"Chúng em cúi đầu xin lỗi Tổ quốc, xin lỗi mọi người, vì đã chọn cách quay về Việt Nam giữa tâm dịch đang có những biến đổi khó lường. Chính chúng em, hiện tại, là gánh nặng".
Ngọc Ánh, Tuấn Anh, Lan Phương, những du học sinh tại Đức và Văn Hoàng, làm việc tại Nga trở về Việt Nam ngày 20/3, mở đầu lời chia sẻ về những ngày cách ly bằng lời xin lỗi.
Trao đổi với Zing.vn, Ngọc Ánh cho biết nhóm bạn cảm thấy may mắn khi được trở về, dù biết trước sẽ bị cách ly 14 ngày. Nhưng ngay thời điểm bước xuống sân bay Nội Bài, các bạn đã bắt đầu cảm nhận được sự lộn xộn đến từ một số người trở về.
Có những đòi hỏi quá đáng, nói thô tục, nặng nề, không tuân thủ quy định khiến nhiều người khó chịu. Những người làm nhiệm vụ, dù khá mệt mỏi, đều không phàn nàn, gắt gỏng.
Nhóm bạn dọn dẹp, sắp xếp phòng cách ly gọn gàng, sạch sẽ. Ảnh: NVCC. |
Không muốn làm phiền lực lượng chức năng, nhóm bạn thống nhất sẽ tuân thủ tuyệt đối quy định từ sân bay đến nơi cách ly và hỗ trợ đội ngũ phục vụ trong khả năng có thể.
"Chúng mình thấy rất thương các chú bộ đội, nhân viên y tế phải hướng dẫn, hỗ trợ cho quá nhiều người, hết lượt này đến lượt khác. Có người phải làm việc xuyên đêm, không có nhiều thời gian nghỉ ngơi. Mình và các bạn cùng phòng đều quyết định tự làm những việc mình có thể, không nhờ tới dân quân, bộ đội. Những việc nào chúng mình giúp được sẽ giúp hết mình", Ngọc Ánh chia sẻ.
Ngay khi nhận phòng cách ly tại khu nhà ở sinh viên Pháp Vân (quận Hoàng Mai, Hà Nội), nhóm bạn nhanh chóng bắt tay lau dọn. Ánh và các bạn còn hướng dẫn những phòng khác chủ động lau dọn để có phòng sạch, mát mẻ trong thời gian cách ly.
Các bạn trẻ chủ động quét dọn, tắt điện hành lang, tự đi vứt rác sinh hoạt mà không đợi đội ngũ hậu cần phục vụ.
"Trong khu cách ly có nhiều cô chú lớn tuổi, chúng mình là người nhỏ nên khi kêu gọi gì đó cũng cố gắng nói năng lễ phép, lịch sự, nhỏ nhẹ. Chúng mình cũng chỉ nhắc mọi người vứt rác đúng nơi quy định, tắt điện, nước khi không sử dụng, bớt phàn nàn về đồ ăn, thức uống và thông cảm cho những người làm phục vụ", nữ du học sinh nói.
Bữa ăn và nhu yếu phẩm cần thiết được cung cấp tại nơi cách ly của Ánh và các bạn. Ảnh: NVCC. |
Nhóm bạn nhiều lần xin được làm tình nguyện, hỗ trợ các chú bộ đội hoặc đóng tiền ăn, ở trong thời gian cách ly nhưng đều bị từ chối. Các bạn trẻ không quên nhắn tin ủng hộ quỹ chống dịch Covid-19. Ngoài ra, để giúp mọi người có thêm thời gian nghỉ ngơi, Ánh và các bạn chủ động nhận phòng mình làm nơi tiếp tế cho các phòng cùng tầng.
"Phòng của chúng mình ở tận tầng 9, mỗi lần lên xuống rất vất vả. Khi ai thiếu nhu yếu phẩm, thay vì phải tìm các chú bộ đội để lấy, chúng mình sẽ nhường họ dùng trước để người phục vụ không phải leo lên xuống nhiều lần", Ánh cho biết.
Những ngày qua, khi đọc thông tin về ý thức của một số người từ nước ngoài trở về tại các khu cách ly, Ánh và các bạn cùng phòng ít nhiều cảm thấy thất vọng.
"Những lúc thế này, quyết định về hay ở của mọi người đều đáng được tôn trọng. Mình mong chính thế hệ trẻ chúng ta, khi đã lựa chọn phương án tốt, hãy cố gắng biến phương án tốt cho bản thân ấy thành phương án tốt cho mọi người xung quanh", Ánh chia sẻ.
Nữ du học sinh cho biết nhiều người Việt tại nước ngoài không chọn cách quay về hoặc chưa vội về trong thời điểm này để giảm bớt áp lực cho các khu cách ly và lực lượng hỗ trợ tại Việt Nam. Nhưng nếu có những lý do buộc phải quay về, Ánh mong mỗi người hãy suy nghĩ đến người khác.
"Sau 14 ngày, những người cách ly sẽ được về với gia đình, ăn ngon, ngủ kỹ nhưng các chú bộ đội, nhân viên y tế vẫn phải ở lại làm việc, không ai thay thế họ cả. Trong thời gian này, mỗi người nhường nhịn, tự vận động một chút sẽ giúp mọi việc đỡ căng thẳng, chính mình cũng sẽ thấy thoải mái hơn", nhóm bạn nhắn nhủ.