Khi du học, nhiều bạn trẻ đi làm thêm để kiếm tiền trang trải cuộc sống, rèn luyện kỹ năng mềm, mở rộng mối quan hệ và có những trải nghiệm thú vị nơi đất khách.
Chỉ với việc đơn giản như phục vụ bàn, giao hàng…, bạn trẻ có thể kiếm 15 USD - 20 USD mỗi giờ. Số tiền này cao hơn rất nhiều vào mùa Noel.
Lương tăng gấp đôi
Nguyễn Đức Tài, sinh viên Đại học Dongshin, Hàn Quốc, cho biết bạn đang làm việc tại quán thịt nướng. Dịp này, quán rất đông khách và cần nhiều người phục vụ.
"Lương làm thêm ngày thường của mình từ 1.000 USD đến 1.400 USD/tháng. Mùa Noel, quán trả từ 80 USD - 100 USD/giờ, tùy thời gian làm việc”, Tài cho hay.
Đầu bếp Tuấn Anh tại chỗ làm của mình. Ảnh: H.Đ. |
Tại Australia, mùa Giáng sinh, thời tiết lại nắng ấm và được xem là mùa du lịch trong năm. Hầu hết trường học cho sinh viên nghỉ 3 đến 4 tháng. Nhiều doanh nghiệp, cửa hàng trả lương gấp đôi, thưởng quà tết để lôi kéo du học sinh đi làm.
Những công việc phổ biến của du học sinh Việt là làm nhân viên trong nhà hàng, quán cà phê, bánh mỳ, làm móng, phụ việc cho cửa hàng ở chợ, dọn vệ sinh văn phòng, khu vực công cộng hay nhà dân…
Dịp Giáng sinh cũng là mùa thu hoạch hoa quả, du học sinh có thể làm việc cắt tỉa, thu hoạch trái cây ở nông trại.
Nguyễn Khắc Hiếu - học viên thạc sĩ ngành Kinh doanh quốc tế tại Đại học Central Queensland, Australia - cho hay bạn nhận chuyển hàng cho quán pizza và rửa ôtô. Mỗi tuần, Hiếu làm khoảng 30 tiếng trong 4 đến 5 ngày.
Chàng trai cho biết hầu hết công ty, cửa hàng tại Australia sẽ tăng lương gấp đôi, gấp rưỡi và thưởng rất lớn cho du học sinh đi làm thời điểm này. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng yêu cầu cao về năng suất làm việc.
Nhiều người bị "vắt sức" vì khối lượng công việc lớn. Đức Tài tâm sự có hôm đi làm về, hai chân như không còn cảm giác vì chạy và đi quá nhiều.
Trân trọng giá trị đồng tiền
Không chỉ có thêm thu nhập, việc làm thêm còn giúp du học sinh trau dồi kiến thức chuyên ngành, kỹ năng mềm và nâng cao khả năng ngoại ngữ khi tiếp xúc nhiều người bản địa.
Với Đức Tài, công việc hiện tại không nhiều khó khăn, chỉ yêu cầu phải di chuyển nhiều, giải quyết vấn đề nhanh chóng, chính xác và nhớ được tên món ăn để tránh nhầm lẫn.
Tuấn Anh tâm sự việc làm đầu bếp đòi hỏi áp lực lớn khi có nhiều khách gọi, phải luôn giữ thái độ bình tĩnh.
Theo Khắc Hiếu, phần lớn du học sinh chưa quen với việc làm thêm ở Việt Nam nên thời gian đầu gặp nhiều khó khăn. "Sau khi tiếp xúc và làm quen một thời gian, các bạn dễ dàng hòa nhập và ai cũng biết trân trọng sức lao động, giá trị của đồng tiền”, Hiếu nói.