Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Du học sinh Việt cứu nhiều ngành sắp 'tuyệt chủng' ở Hàn Quốc

Những năm gần đây, lượng du học sinh Việt chiếm tỷ lệ lớn tại Hàn Quốc và giúp giáo dục đại học nước này hồi sinh nhiều ngành bên bờ vực bị xóa sổ.

Lượng du học sinh Việt Nam ở Hàn Quốc ngày càng tăng. Ảnh: Pexels.

Các trường đại học ở Hàn Quốc đang chứng kiến sự thay đổi rất lớn trong môi trường giáo dục và cả nền văn hóa do số lượng sinh viên quốc tế tăng đột biến.

Trong nhiều thập kỷ qua, lượng người nước ngoài đến Hàn Quốc học tập vẫn tăng đều đặn và đạt mức 181.842 người vào năm 2023. Con số này cao gấp đôi lượng du học sinh của 10 năm trước (85.923 người) và gấp 10 lần so với năm 2004 (16.832 người), theo Korea Herald.

Thống kê của Bộ Giáo dục Hàn Quốc cho thấy du học sinh châu Á chiếm đến 89% tổng số du học sinh ở nước này. Trong khi đó, châu Âu chiếm 6%, Bắc Mỹ chiếm 2,3%, 1,5% và 1% còn lại lần lượt là du học sinh Nam Mỹ và Châu Đại Dương.

Lượng du học sinh Việt ở Hàn đông chưa từng có

Nếu tính theo từng quốc gia, Trung Quốc đứng đầu danh sách với 68.065 du học sinh đang học tập tại Hàn Quốc vào năm 2023. Xếp thứ hai là Việt Nam với 43.361 người và Uzbekistan là 10.409 người.

Trung Quốc vẫn là "nguồn cung" du học sinh chính tại xứ củ sâm, nhưng những năm gần đây tỷ lệ có dấu hiệu giảm dần. Năm 2018, lượng du học sinh Trung Quốc chiếm 48,2%, nhưng đến năm 2023, con số chỉ dừng ở mức 37,4%.

Ngược lại, số lượng du học sinh Việt Nam ngày càng tăng theo từng năm, cụ thể là tăng từ 19% vào năm 2018 lên 23,8% trong năm 2023.

du hoc sinh Han Quoc anh 1

Văn hóa thần tượng là một phần nguyên nhân thu hút du học sinh Việt Nam đến Hàn Quốc. Ảnh: Korea Herald.

Ông Lee Un-sik, Trưởng bộ phận Chính sách và Hỗ trợ nhân tài toàn cầu, giải thích rằng lượng du học sinh Việt Nam ngày càng tăng là nhờ sự phổ biến của văn hóa hallyu.

Hơn nữa, sự hiện diện của các tập đoàn Hàn Quốc tại Việt Nam, cùng với các yếu tố văn hóa như K-pop, hay việc huấn luyện viên Park Hang-seo dẫn dắt đội tuyển bóng đá quốc gia... cũng là nguyên nhân khiến giới trẻ Việt Nam ngày càng quan tâm đến Hàn Quốc.

Nhờ những điều này, một số chuyên ngành từng đứng trên bờ vực tuyệt chủng lại được du học sinh "hồi sinh".

"Trong khi Hàn Quốc vật lộn với sự biến mất của những ngành như nhân văn và ngôn ngữ, sinh viên quốc tế lại muốn học những ngành này. Lý do là nhiều người quan tâm đến thần tượng K-pop và các nội dung tiếng Hàn nên họ muốn theo đuổi chuyên ngành tiếng Hàn tại Hàn Quốc", một lãnh đạo trường đại học nói với Korea Herald.

"Giấc mơ" Hàn Quốc

Đối với một số du học sinh, du học Hàn Quốc cũng là con đường đến một cuộc sống tốt đẹp hơn. Liana Shin (25 tuổi), đến từ Kyrgyzstan, là một trường hợp như vậy.

"Tôi đến Hàn Quốc khi còn trẻ và bị mê hoặc bởi văn hóa cũng như lối sống tại đây. Hàn Quốc là một quốc gia tiên tiến và phát triển. Bạn có thể đặt hàng 24/7 và tiếp cận với mọi thứ", Shin chia sẻ.

Ngoài văn hóa và môi trường sống, kiếm tiền cũng là lý do thu hút nhiều du học sinh đến Hàn Quốc.

