềm vui xuân với vợ.
Năm nào cũng vậy, các lãnh đạo bệnh viện đi chúc Tết người bệnh, các bác sĩ cũng đi cùng. Không khí xuân ở bệnh viện có lúc cũng trở nên vui vẻ hơn khi có đào, có bánh chưng. Nhưng không ai nói ra, cả bác sĩ lẫn bệnh nhân, hơi ấm gia đình vẫn là điều xa xỉ.
Cấp cứu hồi sức luôn quá tải trong dịp Tết. Vì thể để chuẩn bị cho khoa cấp cứu dịp Tết, bệnh viện đã dành một cơ số giường bệnh cho người dân vào cấp cứu. Điều bác sĩ Cấp lo ngại nhất là người bệnh vào viện khi đã quá nặng. Họ cố gắng nán qua Tết nhưng không chịu được nữa mới vào viện. Một số người cũng là bệnh nhân nặng từ tuyến tỉnh chuyển lên. Chính vì thế, Tết, ngoài việc đông bệnh nhân còn là những bệnh nhân rất nặng.
Nơi một mùa xuân khác
Tâm sự về cảm xúc đón xuân nơi bệnh viện, bác sĩ Đỗ Thị Như Quỳnh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM chia sẻ, với chị mùa xuân trong bệnh viện cũng rất ấm áp, giao thừa trong bệnh viện cũng là khoảnh khắc khó quên.
Bác sĩ Quỳnh tâm sự, một người vợ có chồng làm bác sĩ nhi từng chia sẻ: “Với em, ngày cuối của năm sẽ là ngày chuẩn bị bữa cơm thật tươm tất, gói vào cho anh và các đồng nghiệp đang túc trực ở bệnh viện, sẽ là những lúc em say sưa nghe anh kể về những em bé đã vượt qua bệnh tật để sống sót một cách thần kỳ, cũng sẽ là những lúc em nắm tay anh thật chặt để tiễn một thiên thần nào đó vừa đi xa... Tất cả cảm xúc ấy làm cho mỗi mùa xuân bên anh luôn mang đến những cung bậc cảm xúc rất khác”.
Bác sĩ Quỳnh kể, chị lại có một cảm giác vô cùng ấm áp khi đứng giữa khuôn viên bệnh viện trong cái nắng vàng dịu nhẹ đầu xuân. Sự ấm áp rất nhẹ nhàng len vào từng nhịp đập trái tim khi bắt gặp ánh mắt tròn xoe tinh nghịch của một bệnh nhi vừa hồi phục, hay ở góc hành lang, tôi nghe thấy tiếng ríu rít chào nhau hẹn ngày gặp mặt của các “hộ gia đình” ở chung buồng bệnh, nay đã được xuất viện về nhà ăn tết đoàn viên.
Còn với những bệnh nhân ở lại, các bác sĩ thấy vui khi bắt gặp nụ cười thật hiền hậu, ấm áp của những người cha, người mẹ đang xếp hàng nhận quà Tết từ những tổ chức từ thiện.
Niềm vui, nỗi cực nhọc, vất vả của các bác sĩ dịp Tết, cứ thế len lỏi đến và đi trong từng khoảnh khắc rất riêng của mỗi người.