Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Du học sinh Việt từng bật khóc vì Tết xa xứ

Vì lịch thi dày đặc, điều kiện kinh tế không cho phép, nhiều du học sinh Việt chấp nhận đón Tết xa nhà suốt 5, 6 năm liền.

Tết là dịp để sum họp, để những người xa quê trở về quây quần bên gia đình. Nhưng không phải ai cũng có thể hưởng một cái Tết đoàn viên đúng nghĩa trong cuộc sống nhiều bận rộn hay cách trở địa lý. Nhiều du học sinh Việt ở nước ngoài cho biết mình đã 5-6 năm chưa được về quê ăn Tết vì lịch học, lịch thi dày đặc. Đón năm mới bên bạn bè với hi vọng "năm sau con sẽ về" là cách mà nhiều du học sinh phải học cách thích nghi với hoàn cảnh.

Từng khóc khi nghe nhạc xuân

Thùy Dương - du học sinh Úc. Ảnh: FBNV.

Đó là kỷ niệm đáng nhớ của Thuỳ Dương - du học sinh Úc, 5 liền năm đón tết xa nhà. Dương kể:

"Năm đầu tiên xa nhà đi học do vẫn còn con nít và ham chơi nên mình không cảm thấy buồn lắm nhưng càng về sau mình càng thấm thía nỗi buồn của một người xa xứ. Đến năm thứ 4 khi vẫn phải ở lại Úc ăn Tết, mình đã bật khóc như một đứa trẻ khi nghe những bản nhạc về xuân rộn rã.

Mình bắt đầu nhớ nhà quay quắt và làm đủ mọi cách để xóa đi cảm giác cô đơn. May sao những lúc ấy gia đình vẫn luôn ở cạnh, an ủi, động viên mình thật nhiều".

Năm nay, Dương tiếp tục ở lại Úc trong khi nhiều người bạn đã về nước ăn Tết. Tuy nhiên, cô không còn cảm thấy quá cô đơn vì đã tự lên kế hoạch vui chơi cho bản thân từ trước. Trưa 30 Tết cô cùng một số bạn người châu Á đi chợ để mua cả giò, bánh chưng và dưa kiệu về ăn mừng.Sau đó cả nhóm thức đón giao thừa rồi rủ nhau vào chùa xem bắn pháo hoa (ở Úc, chùa người Việt được bắn pháo hoa vào dịp Tết cổ truyền)".

Dương chia sẻ hiện tại cô vừa tốt nghiệp đại học và đang là kế toán thực tập cho một công ty vì thế túi tiền rủng rỉnh hơn xưa, có thể tổ chức Tết cùng bạn bè bằng số tiền mình kiếm được. Dương cũng tự hứa với bản thân nhất định năm sau phải về Việt Nam ăn Tết vì theo cô, xa quê là một lẽ nhưng không được sum vầy cùng gia đình là một nuối tiếc lớn. 

Làm thêm vào ngày Tết

Mai Nhi từng đạt danh hiệu Á hậu người Việt tại Nhật năm 2013. Ảnh: FBNV.

Đặng Mai Nhi, sinh năm 94, hiện là du học sinh ngành Quản trị kinh doanh tại Nagoya, Nhật Bản chia sẻ:

"Đây là năm thứ hai Nhi đón tết xa nhà. Mình có một người em sinh đôi là Linh Nhi, cả hai đang cùng là du học sinh Nhật nên ngày tết, chị em bên nhau cũng đỡ tủi thân. Dù may mắn hơn những bạn khác khi có người thân bên cạnh, nhưng vẫn chưa đủ lấp đầy những khoảng trống trong mình mỗi dịp Tết đến.

