Hiện tại, các trường đại học tại Việt Nam đều có quy định chuẩn đầu ra ngoại ngữ đối với sinh viên. Một trong những điều kiện xét tốt nghiệp của các trường đại học là chứng chỉ tiếng Anh quốc tế như TOEIC, IELTS, TOEFL, APTIS hoặc chứng chỉ “nội” như VSTEP.
Tùy theo điều kiện từng trường và đặc thù khối ngành đào tạo, chuẩn đầu ra tiếng Anh sinh viên phải đạt thấp nhất là B1 theo khung tham chiếu châu Âu (tương đương IELTS 4.5-5.0, TOEIC 450. Một số ngành như Kinh tế, Y, Dược… yêu cầu chuẩn đầu ra cao hơn như B2 (tương đương IELTS 5.5-6.5, TOEIC 600).
Tuy nhiên, dù đạt chuẩn đầu ra không hề thấp, một số sinh viên ra trường vẫn không sử dụng thành thạo tiếng Anh, kỹ năng giao tiếp kém. Không đáp ứng được nhu cầu của bản thân và yêu cầu của nhà tuyển dụng, nhiều người phải đầu tư thêm tiền để học ở trung tâm.
Ngọc Thuận chọn học tiếng Anh bên ngoài thay vì tiếp tục học ở trường. Ảnh: NVCC. |
Chọn học trung tâm thay vì học ở trường
Ngọc Thuận (23 tuổi, Hà Nội) cho biết trước đây, trường cô yêu cầu chuẩn đầu ra B1 hoặc chứng chỉ tương đương. Sau khi nhập học, sinh viên phải thi sàng lọc đầu vào để phân loại. Nếu vượt qua, sinh viên được phép tùy ý học 14 tín chỉ ngoại ngữ (chia thành 3 kỳ) và thi tại trường, hoặc thi chứng chỉ bên ngoài nộp về phòng đào tạo.
Thuận dễ dàng vượt qua kỳ thi sàng lọc, đăng ký học tiếng Anh 1 ngay sau đó. Tuy nhiên, ngay sau khi thi hết môn, Thuận quyết định dừng việc học tiếng Anh tại trường, đăng ký học trung tâm bên ngoài.
Nhớ lại lớp học tiếng Anh tại trường, Thuận cho biết dù vượt qua vòng sàng lọc, những sinh viên này đều phải học tiếng Anh 1, dù điểm cao hay thấp. Trình độ không đồng đều, những người học khá hơn sẽ cảm thấy việc học này mất thời gian, những người trình độ thấp hơn một chút như Thuận sẽ cảm thấy tự ti, dần dà chán nản việc học.
Bên cạnh đó, dù trình độ giảng viên chuẩn, nhưng thường không tạo được hứng thú cho sinh viên, khá cứng nhắc và rập khuôn. Kiến thức và chương trình giảng dạy không khác quá nhiều so với việc học ở bậc phổ thông - đa phần học ngữ pháp, thiếu tính ứng dụng. Hơn nữa, giảng viên chắc chắn không theo sát từng người, nếu không chủ động và tự giác, chất lượng kém là điều đương nhiên.
“Một buổi, mình học 5 tiết, nhưng chỉ có nửa tiết thực hành, còn lại đều học ngữ pháp, làm bài tập và cô chữa. Thời lượng cho thực hành ít ỏi, nhưng độ tương tác lại ít, đa phần đều do giảng viên chỉ định. Rất nghiêm túc với việc học, nhưng cách học đó khiến mình không tránh khỏi thất vọng và nhàm chán”, Thuận nói.
Không riêng Thuận, cô cho biết nhiều sinh viên trong lớp cũng có tâm lý như vậy, thậm chí nhiều bạn học với tính chất chống đối. Đầu học kỳ, lớp có hơn 20 sinh viên, nhưng khi thi hết môn chỉ còn 10-12 người.
Trong khi đó, lựa học tại trung tâm, Thuận được lên lộ trình cụ thể. Bên cạnh đó, khi được phân loại và học chung với người cùng trình độ, cô tự tin hơn khi phát biểu và thực hành, các học viên khác cũng có tâm lý chung, từ đó tăng tương tác trong học tập.
