Đau dữ dội ở vùng bụng trên có thể cảnh báo chứng loét dạ dày. Trong khi đó, đau nhói ở gần rốn hoặc bụng dưới bên phải là dấu hiệu của viêm ruột thừa.
Đau âm ỉ ở vùng bụng trên: Đầy hơi. Bạn cũng có thể gặp một số triệu chứng khác như cơn đau xuất hiện khiến bụng sưng lên, bạn cảm thấy như có gì đó đang di chuyển trong dạ dày, ợ hơi... Ăn và nuốt quá nhanh có thể gây ra cảm giác này. Đồ uống có ga, bia, các sản phẩm từ sữa và đậu cũng là nguyên nhân hình thành khí quá mức trong dạ dày. Để ngăn chặn tình trạng này, bạn nên tiêu thụ ít các thực phẩm trên. Uống một viên thuốc với than hoạt tính hoặc viên dầu bạc hà để làm giảm triệu chứng này.
Đau rát ở vùng dưới ngực hoặc trên cùng của bụng: Chứng ợ nóng (trào ngược axit). Ngoài đau bụng, bạn có thể cảm thấy nóng rát trong cổ họng và đôi khi có vị axit kỳ lạ ở miệng. Ăn nhiều thực phẩm nhiều dầu mỡ, cay, rượu, hành sống, chocolate, trái cây họ cam quýt và đồ uống chứa caffeine có thể gây ợ nóng. Hút thuốc lá càng làm chứng ợ nóng tồi tệ hơn. Tốt nhất là bạn nên tránh xa các thực phẩm trên, cố gắng không ăn quá nhiều, 5-6 bữa nhỏ trong ngày thay vì 2-3 bữa lớn. Ngoài ra, bạn nên mặc quần áo rộng để tránh gây áp lực lên bụng.
Đau dữ dội ở vùng bụng trên: Loét dạ dày. Loét xuất hiện khi niêm mạc dạ dày bị tổn thương hoặc lạm dụng thuốc giảm đau như aspirin, ibuprofen. Uống quá nhiều rượu cũng tác động xấu đến dạ dày và gây loét. Các triệu chứng khác của loét dạ dày là thay đổi khẩu vị, buồn nôn, đại tiện ra máu hoặc sẫm màu, sụt cân không rõ nguyên nhân, nôn mửa và đau ngực. Để ngăn ngừa loét dạ dày, không nên uống quá 2 ly rượu mỗi ngày, đặc biệt không uống cùng với thuốc. Bạn cũng nên hạn chế thuốc giảm đau và rửa tay trước mỗi bữa ăn.
Bụng đau co thắt và đầy hơi: Hội chứng ruột kích thích. Nếu hệ thống tiêu hóa nhạy cảm, bạn có thể bị co thắt ở bụng, đầy hơi và mắc hội chứng ruột kích thích. Nó có thể dẫn đến hai hậu quả. Hệ thống tiêu hóa bắt đầu hoạt động nhanh, dẫn đến tiêu chảy hoặc mọi thứ sẽ chậm lại, gây táo bón. Nguyên nhân gây ra hội chứng ruột kích thích chưa được xác định. Tuy nhiên, các bác sĩ tin rằng nó có thể xảy ra do sự giao tiếp giữa não bộ và tiêu hóa bị gián đoạn. Trong trường hợp này, tốt hơn là nên kiểm tra loại thực phẩm nào khiến bạn nhạy cảm và hạn chế chúng.
Bụng đau co thắt và tiêu chảy: Viêm dạ dày - ruột. Bạn có thể cảm thấy đau nhói và co thắt ở vùng bụng, bị tiêu chảy (không có máu), buồn nôn, nôn mửa, đau cơ, thỉnh thoảng đau đầu và sốt nhẹ. Đây là dấu hiệu của bệnh viêm dạ dày - ruột do virus hay cúm dạ dày. Nguyên nhân có thể là tiêu thụ thực phẩm hoặc nước bị ô nhiễm, sử dụng đồ dùng cá nhân của người bị nhiễm bệnh. Để tránh bị nhiễm trùng, bạn nên tiêm vắc xin đầy đủ, rửa tay trước khi ăn, sử dụng đồ dùng cá nhân riêng biệt và khử trùng các bề mặt cứng thường xuyên.
Đau nhẹ và khó tiêu: Không dung nạp lactose. Không dung nạp đường, sữa có thể gây tiêu chảy, đau bụng, tăng khí hoặc táo bón. Các triệu chứng khác bao gồm đau đầu, mệt mỏi, mất tập trung, đau cơ và khớp, loét miệng, khó khăn khi tiểu tiện. Thông thường, không dung nạp đường sữa là do sự thiếu hụt enzyme đường ruột. Sự thiếu hụt này khiến việc phân tách đường sữa thành 2 loại đường nhỏ hơn (glucose và galactose) khó khăn, ruột không thể hấp thụ chúng hiệu quả. Bạn nên tuân theo chế độ ăn kiêng không có đường, sữa. Để không bị thiếu canxi và các chất dinh dưỡng bổ ích, bạn cần ăn nhiều bông cải xanh, cải xoăn, cá ngừ hay cá hồi...
Dư thừa khí, tiêu chảy mạn tính, đầy hơi: Không dung nạp gluten. Một số triệu chứng khác bao gồm táo bón, phân có mùi, đầy hơi, đau bụng, các vấn đề về da, giảm cân không giải thích được và trầm cảm. Đây là phản ứng miễn dịch đối với một loại protein trong lúa mì và các ngũ cốc khác. Bạn nên tránh các thực phẩm và sản phẩm làm từ lúa mì, tham khảo ý kiến bác sĩ về các phương pháp điều trị.
Đau dữ dội ở phía trên bụng bên phải và dưới vai: Sỏi mật. Không dễ để phát hiện sỏi mật trong cơ thể của bạn. Bạn chỉ thực sự nhận ra nếu chúng bị viêm và mắc vào một trong những ống dẫn nước tiêu hóa từ gan đến ruột non. Trong trường hợp này, các triệu chứng của sỏi mật là đau dữ dội và đột ngột ở vùng bụng trên bên phải, sốt, run rẩy và buồn nôn. Một số yếu tố nguy cơ dẫn đến hình thành sỏi mật bao gồm thừa cân hoặc béo phì, ít vận động, mang thai, tiêu thụ thực phẩm chứa nhiều chất béo và cholesterol cao, không ăn đủ chất xơ, tiểu đường... Để ngăn ngừa sỏi mật, bạn có thể thiết lập một số quy tắc đơn giản như không bỏ bữa, kiểm soát cân nặng, bổ sung thêm chất xơ, tập thể dục đều đặn.
Đau bụng dưới bên phải: Viêm ruột thừa. Đây là tình trạng nguy hiểm cần điều trị y tế ngay lập tức. Triệu chứng của viêm ruột thừa là đau nhói ở gần rốn hoặc bụng dưới bên phải, sưng bụng, sốt cao và không thể thải khí. Nguyên nhân có thể là tắc nghẽn bên trong ruột thừa; mô ruột thừa bị giãn (do nhiễm trùng đường tiêu hóa); ký sinh trùng phát triển gây nhiễm trùng hoặc tổn thương ruột thừa. Viêm ruột thừa ít gặp hơn ở những người tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh, tiêu thụ nhiều chất xơ. Nếu nghi ngờ bị viêm ruột thừa, bạn cần tới bệnh viện ngay lập tức để được điều trị kịp thời.