Với chiếc váy dạ hội lấp lánh, mái tóc giả uốn xoăn cầu kỳ và lớp trang điểm đậm, Yan Anyu, thanh niên 18 tuổi đến từ tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc), đang say mê hát nhép ca khúc Last Dance (Donna Summer).
Trên sân khấu ở Thượng Hải, Yan như được tắm mình trong ánh đèn neon. Bên dưới, khán giả reo hò, huýt sáo, làm huyên náo bầu không khí.
“Khi ăn mặc như đàn ông, tôi không tự tin lắm”, thanh niên 18 tuổi nói trong khi hàng mi giả của anh rung rinh theo từng cái chớp mắt nhẹ. Tuy nhiên, sự tự ti, rụt rè nay đã nhường chỗ cho vẻ duyên dáng, quyến rũ khi Yan được khoác lên mình những bộ váy anh yêu thích và lấy nghệ danh là Miss Cream trên sân khấu.
Yan Anyu trang điểm trước khi lên sân khấu. |
Yan hay Miss Cream là thành viên của một cộng đồng drag queen (nghệ sĩ nam cải trang thành nữ biểu diễn trên sân khấu) ít ỏi về số lượng nhưng đang ngày một phát triển và có tiếng nói hơn.
Trước buổi biểu diễn đầu tiên trên sân khấu vào cuối tháng 5 vừa qua, Miss Cream chỉ xuất hiện trong những livestream từ nhà riêng ở Hà Bắc. Giống như hàng triệu "wang hong" (ngôi sao Internet trong tiếng Trung), Yan kiếm sống nhờ khoản đóng góp của người hâm mộ thông qua nền tảng thanh toán kỹ thuật số.
Nhưng khi trở thành drag queen, Yan có thể sẽ phải di chuyển hàng nghìn km để biểu diễn trên sân khấu của những quán bar nổi tiếng với cộng đồng LGBT tại thành phố lớn.
Đồng tính luyến ái từng bị kỳ thị nặng nề vào những năm 1990 và trước năm 2001 vẫn bị xem là bệnh tâm thần ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, khi cộng đồng LGBT không ngừng đấu tranh, tình hình đã được cải thiện. Drag queen cũng không còn là khái niệm mới ở đất nước tỷ dân.
Lần biểu diễn đầu tiên của Yan trên một sân khấu ở thành phố Thượng Hải. |
Lu Jianxiong, một drag queen tại Thượng Hải, nói: “Vẫn còn rất nhiều sự phân biệt đối xử với cộng đồng LGBT và tôi tin drag queen là một phần giúp đấu tranh chống lại điều đó”.
Một chủ quán bar dành cho người đồng tính ở Thượng Hải, từ chối tiết lộ tên thật, đã giúp tổ chức một trong những cuộc thi drag queen nổi tiếng nhất ở Thượng Hải, cho biết phiên bản đầu tiên xuất hiện vào năm 2013 và chỉ thu hút 4 thí sinh. Nhưng sự kiện này năm ngoái đã có hơn 20 thí sinh tham dự.
Ngoài ra, số lượng người xem cũng tăng lên đáng kể, cho thấy ngày càng nhiều người chấp nhận và yêu thích các cuộc thi drag queen.
Khi vừa bắt đầu công việc mới, Yan cũng phải chịu áp lực vì gia đình, bạn bè. “Cuối cùng, họ đã chấp nhận tôi và không lo lắng nữa vì nhìn thấy nỗ lực tuyệt vời mà tôi đã bỏ ra”, anh nói.
Đại dịch Covid-19 đã buộc các chương trình drag queen phải ngừng trong vài tháng. Nhưng đó lại là cơ hội mới để gia tăng lượng người theo dõi trực tuyến của Yan khi người dân ở nhà và sử dụng mạng xã hội nhiều hơn.
Thế nhưng, Yan vẫn thích biểu diễn trực tiếp hơn và có kế hoạch chuyển đến một thành phố lớn như Thượng Hải trong tương lai để nghiêm túc theo đuổi công việc này.