Gặp Phương Linh và Đông Hùng tại sàn tập, dù mải miết tập luyện cho vai nam, nữ chính, cặp đôi vẫn dành thời gian để chia sẻ với phóng viên về cảm xúc khi lấn sân sang lĩnh vực diễn xuất.
- Hai anh chị bắt đầu tham gia vào vở nhạc kịch này như thế nào?
- Phương Linh: Đạo diễn Nguyễn Bông Mai gọi Đông Hùng trước và bảo rất cần một cô Nguyệt như thế này, thế này…
- Đạo diễn Bông Mai có nói là Đông Hùng phải chọn người đóng cặp trong vở nhạc kịch, là người yêu ngoài đời không?
- Phương Linh: Chưa chắc, là chuyên môn chứ. Vì nếu như thế chị Bông Mai sẽ gọi người khác. Đông Hùng có thể diễn với bạn khác mà vẫn tình cảm.
- Chuyện tình của anh chị có điểm gì giống và khác với câu chuyện trong vở nhạc kịch?
- Phương Linh: Ngoài đời, tôi là người tỏ tình với Đông Hùng trước. Tôi cũng là người thích anh ấy trước. Vì bọn tôi đã gần gũi với nhau nhiều, đi diễn cùng nhau rất nhiều, hát đôi. Nhưng trong vở nhạc kịch này thì khác, khác xa với đời thực. Câu chuyện trong vở nhạc kịch diễn biến nhanh, trong khoảng thời gian ngắn. Nên không thể biết trước. Ý tôi muốn nhấn mạnh là tình yêu của tôi và Đông Hùng là một cái gì khác hơn vở kịch này.
- Thế còn Đông Hùng, anh với nhân vật Lãm trong nhạc kịch có điểm gì giống và khác nhau?
- Đông Hùng: Đặc trưng của Lãm là người nguyên tắc và có tình. Tôi ở ngoài đời cũng vậy, đã hẹn với ai là đến rất đúng hẹn. Khi đọc kịch bản, tôi thấy có hình bóng mình trong đó, chẳng hạn mặc đồ lính thấy rất đẹp… (cười).
Đông Hùng và Phương Linh. |
- Đông Hùng và Phương Linh chắc đã đọc đi, đọc lại truyện ngắn “Mảnh trăng cuối rừng”?
- Đông Hùng: Tôi có. Đọc xong thích kịch bản này hơn. Cần để người xem phải suy nghĩ, cùng với tác động của hiệu ứng ánh sáng và phối nhạc, là cô này có hy sinh hay không? Trong truyện cô này không chết. Nhưng sau khi chuyển thể thành nhạc kịch, cô này có chết hay không, chưa rõ ràng. Phải tạo cho người ta dư âm phân vân sau khi xem. Đấy là cái tôi thích.
- Phương Linh: Nhạc kịch Mảnh trăng cuối rừng này để ý tư duy về âm nhạc nhiều hơn. Nếu đọc, sẽ hoàn thiện hơn về vấn đề hiểu thông tin, tốt cho mình về những lời thoại. Khi diễn, phải sử dụng những ngôn ngữ ngày xưa, nó dung dị, chân phương, chứ không nói máy móc như bọn tôi. Rõ ràng khi đọc tác phẩm, sẽ có cách dùng từ tốt hơn nhưng thực sự tôi không thích đọc.
Vì sao không đọc tác phẩm văn học nguyên gốc của kịch bản chuyển thể? Vì không muốn hóa thân làm cô Nguyệt trong tác phẩm đấy. Vì muốn là Nguyệt của vở nhạc kịch này, chứ không phải tôi đang hóa thân ở truyện ngắn. Chúng tôi không thực sự hiểu sâu về những năm tháng chiến tranh nhưng diễn đúng nghĩa. Cảm xúc thực sự là tự nuôi chứ không phải tự gieo. Đạo diễn chỉ kể cảm xúc chứ không nói câu chuyện như thế nào, tức là chỉ nói trong khoảnh khắc này, diễn biến tâm lý của cô ý như thế nào, cô đang khao khát gì. Tôi không muốn nói đề cao sự hy sinh là thế nào vì cái này nói quá nhiều rồi. Nếu muốn tác phẩm này có cái để khán giả nhắc đến, phải thật sự nổi bật và khác đi.
- Vậy hai bạn làm thế nào để đóng tròn vai diễn trong vở nhạc kịch này?
