Lố bịch là từ ngữ chính xác dùng để mô tả những gì đã diễn ra trong phòng họp báo của đội tuyển Argentina sau trận giao hữu hòa 0-0 với Colombia. Scaloni đã một mực khẳng định chiếc áo số 10 của ĐT Argentina “là của Messi”, “chừng nào Messi chưa trở lại, sẽ không có ai được mặc chiếc áo này”.
Nhà cầm quân 40 tuổi này cũng kịp thời vẽ luôn ra một tương lai, ấy là xây dựng đội tuyển Argentina trở thành “một tập thể thật tốt để Messi sẽ cảm thấy hài lòng nhất khi trở lại”.
HLV Scaloni của ĐT Argentina là fan cuồng Messi? Ảnh: Getty Images. |
Messi là gì trong lịch sử Argentina?
Những phát biểu của Scaloni khiến cho giới mộ điệu có cảm giác rất rõ ràng huấn luyện viên (dù chỉ là tạm quyền) này là người hâm mộ Messi hơn là thuyền trưởng của đội tuyển quốc gia. Điều này dĩ nhiên không thể chấp nhận.
Scaloni trên cương vị HLV cần có sự công bằng chứ không thể đưa ra những nhận xét quá thiên lệch như vậy, công tư phải phân minh. Bóng đá là môn thể thao của tập thể, và đội tuyển Argentina đại diện cho quốc gia này chứ không của riêng Messi.
Argentina không chỉ có riêng Messi. Ảnh: Reuters. |
Chưa kể Messi đâu có là gì trong lịch sử bóng đá Argentina? 5 Quả bóng Vàng cùng hàng nghìn những khoảnh khắc vĩ đại của El Pulga đều ghi dấu cùng những chiến công hiển hách trong màu áo Barcelona chứ đâu phải Argentina. Chiến công lớn nhất mà Messi có được trong màu áo trắng xanh chỉ là chiếc huy chương Vàng Olympic 2008.
Messi không bằng Gabriel Batistuta, người đã cùng Albiceleste giành danh hiệu lớn cuối cùng, Copa America 1993. Lại càng không ngang Mario Kempes hay Daniel Passarella, những người hùng của chức vô địch World Cup đầu tiên vào năm 1978. Diego Maradona dĩ nhiên là câu chuyện quá khập khiễng.
Đặt Messi trong dòng chảy lịch sử gần 120 năm của đội tuyển Argentina, siêu sao của Barca là “Chân sút vĩ đại nhất” với 65 bàn. Nhưng chính lăng kính tôn vinh Messi nhất cũng cho thấy El Pulga tỏa sáng ở cấp độ đội tuyển là câu chuyện mang tính cá nhân chứ không phải tập thể.
65 bàn của Messi cho ĐT Argentina không có bàn nào trong các vòng knock-out World Cup. |
Không đội tuyển nào có thể vô địch với chỉ một cầu thủ dù đó có là Garrincha với Brazil tại World Cup 1962 hay Diego Maradona với chính Argentina tại World Cup 1986 như tất cả vẫn hay cho là vậy. Nhưng Scaloni với tuyên bố kia đã trực tiếp chia ĐT Argentina thành hai nửa là Messi với phần còn lại.
Dù Messi đúng là đã đưa Argentina tới rất gần những vinh quang tại World Cup 2014, Copa America 2015 hay 2016 nhưng thất bại sau cùng vẫn là thất bại. “Kẻ chiến thắng có tất cả, người thất bại đứng đỏ nhỏ nhoi”, Messi đã luôn nhỏ nhoi như thế trong màu áo ĐT Argentina, trái ngược hoàn toàn so với hình ảnh khổng lồ cùng Barca.
Bao giờ mới thôi phụ thuộc Messi?
Messi dĩ nhiên vẫn là siêu sao có chuyên môn cao nhất đội tuyển Argentina hiện tại. Và Albiceleste phải-phụ-thuộc vào El Pulga là điều hợp lý về mặt logic. Gạt Messi vào lúc này là quyết định họa điên may ra mới có người dám làm.
Song cách mạng cần phải có sự hy sinh, Argentina nếu muốn trở lại ngày xưa huy hoàng cần những quyết định đi ngược lại với logic thông thường như thế.
