Theo các bậc cao niên trong làng, lễ hội này xuất hiện từ thời Vua Hùng. Tương truyền, khi đó, đất nước loạn lạc, giặc xuất hiện nhiều nơi. 4 vị tướng lĩnh tài giỏi gồm Đệ nhất Xá Sơn, Đệ nhị Lê Sơn, Đệ Tam Tròn Sơn, Đệ tứ Xui Sơn được Vua Hùng giao đi dẹp giặc. Bốn vị chiến đấu và giành chiến thắng vẻ vang với nhiều chiến công oanh liệt, bảo toàn thành cổ Văn Lang, giữ yên bình cho đất nước. Sau đó, cả 4 vị được nhà vua cử về trấn ải miền Đông Lai, Bản Giản, Lập Thạch để dẹp loạn, dẹp giặc, hộ quốc phù dân.
Sau khi cả 4 vị tướng quy tiên, để tưởng nhớ công lao của họ, người dân Bàn Giản suy tôn họ làm Thành Hoàng làng và lập ra năm ngôi đình, gồm Đình Cả làm trụ sở cộng đồng của bốn vị và bốn ngôi đình thờ 4 vị tướng gồm Đông Lai, Trụ Thạch, Ngọc Xuân, Vườn Rào và khắc bốn quả cầu, mỗi đình một quả. Riêng đình Vườn Rào trải qua bao biến cố của lịch sử bị đổ nát, thánh (bài vị) được rước về ngự tại đình Đông Lai.
Quả cầu phết tại đình Đông Lai . Ảnh: Tuổi Trẻ. |
Một câu chuyện khác liên quan đến 4 vị tướng này cũng được nhân dân Bàn Giản thường kể lại cho con cháu rằng. Vào thế kỷ 13 (khoảng năm 1287-1288) Trần Quốc Tuấn được nhà vua phân đi dẹp giặc Nguyên Mông. Trên đường đi đánh giặc, ngài dừng nghỉ chân tại xã Bàn Giản và vào đình thắp hương cho 4 vị tướng xưa. Đêm đó ngài nằm mơ thấy bốn vị thành hoàng xuất hiện, xưng: “Chúng ta tứ nam nhân Lạc Long Quân chi tử, giúp sư tướng đánh thắng giặc”. Sau đêm đó, binh sĩ của Trần Quốc Tuấn mạnh mẽ và tinh thần phấn chấn hẳn lên. Toàn quân, toàn dân chiến đấu anh dũng, bách chiến bách thắng và bắt được tướng giặc Ô Mã Nhi.
Trở về kinh thành, Trần Quốc Tuấn dâng tấu lên triều đình, kể về giấc mơ kỳ lạ và tin rằng chiến thắng của mình là nhờ có sự giúp đỡ của các vị tướng xưa. Nhà vua đã phong 5 chữ vàng “Sơn Linh Quang Đại Vương” cho bốn vị tướng.
Về sau này, hàng năm cứ đến ngày 7 tháng giêng Âm lịch, nhân dân địa phương lại tổ chức lễ hội dâng hương, giã bánh giày, dâng hương hoa, rượu, nước, trầu cau tế lễ rước thánh du xuân, mang quả cầu ra nơi sân rộng để kể lại chiến công lừng lẫy, và diễn lại trận địa xưa của bốn vị tướng lâm trận đánh giặc.
Quả cầu phết thường được làm bằng gỗ mít, sơn màu bóng đẹp. Đường kính khoảng 35 cm. Trước lúc một cụ cao niên trong làng ra hiệu lệnh bắt đầu trận cướp cầu, các chàng trai đứng thành hàng ngang trước kiệu Thánh và làm một số động tác nghi lễ theo hiệu lệnh trống khẩu của ông Mệnh. Ông Mệnh đánh một hồi trống dự báo, các trai đinh làm động tác trước Thánh theo từng tiếng trống gồm 5 bước: lễ 4 vái, vuốt tóc, ăn trầu, vắt hai tay lên vai, cầm mồng phết giơ cao gieo hò chiến thắng.
Sau đó kiệu Thánh được rước đi trước, các trai đinh theo sau. Đến giữa sân hội, ông Mệnh tung quả cầu, các trai đinh xô vào cướp. Tiếng hô hét cổ vũ, cùng với tiếng chiêng trống lâm trận tạo nên một trận mạc hết sức sôi động. Cuộc cướp phết chỉ kết thúc khi một chàng trai giằng được quả cầu phết về tay mình.
Ai cướp được cầu đem vào bái yết trước cửa đền sẽ được làng trao thưởng. Phần thưởng tuy nhỏ, đôi khi chỉ là một bộ ấm chén mới, một cái phích nước, hay đơn giản hơn là cái khăn mặt, nhưng ai cũng vui vẻ, bởi người cướp được phết cùng dân làng sẽ gặp nhiều may mắn, hạnh phúc, thành đạt cho cả năm. Có người còn tin rằng quả cầu phết sẽ mang lại may mắn cho những ai đang hiếm muộn, muốn có con. Chính vì vậy, lễ hội thu hút hàng nghìn người tham dự.
Xã Bàn Giản cách thành phố Vĩnh Yên khoảng 22 km, giao thông thuận lợi nên rất dễ dàng di chuyển trong ngày. Nếu ở Hà Nội, các bạn có thể bắt xe khách từ bến xe Mỹ Đình, về thẳng huyện Lập Thạch, hoặc bắt xe về Phú Thọ, đến Vĩnh Yên có thể chuyển sang đi xe buýt số 03 để đến Lập Thạch.
Đến dự lễ hội, ngoài việc được thưởng làm trận cướp cầu, bạn còn có thể tham gia vào rất nhiều trò chơi dân gian như kéo co, đánh đu, cờ người, bịt mắt bắt dê, thi đấu vật, thưởng thức và mang những sản vật địa phương về làm quà.
Các bạn nên tìm chỗ đứng trên cao, để có thể quan sát toàn cảnh trận cướp phết, đồng thời tránh được sự xô đẩy, va chạm không mong muốn.