Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đóng bỉm nhiều có sợ sau này vô sinh?

Nhiều người cho rằng đeo bỉm, tã giấy cho bé trai nhiều sẽ bị hăm, ảnh hưởng chức năng sinh sản của con, khiến bé bị vòng kiềng sau này. Liệu đây có phải quan điểm đúng?

Trẻ bị hẹp bao quy đầu vì đóng bỉm nhiều

Tại khoa Khám bệnh, Bệnh viện Từ Dũ, chị Huỳnh Hồng T. (trú tại đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, TP HCM) bế con trai hơn 3 tháng kiên nhẫn chờ tới lượt khám. Chị cho biết, cháu được hơn 7kg, mấy hôm nay bị ho nên cho đến khám. Nhưng một điều khác khiến chị T lo không kém, là từ khi mới sinh ra đến giờ, chị đều cho bé đóng bỉm cả ngày lẫn đêm. “Cứ mỗi lần thay bỉm, tôi lại thấy phần đầu “cu tí” của con lại bị thụt vào bên trong, đến lúc chuẩn bị tè thì “nó” trở lại bình thường. Tôi đã nới lỏng bỉm nhưng “nó”vẫn bị thụt. Thực ra khi con được 2 tháng, tôi đã cho bé mặc quần không đóng bỉm, nhưng chỉ khoảng vài phút, bé đã tè. Tôi sợ bé tè liên tục, nếu không thay kịp quần, con sẽ lạnh nên lại mặc bỉm cả ngày cho cháu. Tôi đang lo, không biết bé mang bỉm suốt, sau này bao quy đầu của cháu có bị hẹp không?  Thêm nữa, việc đóng bỉm liên tục liệu có khiến con tôi không có phản xạ thông báo cho người lớn biết khi có nhu cầu tiểu tiện hay không?”, chị T. lo lắng.

Còn chị Quỳnh Anh (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) thì lại khác. Con chị đã hơn 6 tháng tuổi, được chị đóng bỉm từ lúc mới sinh. “Bà nội bé tỏ ý không vừa lòng, sợ đủ thứ, từ chuyện cháu đích tôn sẽ bị chân vòng kiềng, đến chuyện sợ “hạt lạc” nóng không chịu nổi, sau này ảnh hưởng đến việc sinh sản.  Không ai chịu ai, thế nên, BonBon nhà mình duy trì “hai chế độ”: Hôm nào mình ở nhà sẽ đóng bỉm cho con cả ngày, còn nếu bà nội trông cháu, bà sẽ cho cháu “thả rông”. Tất nhiên là mình rảnh rang hơn hẳn, chỉ khổ bà nội vì cháu tè liên tục nên phải thay quần suốt!”, chị Quỳnh Anh tâm sự.

Theo các chuyên gia, đeo bỉm cả ngày không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản sau này của trẻ trai, tuy nhiên các bậc phụ huynh cũng không nên “lạm dụng” việc đóng bỉm cho trẻ quá lâu.

Theo các chuyên gia, đeo bỉm cả ngày không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản sau này của trẻ trai, tuy nhiên các bậc phụ huynh cũng không nên “lạm dụng” việc đóng bỉm cho trẻ quá lâu.

BS Nguyễn Thị Từ Anh (Bệnh viện Từ Dũ - TP HCM) khẳng định, việc mặc tã giấy không làm hẹp da quy đầu của trẻ.

Đối với trường hợp con trai của chị Hồng T, BS Từ Anh cho rằng, bé có thể bị vùi lấp dương vật (dương vật lùi). Bé cần được đưa đi khám chuyên khoa ngoại nhi để được thăm khám trực tiếp nhằm chẩn đoán chính xác. “Về mặt lý thuyết, đến khoảng 2 tuổi não bé mới đủ trưởng thành để điều khiển việc tiểu tiện theo ý muốn (nghĩa là phụ huynh mới tập xi được). Dưới 2 tuổi thì… “hên xui”, chủ yếu bạn để ý khoảng bao lâu thì con bạn thường đi tè để xi “đón đầu”, giống như động tác khởi động để bé tè thôi, không thể hy vọng bé sẽ có phản xạ khi nào được xi mới tè”,  BS Từ Anh nói.

