Uluru (còn được gọi là Ayers Rock) là hòn đá khổng lồ ở Northern Territory (Australia), được coi là địa điểm thiêng liêng của bộ tộc Anangu, những người đã sống ở đó trong hơn 30.000 năm. Sau nhiều thập kỷ nỗ lực kêu gọi cấm khách du lịch của người Anangu, cuối cùng chính quyền địa phương đã quyết định đóng cửa địa điểm nổi tiếng này kể từ ngày 26/10.
Địa điểm du lịch hút khách hàng đầu ở Australia - Uluru sẽ đóng cửa vĩnh viễn kể từ ngày 26/10. Ảnh: Rob Griffith. |
Hàng nghìn khách du lịch đã đổ về Uluru trong những tuần gần đây. Hàng trăm người xếp hàng chờ đợi tại căn cứ của Uluru ngày hôm nay, ngày cuối cùng khách du lịch được phép leo lên địa điểm này, bất chấp cảnh báo địa điểm này quá nguy hiểm và khách du lịch được không leo lên, theo Australian Broadcasting Network (ABC).
Video được đăng lên phương tiện truyền thông xã hội cho thấy dòng người khổng lồ đang chờ đợi để leo lên tảng đá, sau buổi sáng bị đóng cửa do gió lớn.
Dòng người dài tiến lên đỉnh núi Uluru trong ngày cuối cùng mở cửa. Ảnh: Lukas Coch. |
Uluru bắt đầu đóng cửa vĩnh viễn vào lúc 16h địa phương ngày hôm nay. Các cột, tay vịn và biển báo đang được tháo dỡ để trả lại trạng thái tự nhiên cho hòn núi thiêng.
Nằm ở trung tâm công viên quốc gia Uluru-Kata Tjuta, thuộc lãnh thổ phía bắc Australia, hòn đá khổng lồ Uluru là địa điểm hút khách du lịch hàng đầu đất nước chuột túi. Uluru được vinh danh là Di sản Thế giới của UNESCO năm 1987.
Nơi đây trở thành công viên quốc gia vào năm 1950 và bắt đầu cho khách du lịch đến thăm kể từ đó. Năm 1964, một lan can leo núi bằng sắt được gắn vào sa thạch, khuyến khích khách du lịch leo lên địa điểm linh thiêng.
Người Anangu đã sống ở đây ít nhất 30.000 năm. Họ muốn bảo tồn Uluru như một di sản văn hóa thổ dân và nơi đây thực sự có ý nghĩa linh thiêng với họ. Các nhóm thổ dân làm công tác vận động đã cung cấp Tjukuritja - bằng chứng vật lý về các hoạt động của tổ tiên, quốc gia được truyền qua nhiều thế hệ.
Trong nhiều thập kỷ, họ kêu gọi sở hữu đất đai và cấm khách du lịch đến khu vực này. Năm 1985, chính phủ Australia đã trả lại các quyền sở hữu công viên quốc gia cho người Anangu. Tuy nhiên, vườn quốc gia Uluru-Kata Tjuta vẫn được quản lý bởi cả chính quyền Australia và bộ lạc Anangu, cho phép du khách tiếp tục đến tham quan.
Sau khi lệnh cấm khách du lịch chính thức được ban hành, nhiều người dân bản địa đã phát biểu trên phương tiện truyền thông xã hội.
"Uluru là nơi rất thiêng liêng, nơi này như nhà thờ của chúng tôi", một người Anangu nói với BBC. "Mọi người ở khắp nơi trên thế giới... họ chỉ đến và leo lên nó. Họ không có sự tôn trọng.", ông nói thêm.
Pamela Taylor, một trong những chủ sở hữu truyền thống của Uluru, nói với BBC rằng trong nhiều năm công chúng đã không tôn trọng nơi này. "Khách du lịch như những con kiến lên xuống mỗi ngày, trèo lên xuống", cô nói.
Trước đây, địa điểm linh thiêng này từng bị vùi lấp bởi một "dòng chất thải" bởi những khách du lịch cắm trại bất hợp pháp, hỏa hoạn và rác.