Dịp Tết cận kề, trên mạng xã hội lại tràn ngập những dòng tâm sự của du học sinh xa quê: "Ngày xưa thấy ngày Tết cũng bình thường, vẫn ăn những món truyền thống như bánh tét, bánh chưng, thịt kho hột vịt,củ kiệu... Khi đã đi xa mới thấy nhớ hương vị ngày tết của Việt Nam. Tết của du học sinh là không có kì nghỉ dài, là không có lì xì đầu năm, không đi thăm họ hàng, bạn bè...".
Sản phẩm bánh chưng bọc giấy bạc (vì thiếu lá dong) của nhóm sinh viên tại Cassino (Italy). Ảnh: NVCC. |
Chuẩn bị cho năm thứ 2 ăn Tết xa nhà, Dương Hồng Linh, sinh viên Việt Nam tại Cassino (Italy) và nhóm bạn cùng trường tổ chức gói bánh chưng. Thiếu lá dong, nhóm bạn dùng cả lá chuối. Rồi lá chuối cũng hết, cả nhóm quyết định chỉ gói lá mỏng ở trong rồi dùng giấy bạc bọc bên ngoài.
Nữ sinh cho biết, bánh được gói giấy bạc luộc lên vẫn xanh màu lá, ngon không kém bánh làm ở nhà. Để có một cái Tết xa nhà đầm ấm, nhóm bạn của cô sẽ nấu thêm những món Việt Nam và cùng bóc bánh chưng vào đúng thời khắc giao thừa.
Anh Nguyễn Ngọc Hoàn, Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc cho biết, việc gói bánh chưng tại xứ người khó nhất là thiếu lá dong. Du học sinh tại đây phải chờ lá dong gửi từ Việt Nam sang. Năm nay hội đã mua bánh chưng và giò lụa do các cô dâu Việt tại Hàn Quốc làm để gửi tặng cho nhóm sinh viên Việt ở từng trường đại học.
Không có lá chuối để gói bánh tét, du học sinh thay thế bằng giấy nến. Để bánh vẫn giữ được màu xanh, các bạn phải dùng nước cốt lá dứa ngâm kèm với gạo. |
"Giờ này ở Việt Nam chắc đông vui lắm. Mọi người chuẩn bị mua sắm và chuẩn bị về với gia đình. Còn chúng tôi, những du học sinh lại thêm một cái Tết nữa ở xứ người. Bên đây không có mai, không có đào, chỉ có mai giả và đào giả. không khí lạnh và tuyết trắng ngoái trời làm chúng tôi thêm nỗi nhớ nhà, nhớ hương vị ngày tết", Nguyễn Thắng, sinh viên Việt Nam tại đại học Woosong (Hàn Quốc) ngậm ngùi chia sẻ.
Vượt qua những khó khăn, thiếu thốn, mâm đồ cúng Tết giản dị của Lưu Nhựt Nam, du học sinh tại
Đại học tổng hợp Havre (Pháp) vẫn có hoa quả, bánh kẹo và những nén hương cúng Tết. |
Lê Ngọc Vinh, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Adelaide (Australia) vẫn nhớ cái Tết đầu tiên tại xứ người. Cậu và người bạn cùng phòng chạy vạy cả ngày 30 vẫn không tìm được cửa hàng bán gà luộc. Cuối cùng Vinh đành nói khó với tiệm KFC để họ chế biến cho một chú gà rán nguyên con. Đêm giao thừa không có mâm ngũ quả, cũng chẳng có hương trầm, hai người bạn chỉ biết chắp tay rồi lẩm nhẩm những lời cầu nguyện cho năm mới.
Với Nguyễn Hà Duy, sinh viên Đại học Tổng hợp Astrakhan (LB Nga), chủ nhiệm kênh Du học sinh TV, chuyện dùng gà KFC làm gà cúng Tết rất phổ biến. "Bánh chưng gói giấy bạc, hoa đào hoa mai 'tự chế' bằng giấy vệ sinh cũng là chuyện bình thường".
Tâm sự của một du học sinh đang học tập tại Hàn Quốc. |
Chia sẻ với Zing.vn, Vũ Nam Phương, hoa khôi Miss Du học sinh 2015, cho biết ngày Tết trên đất Mỹ không đến nỗi thiếu thốn vì cô sống cùng ông bà nội. Tuy nhiên nữ sinh vẫn khôn nguôi cảm giác nhớ nhà. "Những món ăn, đồ vật ngày Tết đều có thể mua được tại Mỹ, nhưng mình vẫn có cảm giác thiêu thiếu rất khó cắt nghĩa. Có lẽ vì Tết ở Việt Nam thì được nghỉ, được đi chợ hoa, thăm họ hàng và tận hưởng không khí nô nức ngày cuối năm", nữ sinh tâm sự.
Đón giao thừa xong, đến sáng mùng 1, Nam Phương và hàng trăm nghìn du học sinh Việt Nam tại Mỹ vẫn bắt đầu một ngày đi học bình thường.
Thời khắc giao thừa tại Việt Nam tương đương với ban ngày tại Mỹ, chiều tối tại châu Âu và rạng sáng tại Australia. Nhiều du học sinh tại các nước châu Âu như Anh, Pháp, Đức, LB Nga vẫn kịp tan học để đón giao thừa bên bạn bè. Còn với du học sinh tại Mỹ, nhiều người phải đón giao thừa ngay trên lớp học hoặc trong phòng thi.