Đeo bỉm không làm  hỏng “hạt lạc” của bé

Theo BS nam khoa Nguyễn Thế Lương (Bệnh viện Thận Hà Nội), không ít ông bố bà mẹ vẫn băn khoăn việc đeo bỉm thường xuyên có làm ảnh hưởng đến khả năng sản xuất tinh trùng của hai “hạt lạc” của bé trai sau này hay không? Lý lẽ được đưa ra là đeo bỉm thường bị kín hơi, lại bó sát vào cơ thể trẻ, dễ làm cho nhiệt độ cục bộ tăng lên, trong khi đó nhiệt độ thích hợp nhất cho hai “hạt lạc” là vào khoảng 34oC. Khi nhiệt độ tăng lên, để lâu ngày sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất tinh trùng sau này.

“Thực tế thì các bé chỉ đeo bỉm tối đa đến 3 tuổi, trong quãng thời gian đó, dù có đeo bỉm cả ngày cũng không ảnh hưởng đến việc làm hẹp bao quy đầu hay chức năng sinh sản của bé. Tất nhiên về mặt nguyên lý, tinh hoàn cần một môi trường nhiệt độ thấp hơn, nhưng đó là môi trường điều kiện để sản xuất tinh trùng. Còn từ lúc sinh ra đến 3 tuổi thì tinh hoàn bé trai không sản xuất tinh trùng. Nam giới sản xuất tinh trùng khi tới tuổi dậy thì (khoảng từ 12 tuổi trở lên). Do đó, các bậc phụ huynh không nên lo lắng việc đeo bỉm làm “hỏng” “hạt lạc” của con”, BS Nguyễn Thế Lương cho biết.

Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các chuyên gia, nếu bố mẹ “lạm dụng” việc đóng bỉm cho trẻ quá lâu, không thay ngay khi trẻ đại tiện sẽ dẫn tới tình trạng trẻ bị viêm nhiễm, nhất là vùng da ở bẹn hoặc bộ phận sinh dục. Nước tiểu tích tụ ở bỉm lâu không được thay thế sẽ có thể gây viêm nhiễm bàng quang. Trên thực tế, tại các khoa nhi, bệnh viện nhi, không ít trẻ được mang tới khám vì bị viêm da, nhiễm khuẩn đường tiểu do đóng bỉm nhiều.

Bên cạnh đó, đóng bỉm cho trẻ cả ngày hoặc trong thời gian dài sẽ gây cho trẻ một thói quen xấu là nếu buồn tiểu tiện, trẻ cứ “tự động” trong bỉm. Nếu vấn đề này kéo dài, dần dần trẻ sẽ “quên” phản xạ thông báo bố mẹ lúc trẻ có nhu cầu tiểu tiện dù trẻ đã biết nói. Kết quả là trẻ có thể đi tiểu không kiểm soát được hoặc hay bị tè dầm khi lớn. Do đó, các bác sĩ khuyên rằng, bố mẹ đừng lạm dụng dùng bỉm mà quên theo dõi việc đi tè của con. Cứ 3 – 4 giờ, phụ huynh nên tập cho bé đi vệ sinh một lần, để tạo cho con thói quen, tạo sự tự chủ cho con hơn là đóng bỉm thường xuyên.

Vào mùa nóng, không nên đóng bỉm cho con. Chỉ nên đóng bỉm cho con vào buổi tối khi con ngủ, còn khi bé thức vẫn nên tháo ra cho “thoáng”. Việc đeo bỉm đi ngủ cho bé để bé không bị ướt lên lưng, làm mất giấc ngủ của bé, làm bé vừa dễ cáu gắt, vừa dễ ốm, bố mẹ cũng không ngon giấc hơn. Cứ 4-6 giờ thay bỉm một lần. Trước khi đóng bỉm cho con, bố mẹ phải rửa bộ phận sinh dục của bé sạch sẽ và lau khô.

 Đeo bỉm không làm chân bé bị vòng kiềng

Theo các chuyên gia y tế, có nhiều nguyên nhân khiến chân trẻ bị vòng kiềng. Trong đó, nguyên nhân chính là trẻ bị còi xương do thiếu vitamin D; cũng có thể do trẻ tập đứng, tập đi quá sớm; hoặc do trẻ béo phì, có cân nặng quá tải so với đôi chân khiến hệ xương non nớt của bé không chịu được sức nặng của cơ thể đè xuống… Việc đeo tã, bỉm không hề liên quan đến việc chân trẻ có bị vòng kiềng hay không.

http://giadinh.net.vn/dan-so/dong-bim-nhieu-co-so-sau-nay-vo-sinh-20150126091607183.htm

Theo Quỳnh An/Báo Gia Đình & Xã Hội

Bạn có thể quan tâm