Dự án dạy học "Nâng cao năng lực trong việc dạy và học ngoại ngữ với chủ đề về thuốc trừ sâu" của cô Trần Thị Thúy (giáo viên trường THPT Đức Hợp, Hưng Yên) đã cung cấp môi trường làm việc, tương tác cho học sinh mọi lúc, mọi nơi.
Từ tính cấp thiết dạy học theo chủ đề môn tiếng Anh
Từ thực tiễn dạy học, cô Trần Thị Thúy nhận thấy giai đoạn hình thành kiến thức mới, học sinh rất say sưa tham gia vào quá trình học. Khi luyện tập, hoạt động tiếp nhận kiến thức của các em vẫn diễn ra theo hướng tích cực.
Tuy nhiên, đến giai đoạn áp dụng kiến thức vào thực tế giao tiếp, học sinh gặp rất nhiều khó khăn dù có thể có vốn từ vựng rất tốt.
Cô Trần Thị Thúy và học sinh tham gia phỏng vấn bác sĩ tại khoa chống độc Bệnh viện Đa khoa Hưng Yên . |
Từ đó, cô giáo trẻ cho rằng dạy học theo chủ đề môn tiếng Anh là cấp thiết, để thông qua quá trình học từ vựng, ngữ pháp, người học được nghe, nói, đọc viết theo chủ đề nhất định.
Chia sẻ lý do chọn nội dung thuốc trừ sâu trong dự án này, theo cô Trần Thị Thúy, đây đang là chủ đề nóng, không chỉ ở các nước đang phát triển mà còn trên toàn thế giới.
Chủ đề này ảnh hưởng gần như tới 17 mục tiêu phát triển bền vững tính đến năm 2030 của Liên Hợp Quốc. Việc tích hợp các mục tiêu này với chủ đề về thuốc trừ sâu nhằm hướng tới mục tiêu phát triển người học trở thành những công dân toàn cầu.
Với việc thực nghiệm dự án về thuốc trừ sâu tại trường THPT Đức Hợp, cô Trần Thị Thúy đã cung cấp kho học liệu về lớp học đảo ngược để có thể đào tạo được học viên trực tuyến; đồng thời thiết lập hồ sơ dự án một cách cụ thể nhất giúp giáo viên hình dung ra các bước thực hiện dự án và có những áp dụng tới lớp học của mình khi thực hiện tiến hành dạy học dự án.
Dự án tận dụng tối đa những công cụ miễn phí này đã cung cấp môi trường làm việc, tương tác cho học viên mọi lúc, mọi nơi để việc học trở nên hiệu quả nhất.
Quy trình 5 bước xây dựng dự án
Quy trình 5 bước xây dựng dự án được cô Trần Thị Thúy chia sẻ như sau:
Bước 1 - chuẩn bị: Giáo viên xây dựng bộ câu hỏi định hướng, xuất phát từ nội dung mô học và mục tiêu cần đạt được.
Sau đó, tiến hành thiết kế dự án (xác định lĩnh vực thực tiễn ứng dụng nội dung học ý tưởng và tên dự án); thiết kế các nhiệm vụ cho học sinh, làm thế nào để học sinh thực hiện xong dự án thì bộ câu hỏi được giải quyết và đồng thời mục tiêu cũng đạt được; chuẩn bị các tài liệu hỗ trợ cũng như các điều kiện thực hiện dự án trong thực tế.
Ở bước này, học sinh sẽ cùng giáo viên thống nhất các tiêu chí đánh giá. Cùng với đó, làm việc nhóm để xây dựng dự án.
Xây dựng kế hoạch dự án bằng việc xác định những công việc cần làm, thời gian dự kiến, vật liệu, kinh phí, phương pháp tiến hành và phân công công việc trong nhóm. Cuối cùng, chuẩn bị các nguồn thông tin đáng tin cậy để chuẩn bị thực hiện dự án.
Bước 2 - thực hiện: Giáo viên theo dõi, hướng dẫn, đánh giá học sinh trong quá trình thực hiện dự án; liên hệ các cơ sở khách mời cần thiết cho học sinh; chuẩn bị cơ sở vật chất tạo điều kiện thuận lợi cho các em thực hiện dự án.