- Phương Linh: Tôi luôn nghĩ phải làm thế nào đóng vai Nguyệt mà không bị các thầy cô chê. Như đạo diễn Bông Mai nói không chọn diễn viên chuyên nghiệp vì thanh niên xung phong hồi xưa rất vô tư, lúc đó còn rất trẻ và ngây ngô, chỉ biết bom đạn và tình yêu chỉ xen vào nho nhỏ thôi, nên chon cái gì qua chuyên nghiệp thì lại là diễn rồi. Cái này là hát và nói cho khán giả nghe chứ không phải mình diễn nữa. Diễn phải có đạo cụ và trăng sao gì đấy, chứ đây hoàn toàn không có vì nó nương vào bản phối để tạo cảm xúc cho khán giả chứ không hẳn là cảm xúc do bọn tôi diễn. Kể cả diễn xuất cũng nương theo âm nhạc. Chính vì thế âm nhạc là lợi thế của bọn tôi. Tôi và Đông Hùng là ca sĩ nên là khi mà có nhạc sẽ dồn theo cảm xúc và mình diễn với âm nhạc để nói với khán giả những điều mình muốn nói, cho nên nó không quá khó đối với chúng tôi. Thầy cô cũng không quá chuyên tâm tới vấn đề diễn xuất mà quan tâm về cảm xúc khi mình nói với khán giả như thế nào. Cái lợi thế đó cũng là cái ưu điểm khiến cho chúng tôi tự tin là vì mình đã có nhạc cảm sẵn rồi.
- Đông Hùng: Diễn biến tâm lý của Lãm hơi phức tạp một chút. Làm thế nào để thoát ra khỏi cái tôi và trở thành Lãm của thời đó là điểm khó của tôi. Lúc tôi thể hiện trên sân khấu, khi hát xong, hai người đã có sự cảm nhau, nhưng khi họ gần đến nhau, lại bị giật ra, khựng lại. Vì nhân vật của tôi đang đi tìm người yêu mà. Cô Nguyệt cũng vậy, nhưng cô Nguyệt do không biết rõ về Lãm nên không bị diễn biến tâm lý. Khi có cảm tình với nhau, anh Lãm có sự trăn trở, giằng xé tâm lý. Đến khi cô Nguyệt xuống chỉ đường, quả bom rơi xuống và Lãm lái xe đi. Khi đó, anh ấy mới khẳng định, đây chính là Nguyệt của tôi. Trong truyện ngắn không có, vở nhạc kịch này đang phân vân ở đoạn cuối.
Mảnh trăng cuối rừng được dựng thành nhạc kịch
Nhân dịp 70 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2014), kênh truyền hình Quốc phòng Việt Nam đã đầu tư kinh phí lớn, tổ chức 2 chương trình quy mô, trong đó điểm nhấn là vở nhạc kịch Mảnh trăng cuối rừng. Dựa trên truyện ngắn nổi tiếng cùng tên của cố nhà văn Nguyễn Minh Châu, vở nhạc kịch lấy bối cảnh chiến tranh nhưng đầy ắp chất thơ lãng mạn.
Tổng đạo diễn, tác giả kịch bản - Nguyễn Bông Mai - chia sẻ: "Nói về khía cạnh kịch bản, đây là câu chuyện chuyển thể từ tác phẩm văn học của nhà văn Nguyễn Minh Châu. Tuy nhiên, câu chuyện văn học sẽ khác với tình huống trên sân khấu. Vẫn bám theo sườn của câu chuyện nhưng sẽ phát triển thêm các tình tiết để câu chuyện sinh động và phù hợp với nhạc kịch hơn. Ca khúc chính của vở nhạc kịch rất quen thuộc như Bài ca hy vọng, Bài ca trên đỉnh Trường Sơn, Tôi là người lái xe, Lê Anh Nuôi, Nổi lửa lên em, Anh quân bưu vui tính, Tình tôi, Đêm nay anh ở đâu…".
Hai vai chính được giao cho Đông Hùng và Phương Linh. Đây là 2 ca sĩ triển vọng, có chất giọng hay và ngoại hình phù hợp với hình tượng nhân vật - anh bộ đội trẻ trung, cao ráo và cô thanh niên xung phong nữ tính, hồn nhiên.
Vở nhạc kịch sẽ được truyền hình trực tiếp trên Kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam tối 17/12.