Điện ảnh Việt Nam không thiếu các bộ phim kinh dị nổi bật như Quả tim máu (2014) hay Đoạt hồn (2014). Song, trong thời gian qua, thể loại có dấu hiệu chững lại rõ rệt tại phòng vé bởi nhiều nguyên nhân khác nhau.
Do đó, khi đạo diễn Việt kiều Roland Nguyễn bắt tay thực hiện Dream Man - Lời kết bạn chết chóc, dự án đón nhận cả sự háo hức lẫn hoài nghi từ công chúng. Bộ phim thực tế đã được ấp ủ trong suốt ba năm trời, nhưng phải tới nay mới chính thức ra rạp.
Là câu chuyện về những người trẻ với chủ đề mạng xã hội nóng bỏng, Dream Man sớm gây ra tò mò. Nhưng việc thực hiện một bộ phim kinh dị tròn trịa tại Việt Nam thì luôn là bài toán nan giải.
Đi tìm kiếm nỗi sợ hãi trên mạng xã hội
“Có lần tôi thấy status của bạn trên Facebook viết rằng: ‘Mọi người hãy cảnh giác với nick X này’. Tò mò quá, tôi bèn click vào profile của nickname đó. Trong lúc Facebook đang tải, tôi tự nhiên cảm thấy ghê rợn và bắt đầu tưởng tượng ra nhiều điều đáng sợ mà tài khoản ấy có thể đem lại”, đạo diễn Roland Nguyễn mở đầu cuộc trò chuyện với Zing.vn như vậy.
Đó chính là ý tưởng cốt lõi của Dream Man - Lời kết bạn chết chóc mà nhà làm phim bắt đầu theo đuổi từ khoảng thời gian cách đây ba năm. Nhưng Roland Nguyễn không phải là người thích những điều dễ dàng.
Đạo diễn Roland Nguyễn (thứ hai bìa phải) trong ngày Dream Man - Lời kết bạn chết chóc chính thức ra mắt công chúng. |
Anh nói: “Tôi gặp vấn đề với cấu trúc của phim kinh dị truyền thống. Tôi bắt đầu tìm tòi trong nỗi sợ hãi của chính cá nhân về mạng xã hội, về sự sống ảo, về sức ảnh hưởng của nó lên đời sống, để tìm kiếm câu trả lời”.
Những câu hỏi mà nhà làm phim đặt ra là nỗi sợ ấy đến từ đâu? Con ma trong phim thể hiện cho điều gì? Liệu chính bản thân anh và bạn bè có đang “sống ảo” hay không? Dần dà, Roland Nguyễn tìm thấy nỗi sợ hãi chân thực, gần gũi cho kịch bản phim.
Điều may mắn cho anh là các nhà sản xuất tỏ ra ủng hộ ý tưởng của Dream Man. Lý do là thị trường phim Việt Nam ngay từ 2015 đã có dấu hiệu bão hòa. Một bộ phim muốn thu hút chính khán giả nước nhà - những người vốn có cơ hội theo dõi các xuất phẩm Hollywood đỉnh cao hàng tuần - rất cần đến sự khác biệt.
Nhưng “nói thì dễ, làm thì khó”, sự khác biệt mà ê-kíp Dream Man theo đuổi đồng nghĩa với rủi ro tiềm ẩn. Liệu khán giả đại chúng có chấp nhận sự khác biệt, hay thực sự hiểu những gì mà tác phẩm muốn truyền tải?
Dự án kéo dài suốt ba năm
Dream Man bắt đầu bằng cái chết của một hot girl trên mạng Internet sau khi cô này bị lộ hàng loạt ảnh “nóng”. Chưa đầy một năm sau, trên mạng xã hội xuất hiện lời đồn đại bí ẩn: bất cứ ai kết bạn với nickname “Dream Man” sẽ có kết cục chẳng lấy gì làm tốt đẹp.
Phong (Thanh Duy) là cậu sinh viên có cuộc sống đáng mơ ước với nhà đẹp, xe sang, mẹ hiền, cùng cô bạn gái xinh đẹp Như (Đàm Phương Linh). Nhưng nạn nhân tiếp theo của “Dream Man” chính là những người bạn chung của họ. Hot girl Thảo Nara (Thanh Tú) bỏ mạng trong phòng kín, còn cậu bạn Thắng (Lý Bình) chết bí ẩn khi còn đang khỏa thân.
Nhân vật chính của bộ phim là Phong do Thanh Duy thể hiện. Cậu quyết tâm truy lùng danh tính nickname "Dream Man" trên Facebook sau cái chết của những người bạn xung quanh mình. |
Trong lúc Phong nghi ngờ Như đang nảy sinh tình cảm với cậu bạn Cường (Anh Tú) đẹp trai cùng lớp, cô gái bỗng nhiên mất tích. Cả Phong và Cường nay bị cuốn vào cuộc truy lùng tung tích “Dream Man”. Nhưng cùng lúc đó, nhân vật chính liên tục trông thấy những ảo giác, và dần không còn phân biệt đâu là thực, đâu là ảo.