Argentina cần học theo tấm gương Pháp loại bỏ Cantona để đặt niềm tin vào lớp kế cận. Ảnh: Getty Images. |
Pháp đã từng vươn mình để trở lại thành đại gia của không chỉ châu Âu mà còn cả thế giới với quyết định gạt bỏ không chỉ một, mà cả một nhóm cầu thủ “đỉnh” nhất đội tuyển khi đó. Sau khi thất bại trong hành trình tới World Cup 1994 khi để thua Bulgaria 2-3 trong trận chiến quyết định tại sân Parc des Princes, Gerard Houllier đã từ chức nhường chỗ cho trợ lý Aime Jacquet
Jacquet trao tấm băng đội trưởng cho Eric Cantona, đặt “King Eric” làm trung tâm cho kế hoạch xây dựng đội tuyển nhằm chuẩn bị cho Euro 1996. Song biến cố vào tháng 1/1995 khi Cantona tung cú kung-fu vào một CĐV Crystal Palace đã thay đổi tất cả.
Cantona dính án treo giò và không thể thi đấu ở bất kỳ cấp độ nào. Và Jacquet đã làm điều mà không ai dám làm, ấy là gạt đi “King Eric” ở tuổi 29, người là biểu tượng của không chỉ Manchester United mà còn là cả Premier League đang đi lên vào thời điểm đó. Không chỉ Cantona, những biểu tượng của ĐT Pháp lãng mạn nhưng thất bại trước đó là David Ginola và Jean Pierre Papin cũng bỏ rơi.
Jacquet quyết đặt hết niềm tin vào lứa Zinedine Zidane, Youri Djorkaeff, Dider Deschamps. Ông không cần những ông sao sở hữu cá tính cũng như tầm ảnh hưởng quá lớn như Cantona nữa. Jacquet muốn Pháp trở thành một tập thể bình đẳng.
Ở đó, những cầu thủ ngoài việc là đồng đội trên sân còn là những người bạn ngoài sân. Không có bất kỳ đặc quyền nào cho bất kỳ “ông sao” nào.
Pháp đã vô địch World Cup 1998 với sự trưởng thành của lứa Zidane, Djorkaeff. Ảnh: Getty Images. |
Như tất cả đều đã biết, ĐT Pháp sau bước đệm Euro 1996 khi lọt vào bán kết đã vô địch World Cup 1998, vô địch tiếp Euro 2000 với nền tảng chính là những ngôi sao mà Jacquet đặt niềm tin. Cantona, Ginola, Papin chỉ xuất hiện với tư cách nỗi nuối tiếc rất lãng mạn kiểu Pháp.
Messi với Argentina có quá nhiều điểm tương đồng so với Cantona-Pháp ngày đó. Cả hai đều là những tượng đài ở cấp CLB, nhưng thất bại trong màu áo tuyển quốc gia. Giống trường hợp Cantona ngày xưa, sau lưng Messi hiện tại cũng là những tài năng đang lên như Mauro Icardi, Paulo Dybala.
Nên hay không việc Argentina "học" lấy sự cứng rắn của Pháp để gạt bỏ hoàn toàn quá khứ với những biểu tượng lẫy lừng để hướng tới tương lai cũng những nhân tố trẻ, khát khao chiến thắng hơn?
1/4 thế kỷ là quãng thời gian mà Argentina trắng tay. Nền bóng đá xứ tango cần sự thay đổi triệt để, thậm chí cực đoan để có thể thành công. Ngặt nỗi, huấn luyện viên của Argentina vừa đặt tương lai của Albiceleste xuống dưới chân Messi, người dù xuất sắc đến mấy cũng chỉ là một cầu thủ quốc tịch Argentina như bao người.
Bao giờ Argentina thôi lụy Messi, khi đó họ sẽ có cơ hội chiến thắng. Còn bây giờ, hãy cứ để Scaloni và rất nhiều người nghĩ rằng Argentina là của Messi, và để họ tiếp tục nếm trải thất bại như gần một thập kỷ đã qua.
Còn Messi, Argentina còn thất bại? Ảnh: Reuters. |