Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Du học sinh Việt chia sẻ bí quyết chinh phục Google, Microsoft

Đang học năm cuối ngành Khoa học máy tính và Toán học tại ĐH Drexel, Nguyễn Hữu Minh Tuấn, 24 tuổi, sẽ chính thức trở thành kỹ sư của Google vào tháng 8 tới.

Theo học tại ngôi trường bình thường, không nằm trong top danh tiếng như Ivy League, điểm trung bình GPA không cao, năm thứ ba, Minh Tuấn được mời làm thực tập ở Oracle với vai trò kỹ sư phần mềm.

Năm tiếp theo, 9X nhận được thư mời thực tập từ nhiều công ty lớn, trong đó có Amazon, Nvidia, Pinterest, Paypal, Google và một số startups khác. Chàng trai Việt cũng được Microsoft mời làm việc toàn thời gian.

Liên tục được nhiều công ty lớn mời gọi

Để có một hồ sơ ấn tượng và chinh phục được những công ty tầm cỡ, Tuấn đã tìm hiểu và tạo dựng cho mình bước đi riêng.

Chàng trai chia sẻ nếu muốn tìm kiếm việc làm, điều đầu tiên cần làm chính là gửi hồ sơ xin việc đến nhà tuyển dụng. Nhưng với các công ty lớn và startups tiềm năng, bạn sẽ đối mặt sự canh tranh không nhỏ. Do vậy, một hồ sơ tầm thường sẽ không thể đưa bạn đến vòng tiếp theo.

“Đa số bạn trẻ nghĩ rằng một hồ sơ nổi trội phải bao gồm việc học ở trường đại học danh tiếng và có điểm GPA cao. Điều đó không hoàn toàn đúng. Với những ngành liên quan công nghệ, kinh nghiệm vốn có của bản thân quan trọng nhất, bao gồm kinh nghiệm từ nơi từng làm việc, những dự án cá nhân hoặc nghiên cứu mà bạn hoàn thành trong lớp học”, Tuấn chia sẻ.

Khoảng 5 tháng trước khi nộp hồ sơ xin việc, nam sinh đăng ký tài khoản Premium của Linkedin - cơ hội để kết nối với nhiều kỹ sư tài năng trên khắp thế giới. Ngay sau khi giới thiệu bản thân cùng những dự án đã và đang thực hiện, anh chàng đến từ Việt Nam nhận được nhiều thư giới thiệu để nộp hồ sơ vào làm việc tại công ty của các kỹ sư này.

Nam sinh chinh phuc Google anh 1
Tuấn tham dự PennApps, Hackathon của ĐH Pennsylvania, Mỹ.

Sau khi được mời phỏng vấn, 9X dành thời gian nghiên cứu về nội dung câu hỏi phỏng vấn của các công ty lớn trên một số trang thông tin. Nắm được nguyên tắc cơ bản, cậu soạn sẵn những tài liệu ghi chú về các câu hỏi tình huống và luyện tập một cách thuần thục.

“Thông thường, các vòng phỏng vấn từ những công ty công nghệ lớn như Google, Facebook hay Microsoft tập trung phần xử lý thuật toán để thể hiện cách suy nghĩ và tư duy logic. Ứng viên nghĩ mình không có tư duy logic tốt, đừng vội nản chí vì có rất nhiều cách để bạn cải thiện tình hình trong thời gian ngắn như tập trả lời các câu hỏi trên mạng", nam sinh nói.

Theo 9X, bạn trẻ cần học cách tư duy qua những câu hỏi điển hình trong các cuộc phỏng vấn của cuốn sách “Cracking the coding interview" của tác giả Gayle Laakmann McDowell. Quyển sách này rất nổi tiếng, đã giúp được rất nhiều người nhận được thư mời làm việc từ các công ty lớn.

Một cách nữa là tham gia các cuộc thi thuật toán trên mạng được tổ chức thường xuyên như topcoder, codeforces, hackkerank hoặc Google code jam.

Cách vài tuần trước khi phỏng vấn, Tuấn tìm những người bạn giúp mình phỏng vấn thử, đồng thời sử dụng trang web được kỹ sư của các công ty công nghệ phỏng vấn và cho nhận xét chi tiết. Từ đó, chàng trai tìm được điểm mạnh, điểm yếu của bản thân.

Nhận được lời mời từ nhiều công ty, nhưng trước khi đưa ra quyết định, Tuấn đã cân nhắc rất kỹ và dành thời gian nói chuyện với bộ phận nhân sự của từng đơn vị để hiểu rõ mặt tốt, xấu của công ty, trước khi gắn bó để phát triển sự nghiệp lâu dài.

Nam sinh chinh phuc Google anh 2
Thời gian thực tập tại Google đã cho Tuấn nhiều trải nghiệm tuyệt vời để nam sinh có quyết định vào làm chính thức tại công ty này ngay sau tốt nghiệp. 

'Đầu xuôi đuôi lọt'

Sau khi tốt nghiệp, tháng 8 tới, Tuấn sẽ là nhân viên chính thức và làm ở vị trí kỹ sư phần mềm cho Advertising Platform tại trụ sở chính của Google ở Silicon Valley, Mỹ.

Nam sinh chọn Google vì nghĩ đây là môi trường tốt nhất cho tương lai của mình. Ngoài các lợi ích về tiền lương, bảo hiểm, các nhà hàng với thực đơn pha trộn ẩm thực từ mọi nơi trên thế giới, và nhiều đãi ngộ khác, Google còn là nơi tụ họp của những người thông minh và sáng tạo. Chàng trai mong muốn được học hỏi và làm việc cùng những con người tuyệt vời này.

“Quan trọng nhất, mình từng thực tập ở đây nên sẽ có khởi đầu nhanh và suôn sẻ hơn khi trở lại làm nhân viên chính thức, như câu nói 'đầu xuôi đuôi lọt'", Tuấn nói.

Đừng bao giờ ngừng phấn đấu và học hỏi ngay cả khi bạn đã được thành công nhất định, hãy đặt ra mục tiêu cao hơn và không thỏa mãn là những điều Nguyễn Hữu Minh Tuấn luôn tự nói với chính mình và cũng mong chia sẻ đến các bạn trẻ đang là du học sinh.

> Chủ đề: Người trẻ vươn mình ra thế giới

Nguyễn Hữu Minh Tuấn từng là học sinh trường THPT chuyên Lê Qúy Đôn tại thành phố Đà Nẵng.

Lớp 10 và 11, nam sinh giành huy chương vàng Olympic 30/4 môn Toán (thủ khoa năm lớp 11).

Lớp 12, Tuấn đoạt giải nhì cuộc thi học sinh giỏi môn Toán toàn quốc, giải nhất cuộc thi giải toán trên báo Toán học và Tuổi trẻ.

Con đường học hành và thành công của CEO Google Trước khi vào đại học, CEO Google là nam sinh không mấy nổi bật. Với suy nghĩ phải tự quyết định cuộc sống của chính mình, ông đã vươn lên và thành công.

Cách đào tạo nhân tài đặc biệt của Google

Ngoài mức lương cao, đãi ngộ hấp dẫn, Google còn cung cấp cơ hội phát triển toàn diện cả về năng lực chuyên môn lẫn kỹ năng sống cho nhân viên qua các khóa đào tạo độc đáo.

Hạnh Nguyễn

Ảnh: NVCC

Bạn có thể quan tâm