Những ngày gần đây, tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, số lượng bệnh nhân đột quỵ tăng, mỗi ngày có tới 30-40 ca, các bác sĩ làm việc 24/24 để cấp cứu cho bệnh nhân.
Bác sĩ Đào Việt Phương - khoa Cấp cứu A9, cho biết: “Trong những ngày nắng nóng vừa qua, nhiều bệnh nhân bị đột quỵ lần 2 đến với khoa Cấp cứu trong tình trạng nặng và khó có cơ hội phục hồi hoàn toàn”.
Theo bác sĩ Phương, nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ. Vì vậy, dự phòng cấp một là kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ. Khi được xuất viện, người bệnh phải dự phòng cấp 2 bằng cách sử dụng thuốc, biện pháp kiểm soát các yếu tố nguy cơ đều đặn. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân đã không theo chỉ định của bác sĩ, tự ý bỏ thuốc và đã bị đột quỵ lần 2 với mức độ nặng hơn.
PGS.TS Nguyễn Văn Chi, Phó trưởng khoa Cấp cứu A9 - Bệnh viện Bạch Mai, kể lại ông từng điều trị thành công cho một bệnh nhân đột quỵ. Sau đó, người bệnh phục hồi tốt, ổn định suốt 2 năm. Tuy nhiên, một lần nhóm bạn thấy ông uống thuốc liền tỏ ra bất ngờ. Họ cho rằng khi bệnh đã qua, người đàn ông này không nên tiếp tục uống thuốc.
“Họ còn bảo tôi bị điên nên mới cho bệnh nhân uống nhiều thuốc như thế. Sau khi nghe bạn nói, bệnh nhân đã lẳng lặng bỏ thuốc. Kết quả, chỉ 3 tháng sau, ông lên cơn đột quỵ, lúc này bệnh nặng hơn trước rất nhiều”, PGS Chi kể.
Theo chuyên gia này, việc duy trì thuốc là cách duy nhất phòng bệnh tái phát. Việc người bệnh có thể ổn định hoàn toàn là nhờ thuốc, do đó, khi dừng sẽ rất nguy hiểm.
Chính vì vậy, những bệnh mạn tính như tiểu đường, tăng huyết áp, loạn nhịp tim, cần thường xuyên uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ. PGS Chi lo ngại Việt Nam có tới 80% người bệnh tự ý bỏ thuốc, 20% tuân thủ, trong khi ở Mỹ chỉ 20% người bệnh bỏ thuốc.
“Thuyết phục người bệnh duy trì thuốc để tiếp tục bảo vệ họ là điều chưa bao giờ dễ”, PGS Chi thừa nhận.
Bệnh nhân cấp cứu tại khoa A9 Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: MT. |
Bác sĩ khuyến cáo nắng nóng sẽ là yếu tố thuận lợi làm gia tăng đột quỵ với những người có sẵn bệnh lý như huyết áp, tim mạch. Vì vậy, việc bỏ thuốc khiến bệnh nhân đối mặt với nguy cơ cao hơn.
Theo các bác sĩ, thời gian vàng để cấp cứu đột quỵ là 6 giờ đầu. Các dấu hiệu của bệnh là rối loạn ý thức, méo miệng, nói khó, thậm chí không nói được, đột ngột mất thị lực, liệt một nửa cơ thể, liệt một tay, một chân, vận động khó khăn, chóng mặt bất thường, đau đầu dữ dội…
Khi thấy người bệnh có các dấu hiệu trên, người nhà nên nhanh chóng sơ cứu bệnh nhân bằng cách cho nằm nghiêng, gối cao đầu và tạo thông thoáng đường thở. Tiếp đó, cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời. Tuyệt đối không cố gắng cho bệnh nhân ăn hoặc uống bất kỳ loại thuốc gì vì rất dễ gây sặc và nghẹt đường thở.
"Việc cấp cứu sớm, đúng làm tăng cơ hội sớm cho bệnh nhân nhưng không phải tất cả đều có thể được cứu. Trước đây 10 bệnh nhân thì một người cứu được, hiện có thể cứu được 5-6 người. Vẫn có những người không thể qua khỏi được vì tình trạng quá nặng", PGS Chi cho biết.