Học sinh: Phân công nhiệm vụ các thành viên trong nhóm thực hiện dự án theo đúng kế hoạch; tiến hành thu thập, xử lý thông tin thu được; xây dựng sản phẩm hoặc bản báo cáo; liên hệ, tìm nguồn giúp đỡ khi cần.
Học sinh cũng cần thường xuyên phản hồi, thông báo thông tin cho giáo viên và các nhóm khác qua buổi thảo luận hoặc qua các trang mạng trực tuyến.
Bước 3 - công đoạn tổng hợp: Giáo viên ở bước này sẽ theo dõi, hướng dẫn, đánh giá học sinh giai đoạn cuối dự án. Đồng thời, bước đầu thông qua sản phẩm cuối cùng của các nhóm học sinh.
Học sinh sẽ hoàn tất sản phẩm của nhóm và chuẩn bị tiến hành giới thiệu sản phầm.
Bước 4 - báo cáo dự án: Giáo viên chuẩn bị cơ sở vật chất cho buổi báo cáo dự án; theo dõi, đánh giá sản phẩm dự án của các nhóm.
Học sinh: Tiến hành giới thiệu sản phẩm; tự đánh giá sản phẩm dự án của nhóm.; đánh giá sản phẩm dự án của các nhóm khác theo tiêu chí đã đưa ra.
Bước 5 - lan tỏa dự án: Giáo viên chủ động liên hệ với các đơn vị trong trường, ngoài trường và cộng đồng cũng như sử dụng công nghệ thông tin giúp học sinh lan tỏa các hoạt động.
Học sinh: Chủ động tìm các phương thức để truyền tải các sản phẩm đạt được trong quá trình thực hiện dự án.
Học sinh được 'sống' cùng ngôn ngữ
Theo cô Trần Thị Thúy, dự án kết nối với giáo viên nước ngoài nên học sinh có cơ hội học tập mà không phải đóng thêm bất cứ khoản học phí nào khác.
Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, học sinh và giáo viên có cơ hội tương tác, làm việc trong một hệ sinh thái, mà giáo viên đóng vai trò định hướng và đánh giá còn học sinh đóng vai trò thực hiện công cuộc khám phá tri thức.
Dự án này cũng góp phần nâng cao năng lực, phẩm chất của người học, làm cho người học có lý do để hành trình tìm kiếm kiến thức có ý nghĩa hơn. Đồng thời, với việc lựa chọn vai trước khi thực hiện dự án, việc học tập của người học được cá nhân hóa một cách tối đa.
Cô Trần Thị Thúy chia sẻ: Đầu tiên, học sinh được tham gia chọn vai có thực khi thực hiện dự án, làm các em hứng thú hơn trong việc học. Tiếp đó, học sinh được ứng dụng công nghệ thông tin, vận dụng những điều mình đã được học để tạo ra các sản phẩm theo tư duy, suy nghĩ của mình mà vẫn đáp ứng được yêu cầu của giáo viên ban đầu.
Việc học tập được diễn ra liên tục, cả khi học sinh ở trường và ở nhà; các em có cơ hội tiếp xúc với ngôn ngữ và có thể “sống” cùng ngôn ngữ. Cuối cùng và cũng là điều quan trọng nhất, các em học sinh có cơ hội nghe tiếng Anh của học sinh, giáo viên nước ngoài, từ đó nâng cao khả năng nghe, nói, tự tin hơn khi giao tiếp.
Điều đặc biệt, phụ huynh có thể tham gia vào các hoạt động học tập cùng các con; và với dự án này, chính bố mẹ học sinh là người thừa hưởng những sản phẩm, những cải tiến do chính con em mình tạo ra để chất lượng cuộc sống được cải thiện.
Giáo viên cũng được hưởng lợi nhiều từ dự án, như: tăng cường tính tương tác với học sinh, giúp cải thiện mối quan hệ thầy trò; tăng hiệu suất làm việc, rút ngắn thời gian; nâng cao năng lực công nghệ thông tin.
Việc kết nối với giáo viên, học sinh trong nước và quốc tế làm cho việc học sẽ trở nên mới mẻ hơn. Chính bản thân giáo viên cũng có cơ hội học tập và cải thiện năng lực giao tiếp ngôn ngữ của chính mình.