Tác phẩm mở đầu bằng chuyện tình yêu lạ lùng được nữ biên kịch Oto (Reika Kirishima) kể cho chồng mình, diễn viên kịch nói Kafuku (Hidetoshi Nishijima). Câu chuyện xoay quanh nữ sinh thường xuyên lẻn vào nhà chàng trai mà cô thầm yêu rồi bỏ lại một vật gì đó trước khi rời đi. Không bận tâm chàng trai có để ý hay không, cô gái cứ thế đắm chìm vào thói quen kỳ lạ của mình, cho đến một ngày bị mắc kẹt trong căn phòng đúng lúc có người bước vào. Câu chuyện dừng lại ở đó, bởi chỉ ít lâu sau, Oto đột ngột qua đời vì xuất huyết não.
Hành trình xuyên qua bóng đêm để đi tìm tia sáng
Chuyện kể đầu phim Drive My Car chỉ là "mồi", giúp người xem khám phá thế giới nội tâm đầy xước xát của các nhân vật.
Bộ phim để trống khoảng thời gian hai năm, từ sau cái chết của Oto đến lúc Kafuku bắt tay vào dựng vở kịch đa ngôn ngữ Cậu Vanya của Chekhov. Trong hai năm đó, người xem không biết anh làm gì để vượt qua nỗi đau mất vợ lẫn những giằng xé sau khi biết Oto ngoại tình với đồng nghiệp. Chỉ biết rằng khoảng thời gian ấy không những không làm lành vết thương mà còn khiến nó ngày một sưng tấy.
Đứng trước nỗi đau, Kafuku chọn cách khóa chặt những tâm tư đằng sau vẻ ngoài lãnh đạm, từ chối đối diện với chính mình. Giống với cô gái có kiếp trước là con cá mút đá trong câu chuyện Oto kể, anh cũng mắc kẹt dưới đáy biển thẳm sâu của hồi ức.
Thế giới nội tâm của Kafuku chỉ được giải phóng trong không gian chiếc xe hơi quen thuộc, khi anh đọc thoại nhân vật cậu Vanya theo cuốn băng ghi âm lời của Oto. Đó không chỉ là phương thức giúp họ "trò chuyện" sau khi Oto qua đời, mà còn hé mở cách một tác phẩm nghệ thuật kinh điển cho phép nhân vật nhìn sâu vào bản thể của mình. Cũng bởi ám ảnh quá khứ, Kafuku tìm mọi cách để chạy trốn khỏi vai diễn mà anh đã thuộc lòng trong vở kịch sắp tới.
Đúng với tên phim, chiếc xe hơi đóng vai trò cầu nối để nhân vật chính bộc bạch đời mình. |
Thế nhưng, càng chạy trốn khỏi nhân vật thì anh lại càng mắc kẹt với chính mình. Dẫu có bật lại cuốn băng cả chục lần để lắng nghe giọng nói của vợ thì Kafuku vẫn không thể nào thấu hiểu cô.
Anh triền miên chìm trong sự dằn vặt về việc Oto qua lại với những người đàn ông khác trong khi vẫn yêu chồng. Đồng thời, anh cũng đau đớn vì vào buổi tối định mệnh đó đã không kịp về nhà để cứu sống vợ. “Tôi đã giết vợ mình”, Kafuku cay đắng thừa nhận trong một cảnh phim.
"Từ lúc nào thì tâm hồn ta và người ta yêu thương trở thành những hố sâu tăm tối bất khả xâm phạm". Hơn cả nỗi cô đơn, đó là câu hỏi đầy day dứt mà đạo diễn Ryusuke Hamaguchi đặt ra xuyên suốt bộ phim.
Với Oto và Kafuku, cuộc sống hạnh phúc của họ đã chấm dứt sau khi con gái mất vì chứng bệnh viêm phổi. Cái chết của cô bé để lại một khoảng trống vô tận trong lòng cả hai, khiến mối quan hệ của họ dần rạn nứt – dù là những vết nứt nhỏ li ti chẳng dễ gì nhìn thấy. Kafuku đã không kịp nhìn thấy những vết nứt đó, để rồi đánh mất vợ mình vĩnh viễn.
