Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đợt bùng phát đậu mùa khỉ gợi nhớ ngày đầu của 'bóng ma' HIV

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo rằng sự lây lan ngày càng tăng của virus đậu mùa khỉ ở châu Phi có thể lan sang các lục địa khác.

Nốt tổn thương trên tay của một bệnh nhân nhiễm đậu mùa khỉ. Ảnh: SCMP.

Ngày 15/8, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác nhận một trường hợp nhiễm virus đậu mùa khỉ (mpox) ở Thụy Điển có liên quan đến đợt bùng phát dịch bệnh này ở châu Phi, chỉ một ngày sau khi WHO tuyên bố mpox là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu (PHEIC).

Tuy bệnh nhân không còn khả năng lây nhiễm, giới chức y tế Thụy Điển rất lưu tâm đến sự xuất hiện của dịch bệnh và đang theo dõi chặt chẽ, đồng thời liên tục đánh giá xem có cần áp dụng các biện pháp mới hay không.

Bà Lawrence Gostin, chuyên gia y tế công cộng kiêm Giáo sư tại trường Luật Georgetown ở Washington (Mỹ), cảnh báo sự xuất hiện của một ca mắc đậu mùa khỉ ở Thụy Điển rất có thể đồng nghĩa với việc hàng chục ca bệnh chưa được phát hiện ở châu Âu.

Đợt bùng phát hiện tại gì khác so với năm 2022?

Theo CBS News, đầu năm nay, các nhà khoa học đã báo cáo sự xuất hiện của một dạng mpox mới, có thể tạo ra tỷ lệ đến 10% đe dọa tính mạng người nhiễm bệnh. Mpox chủ yếu lây lan qua tiếp xúc gần gũi với người bị nhiễm bệnh, bao gồm cả qua quan hệ tình dục.

Không giống các đợt bùng phát mpox trước đây, nơi các tổn thương chủ yếu được nhìn thấy ở ngực, tay và chân, dạng mới gây ra các triệu chứng và tổn thương nhẹ hơn ở bộ phận sinh dục. Điều đó khiến việc phát hiện khó khăn hơn, nghĩa là mọi người cũng có thể lây lan cho người khác mà thậm chí không biết mình đã nhiễm bệnh.

Trong đợt bùng phát mpox toàn cầu vào năm 2022, nam giới đồng tính nam và lưỡng tính chiếm phần lớn các trường hợp và virus chủ yếu lây lan qua tiếp xúc gần gũi, bao gồm cả quan hệ tình dục. Mặc dù điều này vẫn xảy ra ở châu Phi trong đợt bùng phát này, trẻ em dưới 15 tuổi hiện chiếm hơn 70% số ca nhiễm mpox và 85% số ca không qua khỏi ở Congo.

Greg Ramm, Giám đốc Tổ chức Cứu trợ trẻ em Congo, cho biết tổ chức này đặc biệt lo lắng về sự lây lan của bệnh mpox trong các trại đông đúc dành cho người tị nạn ở phía đông, với 345.000 trẻ em "nhồi nhét trong lều với điều kiện mất vệ sinh". Ông cho biết hệ thống y tế của đất nước đã suy yếu do tình trạng suy dinh dưỡng, sởi và dịch tả.

Giới chức nước này cho biết không rõ tại sao trẻ em lại bị mpox tấn công. Một phần có thể là do trẻ em dễ bị nhiễm virus hơn hoặc các yếu tố xã hội, như tình trạng quá đông đúc và tiếp xúc với cha mẹ mắc bệnh.

Mpox o chau Phi anh 1

Hình ảnh kính hiển vi điện tử được tô màu kỹ thuật số mô tả bên trái là các hạt virus đậu mùa khỉ trưởng thành, hình bầu dục, và bên phải là các hạt hình lưỡi liềm và các hạt hình cầu chưa trưởng thành. Ảnh: CDC.

Gợi nhớ những ngày đầu của "bóng ma" HIV

Theo tờ The Globe And Mail của Canada, ngay sau khi WHO tuyên bố đậu mùa khỉ ở châu Phi là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu, câu hỏi ngay lập tức nảy ra là: "Mpox có phải là đại dịch toàn cầu tiếp theo không?" hay 'Liệu chúng ta có phải trải qua một tình huống giống Covid-19 khác không?'

Còn quá sớm để đưa ra bất kỳ tuyên bố dứt khoát nào về tình hình bất ổn sẽ diễn biến ra sao, nhưng công bằng mà nói thì điều đó khó xảy ra.

Đậu mùa khỉ không phải là một loại virus mới. Nó đã tồn tại từ rất lâu cũng giống bệnh "họ hàng" của nó là đậu mùa. Thậm chí bệnh đậu mùa còn bị xóa sổ vào năm 1980.

