Trong những tác phẩm điện ảnh phản ánh sự phân biệt giai cấp, những mặt hàng xa xỉ như đồng hồ thường xuất hiện để phô trương mức độ giàu có, vương giả của các nhân vật. Đây là hình thức khắc họa trực quan được nhiều đạo diễn, nhà sản xuất phim sử dụng. Chỉ với một món phụ kiện nhỏ trên cổ tay, nhân vật có thể dễ dàng cho người xem thấy họ thuộc tầng lớp nào trong xã hội. Điều này khó có thể gợi tả qua quần áo do nhiều tỷ phú ăn diện giản dị, thậm chí tối giản, trong đời sống hàng ngày. |
Trong phim Saltburn mới ra mắt, cảnh quay ấn tượng nhất là khung hình nhân vật chính Ollie Quick (Barry Keoghan) đeo một chiếc Casio, ngồi kế bên người bạn Felix Catton (Jacob Elordi) với một chiếc Rolex Bubbleback trên cổ tay. Mẹ của Felix cũng ở bên cạnh, ăn mặc giản dị, song gây chú ý với cỗ máy thời gian mang tên Chopard Happy Diamonds. |
Sự khác biệt về mặt giai cấp được thể hiện rõ qua những món phụ kiện nhỏ. Chiếc Casio kỹ thuật số của Ollie có giá thành phải chăng, phù hợp với thân phận của một người đang từng bước chinh phục thành công. Trong khi đó, mẫu Rolex Bubbleback của Felix ngầm thể hiện sự vương giả của người có quyền thừa kế một gia tài lớn. Chiếc Chopard Happy Diamonds của mẹ Felix lại mô tả chính xác lối sống ăn chơi, tiệc tùng của phu nhân gia đình giàu có. |
Ở cuối phim, đồng hồ một lần nữa giúp đạo diễn phản ánh vai vế của các nhân vật trong xã hội. Khi bắt đầu trưởng thành và giàu có hơn, Ollie lập tức bỏ đi chiếc Casio cũ, đổi sang mẫu Jaeger-LeCoultre Reverso đắt đỏ. |
Là một bộ phim mô tả lối sống của giới thượng lưu, The Menu cũng sử dụng đồng hồ như một hình ảnh minh hoạ, cách diễn tả trực quan, sống động. Nhân vật Richard Leibrandt (Reed Birney) với khối tài sản khổng lồ không ngại khoe chiếc Cartier Tank. Cỗ máy thời gian cổ điển này là món đồ phải có trong bộ sưu tập của những người chơi đồng hồ. |
Trên hòn đảo dành cho các tỷ phú trong phim Glass Onion: A Knives Out Mystery, những người sở hữu khối tài sản lớn đồng loạt đeo món phụ kiện đắt giá trên cổ tay, âm thầm khoe khoang sự vương giả. Thám tử sành điệu Benoit Blanc (Daniel Craig) chọn chiếc Omega Seamaster 1948. Chính trị gia Claire Deballa (Kathryn Hahn) lại mê đắm mẫu Cartier Tank Francaise. Người có sức ảnh hưởng Duke Cody (Dave Bautista), trong ảnh, tạo dấu ấn với chiếc Panerai Submersible trên cổ tay. |
Một bối cảnh trái ngược cũng được vẽ ra trong phim Glass Onion: A Knives Out Mystery. Trong khi những người giàu có ngầm tổ chức một cuộc thi đồng hồ, Helen Brand (Janelle Monáe), nhân vật chính thuộc tầng lớp lao động, hoàn toàn không sở hữu một cỗ máy thời gian nào. Peg (Jessica Henwick), trợ lý của một siêu mẫu nổi tiếng, cũng chỉ đeo một chiếc Casio đơn giản. |
Tuy nhiên, không chỉ những chiếc đồng hồ thuộc các thương hiệu danh tiếng như Rolex hay Cartier mới thể hiện được sự giàu có của người đeo. Một số món phụ kiện không nổi tiếng nhưng đảm bảo tính thẩm mỹ, công năng, có lịch sử lâu đời vẫn giúp người dùng thể hiện lối sống có gu. Trong phim điện ảnh The Talented Mr. Ripley, Tom Ripley (Matt Damon) mê đắm cuộc sống vương giả của Greenleaf (Jude Law) ở Italy vào những năm 1950. Để thoả mãn khao khát có cuộc sống tương tự, Ripley đánh cắp một chiếc đồng hồ của Greenleaf. Song, anh không chọn Rolex hay Chopard mà chỉ lấy mẫu Swanson được làm bằng thép không gỉ. Theo cố vấn trang phục Ann Roth, cỗ máy thời gian này không đắt đỏ nhưng đảm bảo về tính thẩm mỹ, giúp người đeo trở nên có gu hơn. |
Xu hướng thời trang bền vững tăng dần qua các năm
Bắt đầu từ khoảng năm 2014, số lượt tìm kiếm “quần áo giá rẻ” bắt đầu giảm mạnh, trong khi cùng thời điểm này, số lượt tìm kiếm “quần áo bền vững” tăng mạnh. Trong cuốn Thế giới không rác thải, tác giả Ron Gonen cho rằng sự chú ý vào xu hướng phát triển bền vững trong ngành thời trang đang tăng đột phá dưới sự mở đường của những nhà tiên phong trong lĩnh vực thời trang bền vững như Stella McCartney, Eileen Fisher và Yvon Chouinard của Patagonia.