Ngoài việc được thực hành trên lớp và làm bài tập thực hành tại nhà, cô có nhiều không gian thực hành hơn bởi giáo viên giao tiếp và giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh.
“Cứ 2 tuần, mình được giáo viên nhận xét và đánh giá. Từ đó, mình biết bản thân đang ở trình độ nào, có động lực để học hơn, tập trung vào những phần còn yếu”, Thuận nói.
Kết hợp tự học ở nhà, chỉ sau 2 tháng, Thuận tự tin đi thi và đạt chứng chỉ B2, thay vì mất thêm một năm nếu học ở trường.
Dù đạt B2, Ngọc khẳng định cô khó vận dụng tiếng Anh sau khi ra trường. Ảnh minh họa: Pexels. |
Đạt chuẩn đầu ra B2 nhưng vẫn không thành thạo
Khác với Thuận, Nguyễn Ngọc (22 tuổi, Hà Nội) hoàn thành đầy đủ chương trình học tiếng Anh tại trường, thi đạt chuẩn đầu ra, thậm chí vượt mức. Tuy nhiên, dù đạt B2 (có khả năng giao tiếp trôi chảy, tự nhiên với người bản ngữ, viết chi tiết các dạng văn bản khác nhau), Ngọc khẳng định cô khó vận dụng tiếng Anh sau khi ra trường.
Tương tự Thuận, Ngọc cho biết việc học tiếng Anh tại trường không quá khó với cô, nhưng chất lượng học tập không hiệu quả. Theo đó, Ngọc đánh giá thời lượng mỗi buổi học quá nhiều, kéo dài từ 7h đến 11h45. Các tiết học đa phần đều học Đọc - Viết, kỹ năng Nghe - Nói thường bị bỏ qua. Chính điều này khiến kỹ năng giao tiếp của Ngọc không cải thiện là bao so với hồi phổ thông.
Ngọc cũng thừa nhận thời điểm đó, cô đi học với tâm thế chỉ để thi qua môn, đạt yêu cầu tốt nghiệp. Vì vậy, sau khi thi xong, cô không thường xuyên luyện tập hay sử dụng, khả năng tiếng Anh vì vậy cũng không được nâng lên.
“Đạt B2 nhưng gặp người bản ngữ hay người có ngoại ngữ giỏi hơn, mình vẫn tự ti. Có khi, mình phải viết ra hoặc giải thích nhiều lần, đối phương mới hiểu mình nói gì”, Ngọc nói.
Hiện tại, Ngọc đang có dự định du học sau đại học cuối năm 2023. Chính vì vậy, cô quyết định học thêm tại trung tâm để cải thiện và thi chứng chỉ quốc tế.
Dù có nhiều thay đổi tích cực, đến nay, chương trình học tiếng Anh tại đại học vẫn nặng nề ngữ pháp, thiếu thực hành. Ảnh: US News. |
Nguyên nhân sinh viên yếu tiếng Anh
Theo một giảng viên giảng dạy tiếng Anh chuyên và không chuyên tại một số trường đại học ở Hà Nội, hiện nay, một số trường yêu cầu chuẩn đầu ra B2, C1, mức này khá cao so với trình độ thật của sinh viên, nhất là khi trình độ tiếng Anh của sinh viên không đồng đều.
“Ví dụ, trường đào tạo y dược yêu cầu sinh viên đạt B2. Tôi nhận định mức này quá sức với đa số sinh viên. Tiếng Anh tại Việt Nam hầu như chỉ cải cách phần ngọn. Khi gốc tại phổ thông chưa đạt yêu cầu nhưng đại học lại ‘ốp’ mức cao, dẫn đến chất lượng đầu ra vẫn kém dù có đào tạo. Thậm chí, không ít sinh viên phải chật vật với tiếng Anh mà xao nhãng chuyên ngành”, giảng viên này nhận định.
