Không chỉ là bước đi đầu tiên trong việc hiện thực hóa mô hình kinh tế tuần hoàn, phân loại và tái chế còn là giải pháp thiết thực để thay đổi thực trạng rác thải tại Việt Nam hiện nay. Hoạt động “Giải cứu rác thải” của Tập đoàn SCG và Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn (LSP) góp phần nâng cao hiểu biết của trẻ nhỏ về phân loại và tái chế, lan tỏa tinh thần sống xanh đến phụ huynh cũng như cộng đồng người trẻ Việt Nam.
Từ hoạt động “giải cứu” rác thải
Với Phan Lê Mai Thanh (học sinh lớp 5.1, trường Tiểu học Long Sơn 2, Bà Rịa - Vũng Tàu), niềm vui đến lớp của em không gói gọn trong những tiết học sôi nổi, được gặp gỡ bạn bè mà còn là khoảnh khắc cuối giờ được cùng “đồng bọn” nhặt rác quanh sân trường và phân loại theo nhóm. Đây cũng là cách mà Thanh thực hành các kiến thức được học về phân loại và tái chế từ chương trình “Giải cứu rác thải” tại trường.
“Em nghĩ vấn đề về môi trường là trách nhiệm của mọi người. Khi tham gia vào chương trình phân loại rác thải tại trường, em biết cách phân rác theo nhóm và bỏ đúng nơi. Em rất vui khi góp sức giúp trường lớp xanh, sạch hơn”, Mai Thanh cho biết.
Niềm vui ngập trong ánh mắt, Mai Thanh hào hứng chia sẻ về dự định gom vỏ lon tại nhà trong dịp Tết và đưa đến thùng rác tái chế ở trường. “Vỏ lon có thể tái chế thành những vật dụng hữu ích. Em đã dặn bố mẹ giữ lại vỏ lon trong Tết để đem đến lớp, bỏ vào thùng rác phân loại”, Mai Thanh nói thêm.
Em Mai Thanh (thứ 2 từ trái sang) cùng bạn nhặt và phân loại rác tại trường. |
Không riêng Mai Thanh, hàng trăm em học sinh tại trường Tiểu học Long Sơn 1 và Long Sơn 2 (Bà Rịa - Vũng Tàu) đã được tiếp cận và trải nghiệm hoạt động phân loại rác thông qua "Dự án phân loại rác thải tại nguồn hướng tới nền kinh tế tuần hoàn”. Đây là dự án thí điểm do Tập đoàn SCG và Công ty Hóa dầu Long Sơn (LSP) triển khai tại hai ngôi trường ở Bà Rịa - Vũng Tàu.
Trong khuôn khổ dự án, chương trình “Giải cứu rác thải” là hoạt động nổi bật, hướng đến kêu gọi thế hệ trẻ thay đổi nhận thức, bắt tay vào phân loại rác để tái chế. Theo đó, việc phân loại rác thải tại trường học dựa trên nguyên tắc “sản xuất hiệu quả - sử dụng có trách nhiệm - tái sử dụng/tái chế” để bảo vệ hành tinh.
Không chỉ mang đến những buổi chia sẻ kiến thức về phân loại rác và kinh tế tuần hoàn trực quan, SCG và LSP trao tặng nhiều thùng rác có chức năng phân loại, hỗ trợ trang trí khuôn viên trường bằng các nội dung hướng dẫn bảo vệ Trái Đất đơn giản mà hấp dẫn.
Thông qua hình thức “học mà chơi”, các em có thể thuần thục tách riêng rác tái chế và không tái chế. Với rác đã phân loại, công ty địa phương sẽ thu gom và xử lý theo quy trình hiện đại, tạo thành vật dụng mới, từ đó giúp các em học sinh hiểu thêm về mô hình kinh tế tuần hoàn.
Bảng tin tổng hợp lượng rác thu gom mỗi tuần tại trường Tiểu học Long Sơn 2. |
Sau 8 tháng triển khai, với 1,5 tấn rác thải đã được thu gom, tái chế, dự án thí điểm đã bước đầu thành công trong việc giáo dục trẻ nhỏ về vấn đề môi trường và xây dựng nền tảng tư duy phân loại rác thải, cũng như lan tỏa tinh thần sống xanh đến thầy cô và phụ huynh.