Mạng xã hội gây ra hệ lụy là những vụ án đẫm máu ngoài đời thực không còn là chủ đề quá xa lạ tại Hollywood. Nhưng Dream Man phần nào gây ra tò mò khi có câu chuyện lấy bối cảnh tại Việt Nam, với nhân vật chính là người trẻ Việt, đồng thời nêu lên hàng loạt vấn nạn nóng bỏng như câu “like”, post ảnh “nóng” phi pháp…
Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, Dream Man phải mất tới ba năm mới có thể hoàn tất. Theo đạo diễn Roland Nguyễn, thành phẩm lúc này có kịch bản thay đổi “khoảng 25%” so với ý tưởng ban đầu.
Sau ba năm, kịch bản Dream Man đã có nhiều thay đổi so với lúc ban đầu. |
“Từ đầu, tôi xác định đây là kịch bản không dễ. Nhà sản xuất luôn hỏi tôi rằng: liệu như thế khán giả có hiểu không? Phim có khó hiểu quá không? Cần làm rõ hơn nữa không? Từ đó, tôi tìm cách để giải thích kịch bản của mình. Song, khi quay xong và làm hậu kỳ, tôi nhận ra có nhiều điểm không cần giải thích, chỉ cần hình ảnh là đủ. Nhưng cũng có chỗ còn trừu tượng”, nhà làm phim bộc bạch.
Roland Nguyễn buộc phải cân, đo, đong, đếm sao cho hợp lý nhất để tạo ra thành phẩm không quá đánh đố người xem. Nhưng mỗi lần điều chỉnh thì anh cần đến sự can thiệp của kỹ xảo đối với một nhân vật “vô danh” trong phim”: màn hình máy tính và điện thoại. Và điều đó gây tốn không ít thời gian của đoàn làm phim.
Đạo diễn bộ phim nói vui: “Có lẽ ê-kíp tốn nhiều tiền nhất cho nước giải khát, pizza và cánh gà cho đội ngũ thực hiện hậu kỳ Dream Man”.
Sự mạo hiểm liệu có được tưởng thưởng?
Người Việt Nam có câu “cái khó ló cái khôn”. Ba năm Dream Man được thực hiện, mạng xã hội cũng có ba năm thay đổi chóng mặt, về cả công nghệ lẫn những vấn nạn mới do chính người dùng gây ra.
Như trong khoảng thời gian đó, Facebook ra thêm tính năng “livestream”, và đoàn làm phim cần tìm cách đưa điều đó vào trong phim một cách hợp lý. Tuy nhiên, giao diện Facebook trong phim thì vẫn còn cũ, bởi Roland Nguyễn cho rằng bộ phim của anh tập trung vào mặt trái của nạn sống ảo, chứ không nhất thiết phải chạy theo công nghệ.
Dream Man - Lời kết bạn chết chóc muốn mượn thể loại kinh dị để nói lên một vấn đề xã hội nhức nhối liên quan tới mạng xã hội. |
Ba năm của Roland Nguyễn và đoàn phim còn là quãng thời gian để họ tìm tòi, thử nghiệm và mắc sai sót. Anh gọi tác phẩm của mình là “hack não”. Đó không phải là thể loại, mà là hiệu ứng tạo ra để khán giả suy ngẫm, lý giải.
“Như (500) Days of Summer, tôi gọi đó là phim ‘hack não’ dù thuộc dòng tâm lý - lãng mạn bởi cấu trúc thời gian phi tuyến tính. Các tác phẩm dạng này đòi hòi người đạo diễn phải cân nhắc rất kỹ xem mình nên kể gì hoặc giấu gì. Đây không phải là điều có thể làm được trong quãng thời gian ngắn ngủi”, anh phát biểu.
Xét cho cùng, Dream Man - Lời kết bạn chết chóc muốn mượn thể loại kinh dị để nói lên một vấn đề xã hội. Roland Nguyễn cho rằng phim kinh dị luôn có lượng khán giả riêng ở bất cứ đâu trên thế giới, và chọn thể loại làm tác phẩm ra mắt công chúng quê hương là điều hợp lý.
Song, anh cũng hiểu rằng làm phim kinh dị ở Việt Nam luôn là ván bài mạo hiểm bởi có những nguyên tắc phải tuân theo. “Phim không được quá rùng rợn, hoặc con ma không thể như tồn tại trong đời thực. Cũng may là ý tưởng Dream Man xuất phát từ một nỗi sợ hãi có thật, mang tính thời sự cao, chứ không phải một con ma có tạo hình khủng khiếp xuất phát từ trí tưởng tượng”.
Dream Man - Lời kết bạn chết chóc khởi chiếu trên toàn quốc từ 2/11.