Tuy nhiên, không thể không nhắc đến chất lượng giảng dạy tiếng Anh không chuyên tại các trường đại học hiện nay. Theo giảng viên này, tiếng Anh đã được đưa vào chương trình giảng dạy nhiều năm, có nhiều thay đổi tích cực hơn trước, nhưng đến nay, chương trình học vẫn nặng nề ngữ pháp, thiếu thực hành. Điều này lý giải dù đạt chuẩn đầu ra, nhiều sinh viên vẫn không ứng dụng được vào thực tế.
Bên cạnh đó, hầu hết việc kiểm tra diễn ra theo hướng đánh giá kết quả học tập, học để thi thay vì cải thiện hiệu quả dạy và học. Chương trình học và thi không nhất quán, khi học đa phần luyện kỹ năng Đọc - Viết, nhưng đề thi lại yêu cầu tổng thể 4 kỹ năng.
“Tại một số trường đại học, sinh viên một lớp tiếng Anh chuẩn đầu ra lên đến hơn 30 người. Trong khi đó, phòng học nhỏ, thậm chí không thể kết nối wifi, thiếu không gian thực hành cho sinh viên. Tuy nhiên, nguyên nhân chính khiến chất lượng giảng dạy tiếng Anh không chuyên tại các trường đại học kém hiệu quả lại xuất phát từ cả 2 phía người dạy và người học”, giảng viên này nói.
Theo đó, mặc dù đạt yêu cầu về trình độ chuyên môn, khi dạy tiếng Anh không chuyên, giảng viên thường thiếu nhiệt tình, không đủ tâm huyết giảng dạy, chưa truyền được cảm hứng cho sinh viên.
Ngược lại, nhiều sinh viên thiếu thái độ tích cực trong học tập, lười biếng, khả năng tự học kém. Việc gần thi mới đem sách vở ra ôn, học và thi xong để đó là điều thường thấy. Bên cạnh đó, không ít sinh viên chưa nhận thức rõ ràng việc ứng dụng ngoại ngữ sau khi ra trường, chính vì vậy mà thiếu động lực học tập.
Vị giảng viên đánh giá đây giống như một vòng luẩn quẩn, tác động qua lại lẫn nhau, cuối cùng, chất lượng đầu ra kém.
“Thực tế, khi giảng viên tương tác với sinh viên nhưng không nhận được phản hồi tích cực. Thậm chí giảng viên ra thông báo hoặc yêu cầu, các em cũng không để ý. Điều này cũng khiến giảng viên giảm nhiệt huyết, sinh viên lại càng thiếu tinh thần”, vị giảng viên nói.
Để giảng quyết tình trạng trên, giảng viên nêu trên nhận định chương trình giảng dạy tiếng Anh cần hướng tới thực hành, ứng dụng vào thực tế, thay cho mục đích chỉ để thi cử, lấy chứng chỉ. Người dạy cần tự đổi mới phương pháp, nhiệt tình, tạo cảm hứng và thu hút sinh viên.
Trong khi đó, nghiên cứu sinh tiến sĩ Lê Đình Hiếu, ĐH Johns Hopkins, chuyên gia cao cấp từ tổ chức giáo dục MAX Education, cho rằng không chỉ bậc đại học, ngay tại bậc phổ thông, nhà trường nên cân nhắc nghiên cứu việc sử dụng ngoại ngữ một cách phổ biến hơn, đưa ngoại ngữ vào sử dụng trong học tập và làm việc, trở thành công cụ để tiếp cận nhiều lĩnh vực, thay vì coi đó là môn học hay chỉ để thi.
“Điều đó không có nghĩa là chúng ta thay thế tiếng Việt, thay vào đó, có thể phân bổ thời gian cho việc ứng dụng ngoại ngữ. Ví dụ, một tuần học sinh học 35-40 tiết, có thể phân bổ 5-7 tiết sử dụng ngoại ngữ để giảng dạy. Một số trường tại TP.HCM hiện nay giảng dạy một số môn học bằng tiếng Anh. Điều này giúp các em làm quen, tiếp cận với tài liệu nước ngoài, chuẩn bị cho việc học đại học, đồng thời được thực hành ngoại ngữ thường xuyên”, ông Hiếu nói.
Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?
Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.