“Tôi thấy hoạt động này rất ý nghĩa, đồng thời tự hào khi con yêu môi trường và lan tỏa tinh thần đó đến những người xung quanh. Gia đình tôi cũng bắt đầu thực hiện việc phân loại rác để giúp con duy trì thói quen tốt”, chị Thu Vân (phụ huynh học sinh Quốc Bảo, lớp 4.2, trường Tiểu học Long Sơn 2) bày tỏ.
Dự án phân loại rác thải góp phần lan tỏa tinh thần sống xanh đến học sinh và phụ huynh. |
Đến lan tỏa cảm hứng sống xanh cho người trẻ
Không gói gọn trong quy mô trường học, Tập đoàn SCG và Công ty Hoá dầu Long Sơn còn mở rộng dự án “Giải cứu rác thải” để lan tỏa tinh thần sống xanh đến thế hệ trẻ Việt Nam - những chủ nhân tương lai của hành tinh.
Tập đoàn tổ chức các cuộc thi trực tuyến trên mạng xã hội để khuyến khích người trẻ tham gia phân loại và tái chế rác. Một trong những hoạt động đáng chú ý là DIY (Do-it-yourself).
Với sân chơi này, các bạn trẻ có thể tham gia phân loại rác với blogger Sunhuyn, bằng cách sử dụng những vật dụng không dùng đến như giấy, chai nhựa, kim loại… và tái chế thành đồ trang trí thủ công thân thiện với môi trường. Các ý tưởng thực hiện không tốn quá nhiều chi phí, nhưng vẫn đạt được mục tiêu “giảm rác", bảo vệ môi trường.
Blogger Sunhuyn hào hứng chia sẻ cách làm chậu cây từ chai nhựa. |
Sau khi hoàn thành sản phẩm tái chế, các bạn trẻ tiếp tục tham gia cuộc thi ảnh để nhận quà. Diễn ra từ 27/12/2021 đến 10/1/2022, cuộc thi ảnh trực tuyến “Tôi chọn giảm rác - tăng xanh mỗi ngày!” thu hút 4.000 lượt tương tác, 200 lượt tham gia gửi ảnh của các gia đình, bạn trẻ. Bên cạnh đó, người tham gia còn gửi về cuộc thi những sáng kiến, ý tưởng tái chế rác thải đơn giản để góp phần giữ gìn màu xanh của Trái Đất.
Thông qua việc dùng túi cá nhân khi đi chợ, sử dụng nhựa đúng cách, tái sử dụng các món đồ cũ, hay chuyển rác hữu cơ thành phân bón... người trẻ góp phần lan tỏa tinh thần “giảm rác, tăng xanh”, tạo nên làn sóng sống xanh được hưởng ứng rộng rãi trong cộng đồng.
Thành công lớn nhất của các cuộc thi, sân chơi do SCG phát động là khơi gợi tinh thần sống xanh của người trẻ, kêu gọi chung tay “giảm rác” bằng cách tái chế các vật dụng cũ, hạn chế mua đồ không cần thiết,...; “tăng xanh” thông qua hoạt động trồng cây, ươm mầm.
Với nhiều hoạt động nối dài trong tương lai, SCG và LSP kỳ vọng giúp thêm nhiều bạn nhỏ tiếp cận và hiểu về phân loại rác, thêm người trẻ chung tay “giảm rác, tăng xanh”.
SCG là một trong những tập đoàn hàng đầu Đông Nam Á, hoạt động trong 3 lĩnh vực kinh doanh chính: Xi măng - Vật liệu xây dựng, Hóa dầu và Bao bì. SCG luôn tiên phong trong các hoạt động xã hội, môi trường vì một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Dự án "Phân loại rác thải" là một trong những hoạt động hợp tác công tư (PPC) xây dựng nền kinh tế tuần hoàn trong việc quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam, được ký kết bởi Bộ Tài nguyên và Môi trường, tập đoàn SCG và Công ty Hoá dầu Long Sơn, Công ty Dow Việt Nam, Công ty Unilever Việt Nam. Thông qua đó, dự án kêu gọi sự hưởng ứng từ phía gia đình và nhà trường để nhân rộng mô hình trong cộng đồng vì một hành tinh xanh, sạch đẹp.
Bình luận