Kiếm tiền nhờ phim kinh dị và hài nhảm
Thuật ngữ “phim mì ăn liền” thịnh hành ở Việt Nam trong khoảng 20 năm cuối của thế kỷ trước. Lúc bấy giờ, do phim màn ảnh rộng không được ưa chuộng, cộng thêm việc mỗi gia đình đều có đầu VHS nên các nhà sản xuất đua nhau làm phim rồi phát hành dưới định dạng băng video. Ưu điểm của dòng phim là cần ít vốn nhưng thu lợi nhanh. Song, nội dung thường nông cạn, có thể nhái theo phong cách điện ảnh Hong Kong hoặc diễm tình sướt mướt.
Trở lại thời điểm năm 2015, phần lớn các phim chiếu rạp của điện ảnh Việt gặt hái doanh thu khả quan nằm trong hai thể loại hài và kinh dị. Dĩ nhiên phim hành động cũng được khán giả ưu ái, nhưng nó yêu cầu kinh phí lớn và không phải nhà làm phim nội nào cũng dám thử sức.
Cuối năm 2014, bộ phim hài Để Mai tính 2 xác lập kỷ lục phòng vé khi thu hơn 100 tỷ đồng và trụ rạp suốt hai tháng trời. Dù có không ít ý kiến đánh giá phim “nhảm nhí”, xúc phạm cộng đồng LGBT, câu chuyện về chị Hội luôn kín suất chiếu và không có đối thủ nào xứng tầm ngoài phòng vé, tính cả phim ngoại.
Hồi tháng 5, phim hài Việt Lật mặt làm nên hiện tương khi thu hơn 10 tỷ đồng chỉ sau ba ngày trình chiếu. Tuy nhiên, giới chuyên môn không đánh giá cao, thậm chí gọi tác phẩm của Lý Hải là “thảm họa”.
Không gặt hái thành công như hai tác phẩm trên, nhưng hàng loạt bộ phim “sớm nở tối tàn” cũng tìm cách tiếp cận khán giả. Chúng ra rạp trong thời gian chớp nhoáng, đồng thời sớm thu hồi vốn liếng. Có thể kể tới những cái tên như Tây Du Ký ngoại truyện, Tình + Tình, Sơn đẹp trai, Oan hồn, Tiên nữ không kiêng cữ, Hợp đồng bắt ma, Hy sinh đời trai...
Đặc điểm chung của nhóm tác phẩm là có kịch bản nhạt nhẽo, dàn diễn viên nhiều trai xinh, gái đẹp nhưng diễn xuất không có gì nổi trội. Các phim chủ yếu ra rạp trong hoặc sau dịp Tết nguyên đán (khi mùa phim bom tấn Hollywood chưa bắt đầu), hoặc mùa hè - thời điểm mà giới học sinh, sinh viên đang nghỉ ngơi.
Tại sao phim nhảm có chỗ đứng?
Lượng khán giả thường xuyên ra rạp tại Việt Nam chủ yếu là người trẻ. Thị hiếu của nhóm được tách làm hai: một nhóm yêu thích phim nước ngoài, có gu thẩm mỹ “nhỉnh” hơn một chút, muốn ra rạp khi có phim bom tấn; nhóm còn lại có gu “bình dân” hơn, thích xem phim Việt, thiên về thể loại hài, giải trí hoặc có diễn viên mà họ yêu mến.
Chính nhóm đối tượng thứ hai ấy đang giữ “quyền năng” chi phối phim Việt chiếu rạp. Nhằm đáp ứng nhu cầu của họ, các nhà sản xuất liên tục đưa ra những bộ phim có nội dung dễ dãi nhưng chú trọng về mặt hình ảnh, diễn viên, trang phục, âm nhạc.
Những tác phẩm nghệ thuật như Đập cánh giữa không trung rất khó thu hút khán giả đại chúng tại Việt Nam, ít nhất là ở thời điểm hiện tại. |
Điều đó không có nghĩa gu thẩm mỹ của khán giả Việt sẽ mãi dậm chân tại chỗ. Có ý kiến cho rằng nếu thực hiện các thể loại khác ngoài hài hước thì phim Việt sẽ rất khó để cạnh tranh với phim ngoại vốn được đầu tư sản xuất bài bản hơn. So sánh giữa một phim bom tấn Hollywood với kinh phí hàng trăm triệu USD và một phim hành động Việt Nam chỉ có số vốn vài tỷ đồng, thật khó để cho các nhà sản xuất nội mạo hiểm. Nên họ tìm đến thể loại hài giải trí, cho ra đời những phim mang nội dung gần gũi và dễ hiểu hơn so với phim hài ngoại.
Mặt khác, ngay trong giới sản xuất phim cũng đang chia thành hai dòng. Một dòng thiên về nghệ thuật, thường được nhà nước đầu tư và chủ yếu mang đi dự các liên hoan phim. Dòng còn lại thuần giải trí, do các hãng phim tư nhân bỏ vốn nên nhu cầu thu lợi nhuận rất cao. Rất khó để dung hòa hai yếu tố nghệ thuật và giải trí bởi như thế người đạo diễn cần phải rất “chắc tay”.
Bởi vậy, dòng phim thị trường vẫn ồn ào và áp đảo dòng phim nghệ thuật. Trong khi những phim hài giải trí kín suất chiếu thì một số phim nghệ thuật như Đập cánh giữa không trung phải rất vất vả mới len được ra rạp.
Chờ đợi những tín hiệu tích cực
Cuối năm nay, khán giả kỳ vọng Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh sẽ là bộ phim Việt hiếm hoi cân bằng được giữa hai giá trị nghệ thuật và thương mại. Phim do đạo diễn Victor Vũ thực hiện, dựa trên tác phẩm văn học nổi tiếng cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Sự ủng hộ đối với trailer phim trên các mạng xã hội cho thấy khán giả Việt vẫn “khát” những bộ phim điện ảnh đích thực, được đầu tư tâm huyết và kỹ lưỡng.
Trong khi đó, dù vẫn “ăn nên làm ra” do số lượng rạp chiếu ngày càng tăng, nhưng về lâu về dài, phim “mỳ ăn liền” sẽ sớm không còn đất sống. Hollywood hiện ngày một quan tâm hơn tới thị trường tiềm năng như Việt Nam và họ có lợi thế hơn hẳn nhờ các bom tấn chất lượng cao, chiến thuật quảng cáo bài bản, rầm rộ.
Số lượng phim ra rạp nhiều hơn cũng đồng nghĩa với việc khán giả ngày càng kén chọn, tìm đến những tác phẩm thực sự chất lượng. Những bộ phim dễ dãi, mô-típ lặp đi lặp lại rất khó để thu hút công chúng dù có sử dụng chiêu trò gì đi chăng nữa.
Trong tương lai, khi giới trẻ được tiếp xúc nhiều hơn với tinh hoa điện ảnh thế giới, nâng cao gu thẩm mỹ, dòng phim “mỳ ăn liền” của thế kỷ 21 sẽ trở nên lạc hậu, kệch cỡm hệt như khi chúng ta nhìn lại trào lưu tương tự cách đây 20 năm.