Chi phi học đại học tại Mỹ từ lâu nổi tiếng đắt đỏ, với học phí hàng chục nghìn USD/năm. Nhưng trong cuộc khủng hoảng do virus corona, sinh viên - đặc biệt những người vay nợ để học đại học - phân vân tại sao lại phải trả đến 70.000 USD/năm cho các lớp học trên Zoom.
Họ cảm thấy thất bại trong cuộc đàm phán và yêu cầu trường tính toán lại.
"Chúng tôi trả tiền cho cả những dịch vụ mà trường không thể đưa lên trực tuyến", Dhrumil Shah, sinh viên chương trình thạc sĩ ngành Y tế công cộng tại ĐH George Washington, chia sẻ.
Việc chuyển sang học trên Zoom khiến nhiều sinh viên cảm thấy số tiền học bỏ ra không đáng. Ảnh: AFP. |
Ít nhất 50 trường bị kiện vì học phí
Nam sinh 24 tuổi phụ thuộc một phần vào khoản vay để trang trải chi phí cho chương trình học hai năm tại thủ đô Mỹ. Sắp tới, anh sẽ nhận bằng. Nhưng lễ tốt nghiệp truyền thống sẽ không diễn ra.
Shah ký đơn kiến nghị, yêu cầu trường hoàn tiền. "Tôi nghĩ chất lượng dịch vụ suy giảm", nam sinh từ Chicago nói với AFP.
Anh phàn nàn việc chuyển sang học từ xa do lệnh giãn cách xã hội khiến quá trình học xáo trộn. Anh cũng không nhận được sự hỗ trợ cần thiết từ giảng viên hướng dẫn đề tài.
"Những người có trải nghiệm như vậy thường thất bại", Dhrumil Shah thừa nhận học tập kém hiệu quả, thiếu quyết liệt so với khi học trực tiếp tại trường.
Shah không phải trường hợp duy nhất. Nhiều sinh viên than thở đánh mất những trải nghiệm tinh túy tại đại học Mỹ - không còn những buổi chiều đầy nắng, chơi ném đĩa trong khuôn viên trường hay các lớp học trong phòng thí nghiệm hiện đại.
Molly Riddick cũng ký vào bản kiến nghị, yêu cầu ĐH New York (NYU) bồi thường cho sinh viên.
"Dù NYU nói gì, đơn giản, họ không thể cung cấp chương trình đào tạo ngành nghệ thuật biểu diễn một cách đầy đủ thông qua Zoom", cô nói.
Một số sinh viên trình những bất bình của mình về học phí lên tòa án. Trong một khiếu nại AFP có được, Adelaide Dixon cáo buộc ĐH Miami trao bằng tốt nghiệp có giá trị thấp hơn thông thường vì học trực tuyến.
Vì thế, cô đại diện khoảng 100 sinh viên trong trường, khởi kiện, đòi bồi thường hàng triệu USD. Ít nhất 50 đại học ở Mỹ bị sinh viên kiện với lý do tương tự.
Kinh tế khó khăn do dịch dẫn đến nhiều học sinh ở Mỹ mất cơ hội học lên đại học. Ảnh: AFP. |
Đại học khó tuyển sinh, thất thu
Bản thân các trường đại học cũng gặp khó khăn khi rơi vào tình thế không lường trước được do đại dịch. Trong khi đó, một số trường hoàn lại phần nào chi phí ký túc xá cho sinh viên, không trường nào đáp ứng được việc hoàn học phí cho học kỳ xuân.
Vấn đề trở nên tồi tệ hơn khi họ không chắc tương lai sẽ ra sao vào cuối mùa hè hoặc đầu mùa thu - thời điểm bắt đầu học kỳ khác. Liệu 20 triệu sinh viên ở Mỹ có trở lại trường sau dịch? Các cuộc tranh luận nổ ra trong cộng đồng sinh viên đại học nước này.
"Tôi hy vọng có thể đi học lại", Ashwath Narayanan, 19 tuổi, sinh viên ĐH George Washington, cho biết.
Nam sinh cho hay lãnh đạo trường hứa sẽ cung cấp hướng dẫn cụ thể trong vòng 10 ngày tới. Dù vậy, Narayanan thừa nhận đã chuẩn bị tinh thần cho việc không thể đi học trở lại,
Narayanan cho rằng thật khó để tưởng tượng làm thể nào cuộc sống đại học trở lại bình thường như thể dịch Covid-19 chưa từng xảy ra.
Pamella Oliver, Phó hiệu trưởng phụ trách học thuật tại ĐH bang California, cho biết dự kiến đến mùa thu, trường số hóa các dịch vụ.
Nhưng với nhiều trường, việc chuyển sang hình thức trực tuyến đồng nghĩa gia tăng áp lực từ sinh viên, phụ huynh, đặc biệt khi tình hình kinh tế ảm đạm vì dịch.
"Nhiều sinh viên cũng như gia đình các em giảm thu nhập, khả năng chi trả cho việc học đại học cũng giảm", Ted Mitchell, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Mỹ, nêu vấn đề trong thư gửi quốc hội.
Mitchell dự đoán số lượng thí sinh nhập học trong năm học tiếp theo giảm 15% - tương đương các trường thất thu 23 tỷ USD.
Với tương lai như vậy, những đại học hàng đầu như Harvard, Yale, Stanford vẫn còn nguồn vốn khổng lồ cùng cơ hội vay kinh phí hoạt động. Trong khi đó, các trường nhỏ có thể phá sản khi không tuyển được sinh viên.