Nhớ lại thời gian còn ở Việt Nam, ngày tết bân rộn sắm sửa, chuẩn bị nấu cơm cúng ông bà mà cùng mẹ mà mình không kìm lòng được. Những lúc nổi nhớ dâng trào, Nhi chỉ biết gọi điện về nhà và tưởng tượng ra không khí hối hả ấy qua lời kể của bố mẹ. Tết ở Nhật không trùng với tết cổ truyền Việt Nam vì thế mọi sinh hoạt, học tập vẫn diễn ra bình thường. Đúng đêm giao thừa, những du học sinh tự tập họp lại thành một nhóm rồi tổ chức ăn mừng đơn giản, đi chùa người Việt tại Nhật để cầu bình an, may mắn.

Sau khi những hoạt động chào năm mới qua đi, mỗi người nhanh chóng trở về với công việc hàng ngày của mình. Nhi đang làm thêm cho cửa hàng bán đồ tiện lợi 24/24, mỗi ngày làm 4 tiếng sau giờ học vì thế, mình vẫn phải đi làm bình thường dù lúc ấy đang là tết ở Việt Nam".

Thèm củ kiệu, dưa hành của mẹ

Ngô Di Lân đã 6 năm chưa được đón tết ở Việt Nam. Ảnh: FBNV.

Ngô Di Lân, du học sinh tại Hà Lan cho biết đã 6 năm rồi cậu chưa được ăn Tết ở Việt Nam và là năm thứ hai nếm trải hương vị Tết một mình (gia đình Lân đã quay về Việt Nam). Lân gọi về chúc Tết gia đình vào đúng thời khắc giao thừa. Thời điểm này cậu đang ở Mỹ. Giao thừa Việt Nam rơi đúng vào buổi trưa bên này nên Lân cảm thấy có chút cảm giác lạ lẫm xen lẫn náo nức.

Dù đã sống nhiều năm ở nước ngoài, khá quen với việc đón Tết xa nhà, nhưng Lân vẫn không thể quên những kỷ niệm đẹp gắn liền với tuổi thơ ngày tết. Là con trai nhưng mỗi lần đi chợ cuối năm, mẹ luôn chở cậu theo, mua rất nhiều hoa, vài con gà về cúng. Tết ngày xưa tuy nhiều thiếu thốn, khó khăn về vật chất nhưng vẫn đong đầy niềm vui, thấm đượm nghĩa tình.

"Những lúc ngồi ăn uống, chúc mừng năm mới bên bạn bè thì hình ảnh mâm cơm ngày Tết đơn giản với củ kiệu, dưa muối tự tay mẹ làm ngày xưa lại ùa về khiến sống mũi mình cay cay. Có lẽ, dù đi đâu, làm gì, tết vẫn là lúc khiến mình muốn được về nhà nhất, được sống lại bên gia đình như những ngày ấu thơ đã qua" - Lân nói.

Có những điều còn quan trọng hơn cả Tết

Vũ Minh Nhật đang theo học ngành Dược tại Mỹ. Ảnh: FBNV.

"Ở Mỹ ngày tết buồn lắm vì đối với Tây đây cũng chỉ là một ngày bình thường như bao ngày khác trong năm. Dịp Tết, mình cũng có ghé qua khu chợ người Việt để mua vài món truyền thống về ăn nhưng không hề thấy ngon như ở nhà mẹ làm. Trong những ngày ấy mình vẫn phải đến trường với lịch học kín mít. Tết mà không được về nhà thì đâu còn ý nghĩa gì.

Sau nhiều năm đón tết xa nhà, mình nghiệm ra một điều: có những thứ còn quan trọng hơn cả Tết. Đó là không khí gia đình sum họp, là cảm giác được trở về của những người con xa nhà, là lời dặn của mẹ, câu chúc của bà... Biết đâu, Tết chỉ là cái cớ để chúng ta được có dịp trở về, sum họp bên nhau mà thôi" - Vũ Minh Nhật cảm nhận về Tết xa nhà.

 

Du học sinh Việt mổ gà đón năm mới

Cùng nhau gói bánh chưng, mổ gà, làm bữa cơm tất niên… là những hoạt động mà du học sinh Việt thường làm trước thềm năm mới khi xa nhà.

Ma Kết

Bạn có thể quan tâm