Huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) một ngày sau bão số 10 như bãi chiến trường. Hàng nghìn ngôi nhà bị giật sập, tốc mái, cột điện và cây cối gãy đổ khắp nơi.
Sáng 16/9, khung cảnh tan hoang hiện ra nhiều nơi dọc quốc lộ 1A đoạn qua thị xã Kỳ Anh và xã huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Địa phương giáp ranh tỉnh Quảng Bình này là nơi ghi nhận gió bão cấp 12-13 khi cơn bão số 10 (Doksuri) hoành hành suốt nhiều giờ từ sáng đến chiều 15/9.
Gia đình chị Phan Thị Thiên (tổ dân phố Đông Trinh, phường Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh) bị bão tàn phá hoàn toàn căn nhà mái tranh. 4h sáng 15/9, căn nhà đã bị gió giật sập. Trước đó trong đêm chị và 2 con đã kịp sang nhà hàng xóm trú tạm.
Gia đình đã khó khăn lại càng khó khăn hơn khi chồng chị mới đi Đài Loan lao động được hai tháng. Khoản tiền vay hơn 100 triệu cho chồng chưa trả được đồng nào thì căn nhà duy nhất của 3 mẹ con bị tàn phá.
Quê nội ngoại đều xa, 3 mẹ con chị hiện không biết bám víu vào đâu.
Quán ăn của vợ chồng anh Nguyễn Xuân Quyết (34 tuổi), phường Kỳ Long mở chưa được bao lâu đã đổ sập. Tủ lạnh, bàn ghế, đồ dùng trong nhà ngổn ngang.
Toàn bộ sách vở, giấy tờ các con anh Quyết bị mưa ướt.
Căn nhà ngoài của ông Trần Đình Miền (70 tuổi). Ông lão cùng gia đình vẫn chưa biết lúc nào mới dọn xong đống đổ nát. "18 năm an cư tại ngã 3 cảng thì đây là cơn bão lớn nhất, kéo dài nhất tôi từng thấy", ông Miền chưa hết ám ảnh khi nhớ lại những giờ phút bão quét qua.
Khung cảnh hoang tàn, đổ nát sau bão số 10 biến nhiều xã, huyện ở Hà Tĩnh tan như một bãi chiến trường. Cửa hàng sửa chữa điện lạnh cùng nhà xưởng làm nước đóng chai của bà Mai Thị Bảy (56 tuổi, phường Kỳ Liên) đổ sập. "Mẹ con tôi thế chấp sổ đỏ để vay ngân hàng gần 700 triệu đồng xây cửa hàng kinh doanh. Ai ngờ, chỉ một trận bão đã cuốn đi mọi thứ...", bà Bảy buồn bã.
Anh Phạm Hồng Cường (con trai bà Bảy) đang cố lôi những đồ điện tử của khách ra khỏi đống đổ nát. “Giờ cơ ngơi không còn cái chi!”, nam thanh niên cảm thán.
Toàn bộ 3 căn nhà sát nhau của anh Trần Duy Khánh, nhà chị gái và nhà mẹ ruột (Đông Trinh, Kỳ Trinh, Kỳ Anh) bị sập hoàn toàn trong bão số 10. Đồ đạc, vật dụng sinh hoạt bị hỏng hóc hết.
Đến lúc này, cả 3 gia đình chỉ còn vớt vát sau bão được ít quần áo, một số vật dụng sinh hoạt.
Những căn nhà cấp 4 ở địa phương này phần lớn bị tốc mái hoàn toàn hoặc một phần. Bão qua một ngày, người dân vẫn chưa thể dọn dẹp bên trong.
Tại khu tái định cư phường Kỳ Liên, một số người dân đang lợp lại mái ngói, khắc phục thiệt hại sau bão.
Nhiều căn nhà bị tốc mái hoàn toàn. Hàng loạt nhà xưởng, công ty bị bão cuốn đi toàn bộ phần mái, lộ máy móc bên trong.
Xưởng sản xuất gỗ bị tốc phần mái tôn phía trước, nguyên liệu sản xuất hư hỏng do mưa gió.
Hệ thống lưới điện dọc khu vực 3 tỉnh miền Trung bị thiệt hại nặng, nhất là Hà Tĩnh, Quảng Bình.
Dọc đường quốc lộ 1A và các đường ven, cột điện đổ ngổn ngang, hầu hết các khu dân cư bị ảnh hưởng chưa có điện trở lại.
Trong cuộc làm việc với Thủ tướng sáng 16/9 tại Kỳ Anh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn bày tỏ tỉnh cần sự chung tay của các bộ, ban, ngành Trung ương. Trong đó, việc cần làm ngay là cấp điện trở lại cho người dân. Đồng thời, tỉnh cam kết chậm nhất 5 ngày là cơ bản khắc phục xong, khôi phục hoàn toàn hệ thống điện, nước, cơ sở hạ tầng thiết yếu, dọn dẹp, vệ sinh môi trường…
Theo thống kê ban đầu từ tỉnh Hà Tĩnh, toàn tỉnh có hơn 69.000 nhà dân bị đổ, tốc mái. Các địa phương có số nhà bị thiệt hại nhiều nhất là thị xã Kỳ Anh, huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Lộc Hà...
Mưa bão còn làm ngập 29 thôn với hơn 4.600 hộ dân của 4 huyện vùng ven biển, cửa sông (Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Lộc Hà, Thạch Hà). Ngoài ra còn có hơn 3.100 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập, thiệt hại hoàn toàn.
Bão số 10 cũng khiến nhiều trường học, trạm y tế, trụ sở cơ quan, đơn vị bị tốc mái. Một cột ăng-ten Đài TT-TH và cột phát sóng Viettel tại thị xã Kỳ Anh bị đổ sập dẫn đến mất liên lạc nhiều giờ cùng hàng nghìn cột điện hạ thế, đường điện thắp sáng bị đổ gãy.
Hàng trăm chiến sĩ của Trung đoàn 335, Sư đoàn 324 cơ động đóng tại Nghệ An đã vào Hà Tĩnh, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 10 để giúp dân sớm ổn định cuộc sống.
Bão số 10 đi qua để lại hậu quả nặng nề cho huyện Quảng Trạch (Quảng Bình), đặc biệt xã Quảng Đông có 100% nhà sập và mất nóc, khiến người dân lâm vào cảnh "màn trời chiếu đất".