Giáo sư Jun Jung-sook tại tại Đại học Pyeongtaek cho biết hầu hết sinh viên Đông Nam Á phải kiếm tiền khi học tập tại Hàn Quốc. Nếu làm việc bán thời gian tại cửa hàng tiện lợi hoặc quán ăn, du học sinh có thể kiếm khoảng 1,5 triệu won (tương đương 1.144 USD) mỗi tháng.

Khi số lượng sinh viên Hàn Quốc ngày càng giảm, việc thu hút sinh viên quốc tế trở thành mục tiêu hàng đầu của nhiều trường đại học và chính quyền địa phương.

Thậm chí, hiệu trưởng nhiều trường tìm đến Việt Nam, Uzbekistan và những nước khác để ký biên bản cấp nhà nước nhằm thu hút người trẻ đến du học.

Ngoài ra, chính phủ nước này công bố kế hoạch bỏ yêu cầu tiếng Hàn khi du học sinh nhập học ở trường đại học, đồng thời mở rộng cơ hội thực tập, làm việc và xây dựng hệ thống duyệt visa nhanh chóng cho sinh viên nước ngoài.

Cũng trong thời gian này, Hàn Quốc thành lập các cơ sở tư vấn về giáo dục Hàn Quốc trên khắp thế giới. Cơ sở này sẽ là cầu nối giữa các trường đại học Hàn Quốc và trường đại học địa phương để cung cấp chương trình tiếng Hàn và du học Hàn Quốc.

du hoc sinh Han Quoc anh 2

Du học sinh tại Hàn Quốc vẫn khá khó khăn trong việc xin visa và tìm việc. Ảnh: Pexels.

Đời không như mơ

Dù mục tiêu của chính phủ Hàn Quốc là giúp sinh viên quốc tế ổn định cuộc sống và trở thành một phần của cộng đồng nước này, nhiều người cho rằng thực tế lại không như mong đợi.

Một du học sinh 26 tuổi đến từ châu Âu thông tin dù đã hoàn thành bằng thạc sĩ và đang làm việc ở một công ty Hàn Quốc, cô vẫn nhận thấy Hàn Quốc chưa sẵn sàng chấp nhận người nước ngoài.

"Việc duy trì cuộc sống sau khi tốt nghiệp rất khó khăn vì có nhiều hạn chế và rào cản trong việc xin visa. Được các công ty đưa ra mức lương cao, tôi vẫn không thể nhận việc do visa trục trặc", cô gái chia sẻ.

Nói thêm về việc xin visa, cô gái này cho biết cô bị các nhân viên ở văn phòng nhập cư yêu cầu nộp đủ loại giấy tờ và phải đến văn phòng nhiều lần. Dù đủ điều kiện, nhiều người nước ngoài vẫn rất vất vả trong khâu làm visa.

Cô gái 26 tuổi nhấn mạnh nếu muốn thu hút nhiều cư dân nước ngoài tiềm năng, chính phủ Hàn Quốc cần thống nhất quy trình, quy định làm visa và công bố rõ ràng với mọi người.

Tại Hàn Quốc, những du học sinh không đáp ứng được yêu cầu về visa hoặc không đủ khả năng tìm việc trong nhiều tháng liền buộc phải trở về quê nhà vì không còn lựa chọn nào khác.

Thống kê cho thấy trong số 27.321 du học sinh tốt nghiệp từ các trường đại học Hàn Quốc, chỉ có 2.253 người (tương đương 8,2%) được tuyển dụng vào công ty tại địa phương, trong khi 7.810 người khác (tương đương 28,6%) lại rời khỏi đất nước này.

"Rõ ràng, Hàn Quốc đang thiếu hụt lao động. Bất kể là hình thức nào, từ công việc đơn giản cho đến công việc đòi hỏi chuyên môn, sinh viên nước ngoài cũng cần có cơ hội để thử sức", giáo sư Jun Jung-sook nêu quan điểm, đồng thời nhấn mạnh du học sinh cần được hỗ trợ để thích nghi với cuộc sống học đường và thuận lợi chuyển tiếp sang môi trường mới với tư cách là một người lao động.

Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp

Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.

Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.

Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.

Chuyện gì đang xảy ra ở trường học Hàn Quốc

Không có học sinh mới, nhiều trường ở Hàn Quốc buộc phải hủy lễ khai giảng. Thậm chí, một số trường đóng cửa vì không còn học sinh.

Thái An

Bạn có thể quan tâm