Arijana Tkalcec (24 tuổi) quyết định cùng bạn trai du lịch vòng quanh Đông Nam Á trong 7 tháng, sau khi tốt nghiệp đại học.
Cả 2 lên đường vào tháng 1, khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát ở Trung Quốc. Tuy nhiên, không ai nghĩ rằng dịch bệnh sẽ nhanh chóng lây lan, trở thành đại dịch toàn cầu, buộc họ phải ở lại Việt Nam lâu hơn dự tính.
Dưới đây, Zing trích dịch bài viết của Arijana đăng trên Croatiaweek kể về những trải nghiệm của cô khi "mắc kẹt" ở Việt Nam vì đại dịch Covid-19.
Mắc kẹt vì đại dịch
Chúng tôi đến Bali, Indonesia và ở lại một tháng. Sau đó tới Việt Nam và có kế hoạch ở lại đây trong 3 tháng. Nhưng đại dịch bùng phát, mọi thứ không còn như kế hoạch ban đầu.
Trong 2 tuần đầu, mọi chuyện vẫn hoàn hảo. Chúng tôi nhập cảnh vào Việt Nam khi cả nước không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nhiều ngày. Nhưng mọi chuyện dần thay đổi khi chúng tôi đến Mũi Né, điểm đến thứ 3 của hành trình.
Các ca lây nhiễm bắt đầu gia tăng ở châu Âu. Ngày 10/3, Phan Thiết ghi nhận một ca nhiễm. Sau đó, các ca nhiễm mới dần được công bố. Thành phố sôi động, đông đúc khách du lịch trở nên vắng vẻ. Các nhà hàng đóng cửa, khách sạn ngừng nhận khách.
Arijana Tkalcec được đo thân nhiệt trước khi vào Bảo tàng Chứng tích chiến tranh ở TP.HCM. |
Nhận thấy tình hình dịch bệnh ở Việt Nam vẫn chưa đến mức tồi tệ, tôi và bạn trai tiếp tục đến Đà Lạt. Nhưng ở đây, chúng tôi bị từ chối vào một nhà hàng địa phương vì là khách nước ngoài.
Mọi người đi trên đường đều lập tức đeo khẩu trang khi chúng tôi đi qua. Nhiều ca nhiễm mới ở Việt Nam là người từ nước ngoài trở về. Vì vậy, tôi phần nào hiểu được hành động của họ. Cuối cùng, chúng tôi phải đưa ra sự lựa chọn: ở lại hay về nước?
Quyết định ở lại
Dịch bệnh lan nhanh, các nước trên thế giới bắt đầu đóng cửa biên giới. Tình hình châu Âu trở nên tồi tệ, các chuyến bay ngày càng ít. Sau những cuộc gọi bàn bạc kỹ lưỡng với gia đình, bạn bè ở quê nhà, chúng tôi quyết định ở lại Việt Nam.
Có nhiều lý do để chọn ở lại. Đầu tiên, việc di chuyển bằng máy bay trong thời điểm đó khá mạo hiểm. Thứ hai, chi phí đi lại phát sinh trong mùa dịch cũng rất đắt đỏ. Và cuối cùng, nếu về nước thành công, cả hai sẽ phải cách ly 14 ngày, đồng thời có thể gây nguy hiểm cho người thân, gia đình.
Sau khi quyết định ở lại, chúng tôi phải hành động nhanh chóng. Chúng tôi phải lựa chọn nơi mà mình muốn "mắc kẹt". Chúng tôi đã chọn Đà Nẵng, một thành phố lớn, với rất nhiều dân "du mục thời kỹ thuật số". Chúng tôi có thể có đầy đủ mọi thứ mình cần cho cuộc sống bình thường.
Cả hai đã ngồi xe ôtô trong 6 tiếng từ Đà Lạt về Nha Trang, rồi tiếp tục ngồi tàu gần 10 tiếng tới Đà Nẵng. Một người tỏ ra lo lắng khi biết ở cùng khoang với chúng tôi và phải mất một lúc mới chấp nhận điều đó. Chúng tôi thể hiện sự tôn trọng ông ấy bằng việc đeo khẩu trang suốt 10 tiếng trên tàu.
Hình ảnh Arijana Tkalcec ghi lại khi đến các thành phố lớn của Việt Nam. |
"Chúng tôi cảm thấy an toàn khi ở đây"
Cảnh tượng ở nhà ga Đà Nẵng khiến chúng tôi rất sốc. Cảnh sát đứng ở lối vào. Một người cầm tấm biển ghi tiếng Anh hướng dẫn chúng tôi làm các thủ tục vì chúng tôi là khách nước ngoài duy nhất trên tàu. Ban đầu, tôi rất sợ vì không biết chuyện gì sẽ xảy ra.
Nhưng rồi, tôi thấy họ rất tử tế. Điều đó làm tôi bình tĩnh hơn. Chúng tôi được đo nhiệt độ và hướng dẫn khử trùng tay 2 lần. Vì là khách quốc tế, chúng tôi phải điền thêm một số thông tin như nơi đến, nơi đã ở, đến Việt Nam khi nào...
Arijana Tkalcec và bạn trai cảm thấy may mắn khi quyết định ở lại Việt Nam. |
Chúng tôi cũng phải tải ứng dụng Khai báo y tế và điền thông tin. Mỗi ngày, ứng dụng này đều hỏi chúng tôi có cảm thấy khỏe không, có bất kỳ triệu chứng nào không.
Bằng cách này, cơ quan y tế có thể theo dõi sức khỏe của chúng tôi và phản ứng nhanh hơn nhiều so với các quốc gia khác.
Mỗi người cũng được xác định bằng một số nhất định và được quét qua mã QR.
Chúng tôi tới Đà Nẵng vào phút chót. Ngày hôm sau thành phố bắt đầu đóng cửa các địa điểm công cộng.
Tôi và người yêu chỉ ở nhà nhưng cảm thấy may mắn. Bãi biển đóng cửa, các con đường xung quanh cũng đóng cửa, cấm tụ tập.
Mọi người đi ra ngoài đều phải đeo khẩu trang. Ngày 16/4, các nhà hàng vẫn mở cửa nhưng không đón khách, chỉ phục vụ khách mua mang về hoặc giao hàng tận nhà.
Việt Nam là một trong những quốc gia kiểm soát tốt đại dịch. Đó là một phần lý do chúng tôi cảm thấy an toàn khi ở đây. Chính phủ luôn tích cực trong việc tuyên truyền phòng chống Covid-19. Họ còn tạo ra những bài hát, vũ đạo để khuyến khích mọi người vệ sinh đúng cách.
Đến hiện tại, chưa có trường hợp nào tử vong. Tôi nghĩ rằng một phần Việt Nam đạt được kết quả này là vì những người lớn tuổi ở đây rất khỏe mạnh. Họ tập thể dục mỗi ngày và rất năng động.
Theo cập nhật của Arijana Tkalcec trên trang Twitter, hiện tại cô và bạn trai vẫn ở Việt Nam. Ngày 19/5, nữ du khách viết trên trang cá nhân: "Thật không thể tin được chúng tôi đã ở Việt Nam được 3 tháng và sẽ ở lại thêm 3 tháng nữa. Đó không phải là kế hoạch ban đầu, nhưng hiện giờ, chúng tôi chẳng có gì để phàn nàn. Chúng tôi cảm thấy mình thực sự may mắn vì mắc kẹt ở nơi đây. Tôi rất háo hức cho hành trình khám phá Việt Nam sắp tới".