Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đột quỵ không còn là bệnh của người già

Tại Việt Nam, đột quỵ thường được xem là bệnh của người già nhưng thực tế cho thấy bệnh đang có xu hướng trẻ hóa, đặt ra những thách thức lớn cho hệ thống y tế và cộng đồng.

Mỗi năm Việt Nam có trên 200.000 ca đột quỵ mới, trong đó đến 16% xảy ra ở nhóm dưới 50 tuổi, theo số liệu công bố tại Hội thảo “Phòng chống đột quỵ: Từ lý thuyết đến thực tế hành động” tại TP.HCM ngày 20/4.

Vì sao đột quỵ ngày càng trẻ hóa?

Tại hội thảo, TS.BS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) công bố, năm 2019 có 63% bệnh nhân đột quỵ dưới 70 tuổi và 16% dưới 50, với 80% vào viện trễ “giờ vàng” - 4,5 giờ đầu. PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM cũng cho biết: “Đột quỵ hiện không còn là bệnh của người già nhưng 90% ca bệnh có thể phòng ngừa nếu kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ”.

Benh vien Hoan My anh 1

Hội thảo “Phòng chống đột quỵ: Từ lý thuyết đến thực tế hành động” quy tụ nhiều chuyên gia đột quỵ hàng đầu ở khu vực phía Nam. Ảnh: HM.

Lối sống công nghiệp, căng thẳng kéo dài, hút thuốc, uống rượu bia, ít vận động, chế độ ăn nhiều mỡ, béo phì… là những nguyên nhân chính, bên cạnh nhóm bệnh lý nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu và ô nhiễm không khí đang góp phần làm tăng nguy cơ đột quỵ ở người trẻ. Theo các chuyên gia, tầm soát sớm và kiểm soát các yếu tố này là then chốt của “cuộc chiến” chống đột quỵ.

Không chỉ cần tăng cường nâng cao kiến thức của người dân về phòng ngừa đột quỵ, các chuyên gia còn nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc xây dựng và nhân rộng mạng lưới cấp cứu đột quỵ phản ứng nhanh, chuẩn hóa theo chuẩn quốc tế để tranh thủ “giờ vàng”, tăng cơ hội hồi phục tối đa cho người bệnh.

Quy trình cứu não nhanh chóng với Code Stroke

Cấp cứu đột quỵ được ví như “cuộc đua với thời gian”, bởi mỗi phút trôi qua, hàng triệu tế bào não bị tổn thương không thể phục hồi. Vì vậy, các bệnh viện, trong đó có Tập đoàn y khoa Hoàn Mỹ đã nỗ lực xây dựng quy trình Code Stroke (mô hình cấp cứu đột quỵ cấp tốc) theo khuyến cáo của Hội Đột quỵ Thế giới để tăng tốc độ điều trị.

Benh vien Hoan My anh 2

TS.BS Nguyễn Tuấn, Giám đốc y khoa Tập đoàn y khoa Hoàn Mỹ trình bày tham luận tại hội thảo ngày 20/04. Ảnh: HM.

Từ năm 2017, Code Stroke được áp dụng tại Đơn vị Đột quỵ chuyên sâu, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long và Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn. Theo TS.BS Nguyễn Tuấn, Giám đốc y khoa Tập đoàn y khoa Hoàn Mỹ,quy trình này vận hành liên tục 24/7 với 4 bước chính: Tiếp nhận đánh giá triệu chứng trong 3 phút, chụp CT hoặc MRI não trong 10-15 phút, tiêm thuốc tiêu sợi huyết trong 60 phút và thực hiện thủ thuật tái thông mạch máu não trong 120 phút. “Code Stroke không chỉ là quy trình cấp cứu nhanh mà còn là cuộc đua với thời gian”, TS.BS Nguyễn Tuấn nhấn mạnh.

Benh vien Hoan My anh 3

Đội ngũ bác sĩ Hoàn Mỹ can thiệp tái thông mạch máu não cho người bệnh với hệ thống máy chụp DSA 2 bình diện. Ảnh: HM.

Để hỗ trợ cấp cứu và xử lý đột quỵ nhanh chóng, chính xác, Hoàn Mỹ đầu tư trang thiết bị hiện đại gồm máy MSCT đa lát cắt cho phép phân loại ngay xuất huyết hay nhồi máu; MRI 3.0 Tesla giúp xác định diện tổn thương, đặc biệt với bệnh nhân đã qua khung “giờ vàng” thông thường; hệ thống DSA 2 bình diện 3D hỗ trợ can thiệp nội mạch hút huyết khối, đặt stent nhanh chóng, hiệu quả. Nhờ quy trình và trang thiết bị đồng bộ, thời gian cấp cứu đột quỵ tại Hoàn Mỹ rút ngắn xuống còn 30-45 phút.

Một ví dụ điển hình cho hiệu quả của quy trình là trường hợp cụ bà 95 tuổi được điều trị tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn. BSCKI Mai Thị Hương Lan, Trưởng khoa Nội thần kinh, cho biết: “Bệnh nhân nhập viện sau gần 4 giờ, thang đo đột quỵ NIHSS (đánh giá mức độ trầm trọng do thiếu máu cục bộ) lên tới 24 điểm, nhưng nhờ Code Stroke kích hoạt kịp thời, bà được chụp MRI, xác định tắc mạch lớn và tiến hành hút huyết khối. Sau 7 ngày điều trị, bà hồi phục gần như bình thường”.

Benh vien Hoan My anh 4

Một người bệnh đột quỵ được cấp cứu kịp thời tại Hoàn Mỹ nhờ quy trình Code Stroke. Ảnh: HM.

Không dừng lại ở cấp cứu, Hoàn Mỹ còn định hướng xây dựng hệ sinh thái điều trị đột quỵ toàn diện gồm phòng ngừa, phát hiện sớm, can thiệp cấp cứu và phục hồi chức năng. Theo TS.BS Nguyễn Tuấn, tập đoàn đang thực hiện 4 chiến lược trọng tâm: Đầu tư thiết bị chuyên sâu (DSA, MRI, PACS); xây dựng hồ sơ bệnh án điện tử tích hợp phần mềm báo động Code Stroke; mở rộng hợp tác nghiên cứu đa trung tâm, công bố khoa học và chuẩn hóa đào tạo định kỳ cho bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên.

Sắp tới đây, Hoàn Mỹ dự kiến nhân rộng mô hình Code Stroke tại các bệnh viện trực thuộc hệ thống y khoa Hoàn Mỹ ở Vinh, Bình Dương, Đà Nẵng, Thủ Đức và Đồng Nai. Những nỗ lực này của Hoàn Mỹ nhằm góp phần mở rộng khả năng được cấp cứu đột quỵ kịp thời và hiệu quả cho người dân địa phương ở nhiều khu vực hơn, từ đó, tăng khả năng sống cho người bệnh, giảm thiểu gánh nặng do đột quỵ gây ra trong cộng đồng.

Lan An

Bạn có thể quan tâm