Thông điệp hàn gắn những tâm hồn tan vỡ
Với nhịp điệu chậm rãi, chuyện phim chỉ thực sự được đẩy sang một chiều hướng khác khi Kafuku gặp gỡ Misaki (Toko Miura), nữ tài xế trẻ tuổi được giao nhiệm vụ lái xe đưa đón anh ở Hiroshima.
Ban đầu, họ giống hai tảng băng trôi, cô đơn, lạc lõng giữa một thành phố xa lạ. Trong không gian riêng tư là chiếc xe, khán giả thấy nhân vật di chuyển liên tục, hoạt động liên tục, nhưng dường như chỉ đang lặn ngụp trong chính hồi ức của mình giữa những câu trò chuyện xã giao. Bởi đi về đâu cũng là thế, cũng là những nỗi ám ảnh không cách gì nguôi ngoai.
Nếu Kafuku đắm chìm trong nỗi đau mất vợ thì Misaki cũng giấu sự dằn vặt vì cái chết của mẹ sau vẻ ngoài dửng dưng.
Nỗi cô đơn của Kafuku và Misaki được nén chặt trong những chuyến hành trình câm lặng. Chiếc xe Saab màu đỏ lặng lẽ lướt đi trên những con đường nội đô Hiroshima, qua một đường hầm hun hút, rồi tới vùng ngoại thành Sapporo bạt ngàn tuyết phủ như thuộc về một thế giới khác.
Đó là cách mà đạo diễn Ryusuke Hamaguchi kể về nỗi cô đơn – nỗi cô đơn vô thanh, vô hình mà dường như đã trở thành một phần bản ngã của con người.
Tuy vậy, hai con người xa lạ cũng dần dần thấy được những tổn thương sâu thẳm trong tâm hồn nhau. Đều bị giày vò bởi quá khứ, họ từng bước trở thành những người bạn tri kỷ, chữa lành cho nhau và cho chính mình để sống tiếp. Chuyến hồi hương bất đắc dĩ về quê nhà Sapporo của Misaki đã khép lại hành trình tăm tối, u hoài và dằn vặt, đưa nhân vật đến một trang đời khác tươi sáng, nhiều hy vọng hơn.
Cùng lúc đó, Drive My Car cũng khai thác tuyến truyện về vở kịch Cậu Vanya do Kafuku đạo diễn như một cách tìm lại kết nối với cuộc đời.
Điểm đặc biệt của vở kịch là dàn diễn viên nói những thứ tiếng khác nhau - tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Trung, thậm chí sử dụng cả thủ ngữ dành cho người câm điếc. Dù không hiểu ngôn ngữ của nhau, họ vẫn phải kết hợp để trình diễn trên sân khấu.
Có những khoảnh khắc, sự kết hợp ấy ăn ý tới mức người xem khó lòng phân biệt được giữa đời và kịch. Cũng từ cuộc gặp gỡ với dàn diễn viên, Kafuku nhận ra có những sự kết nối còn vượt lên trên cả ngôn ngữ thông thường.
Đó là sự kết nối bằng nghệ thuật và bằng trái tim, khi con người ta vượt qua được những rào cản để thấu hiểu nhau, như giữa nhân vật người trợ lý Yoon-su và cô vợ câm Yoon-a.
Như nắng sẽ lên sau đêm trường ảm đạm, tác phẩm xoáy xuyên những góc tối để tìm thấy tia sáng hy vọng cho từng nhân vật. |
Dù xoáy sâu vào những khoảng tối trong tâm hồn con người, Drive My Car vẫn là tác phẩm điện ảnh đậm chất nhân văn nhờ thông điệp về sự chữa lành khi ta đủ can đảm đối diện với bản thân.
Có những vết thương sẽ không dễ dàng khép miệng, có những nuối tiếc của quá khứ không thể nào sửa chữa, nhưng điều con người cần làm, đến tận cùng, vẫn là sống tiếp, cho chính ta và cho những người ta yêu thương.
Drive My Car được đánh giá là một trong những bộ phim nổi bật nhất năm 2021. Phim giành giải Kịch bản xuất sắc tại Liên hoan phim Cannes, đồng thời trở thành ứng cử viên nặng ký cho hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc của giải Oscar lần thứ 94.