Ngoài ra, đậu mùa khỉ không lây lan dễ dàng như Covid-19, đồng thời việc ngăn ngừa bệnh cũng dễ dàng hơn và có vaccine. Bệnh này đã tồn tại ở Trung và Tây Phi trong nhiều thập kỷ (được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1958). Trong lịch sử đã từng có những đợt bùng phát nhỏ, thường là lây lan do tiếp xúc với động vật bị nhiễm bệnh như loài gặm nhấm và khỉ.

Theo WHO, điều đáng lo ngại là sự lây lan của mpox giống một cách kỳ lạ với HIV trong những ngày đầu của đại dịch AIDS. Cơ quan nàykêu gọi cần tăng tốc tiếp cận vaccine, xét nghiệm và thuốc điều trị ở những khu vực bị ảnh hưởng, đồng thời khởi động các chiến dịch nhằm giảm bớt sự kỳ thị xung quanh virus.

Nói cách khác, những gì chúng ta đang thấy không phải là một đại dịch bùng nổ giống Covid-19, ảnh hưởng nhiều nơi trên thế giới cùng lúc và sau đó trở thành đặc hữu, mà là một đợt bùng phát chậm như đại dịch AIDS, nơi virus tàn phá các cộng đồng bị thiệt thòi cụ thể và tồn tại trong thời gian dài.

Phản ứng của các nước

Với dạng virus đậu mùa khỉ mới lây lan và rất ít liều vaccine có sẵn trên lục địa, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi (CDC châu Phi) cảnh báo virus này có thể "tràn" qua biên giới quốc tế.

Mpox o chau Phi anh 2

Dịch bệnh đậu mùa khỉ diễn biến phức tạp tại các quốc gia châu Phi, đặc biệt là Cộng hòa Dân chủ Congo. Ảnh minh họa: Verywellhealth.

Theo The Guardian, mới đây, các quan chức y tế Vương Quốc Anh cho biết hiện không có trường hợp nhiễm virus nào ở Anh, nhưng họ cần chuẩn bị cho bất kỳ trường hợp tiềm ẩn nào về chủng mpox mới. Tiến sĩ Meera Chand, Phó giám đốc Cơ quan An ninh y tế Anh (UKHSA), cho biết nguy cơ đối với người dân Anh hiện được coi là thấp.

"Tuy nhiên, việc lập kế hoạch đang được tiến hành để chuẩn bị cho mọi trường hợp có thể xảy ra ở Vương Quốc Anh. Điều này bao gồm việc đảm bảo bác sĩ có thể nhận ra các trường hợp kịp thời, có sẵn xét nghiệm nhanh, các quy trình chăm sóc an toàn cho bệnh nhân và ngăn ngừa lây truyền tiếp theo", tiến sĩ Meera cho hay.

Trong khi đó, hiện chưa có trường hợp mắc bệnh nào được phát hiện ở Mỹ nhưng CDC nước này đã ban hành bản cập nhật Mạng lưới cảnh báo sức khỏe và Thông báo sức khỏe du lịch. Bản cập nhật này nhằm thông báo cho các bác sĩ, du khách và đối tác y tế công cộng Mỹ về sự lây lan của đậu mùa khỉ sang các nước chưa từng ghi nhận sự xuất hiện của dịch bệnh.

Cơ quan y tế này cũng khuyến cáo bất kỳ ai đã đến Congo hoặc các quốc gia lân cận trong 21 ngày qua và bị phát ban không rõ nguyên nhân nên đi khám ngay lập tức và tránh tiếp xúc với người khác.

Theo SCMP, Tổng cục Hải quan Trung Quốc ngày 16/8 thông báo sẽ bắt đầu kiểm tra người nhập cảnh vào Trung Quốc trên các chuyến bay và chuyến tàu đi từ vùng dịch.

Theo đó, các máy bay và tàu biển, bao gồm máy bay chở hàng và tàu container, đi từ những quốc gia và khu vực dịch đậu mùa khỉ lây lan cần tuân thủ các quy trình y tế. Những người tiếp xúc với các trường hợp đậu mùa khỉ hoặc có triệu chứng liên quan cần khai báo khi nhập cảnh.

Tại sao tình dục lại thú vị

Khi bước vào một căn phòng toàn những người xa lạ, chúng ta có thể cảm nhận được ai gây ấn tượng với mình chỉ dựa vào hình thức bên ngoài, nhờ vào “sự hấp dẫn giới tính", bao gồm những dấu hiệu về tuổi tác, giới tính, tình trạng sinh sản và phẩm chất của mỗi cá nhân, cùng với đó là các đáp ứng kích thích được lập trình đối với những đặc tính tình dục và cả những đặc điểm khác nữa.

'Mồi lửa' châm ngòi cho đợt bùng phát đậu mùa khỉ

Chỉ trong vòng 2 năm, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã 2 lần tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu, cho thấy loại bệnh này cũng thực sự đáng lo ngại.

Mai Phương

Bạn có thể quan tâm