Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Du khách nước ngoài đang bôi nhọ hình ảnh Bali

Loạt hành vi phản cảm như không đeo khẩu trang, lao xe máy xuống biển... mà du khách quốc tế thực hiện ở đảo Bali khiến chính quyền và cư dân địa phương vô cùng phẫn nộ.

Dữ liệu từ Bộ Tư pháp Indonesia cho thấy kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát năm 2020, các nhà chức trách đã trục xuất khoảng 160 du khách. Từ đầu năm 2021 tới nay, con số này đạt mốc 60 người.

Hầu hết đối tượng bị buộc rời đảo là người có ảnh hưởng trên mạng xã hội. Họ gây ra hàng loạt bê bối vì vi phạm quy định phòng dịch Covid-19, hành động xốc nổi nhằm tạo tiếng vang với người hâm mộ.

du khach gay roi o bali anh 1

Tháng 4/2021, YouTuber Josh Paler Lin và Leia "Lisha" Se bị trục xuất khỏi Bali vì vẽ một chiếc khẩu trang lên mặt và ngang nhiên tiến vào siêu thị. Ảnh: Chụp từ video.

Mới đây, hai YouTuber là Josh Paler Lin (người Mỹ) và Leia "Lisha" Se (người Nga) đã thực hiện một đoạn video, trong đó Lin vẽ một chiếc khẩu trang lên mặt Se trước khi cô bước vào siêu thị ở khu vực Badung, đảo Bali.

Trước đó, một cặp du khách người Nga ghi lại hình ảnh lái xe máy lao khỏi một cầu cảng và phi xuống biển ở Bali, khiến người dân địa phương bất bình.

"Loạt hành vi coi thường dịch bệnh như vậy đang khuyến khích người trẻ ăn theo. Du khách nước ngoài không chỉ bôi nhọ hình ảnh Bali mà còn gây nguy hiểm cho mọi người", nhà thiết kế Niluh Djelantik nói với CNA.

Putu Aryana, sinh viên đại học sống ở Bali, hoàn toàn đồng tình.

"Từng có nhiều trường hợp người nước ngoài hành xử vô ý thức trên đảo. Song, hành vi phớt lờ quy định giữa Covid-19 thật không thể chấp nhận được! Tệ hơn, người vi phạm lại có ảnh hưởng trên mạng, thu hút hàng triệu lượt theo dõi", cô nói.

Du khách coi nhẹ Covid-19

Do dịch Covid-19 kéo dài, chính phủ Indonesia vẫn tạm dừng chương trình miễn thị thực cho du khách. Điều này giáng đòn mạnh lên ngành du lịch, vốn chiếm 80% nền kinh tế đảo Bali.

Theo Cơ quan Thống kê Indonesia, nền kinh tế Bali sụt giảm 9-12% sau mỗi 4 tháng do thiệt hại về du lịch.

Ít nhất 75.000 cư dân rơi vào cảnh thất nghiệp, trong khi nhiều lao động khác phải chấp nhận bị cắt giảm thu nhập.

Để sinh tồn giữa mùa dịch, các khách sạn tại "thiên đường nghỉ dưỡng" Bali buộc phải giảm giá lớn để thu hút du khách nước ngoài.

du khach gay roi o bali anh 2

Các du khách nước ngoài tới Bali giữa dịch bệnh vì muốn tìm nơi lưu trú giá rẻ, ít bị ràng buộc bởi các quy định phòng dịch. Ảnh: News Australia.

Azril Azahari, chuyên gia phân tích du lịch kiêm Chủ tịch Hiệp hội Trí thức Du lịch Indonesia, nói các đợt giảm giá đã thành công lôi kéo khách du lịch quốc tế ở một số quốc gia chịu ảnh hưởng bởi Covid-19 tới tránh dịch.

Ông cho biết điều họ mong đợi ở "thiên đường du lịch" không chỉ là khung cảnh đẹp, không gian thanh bình mà còn là một nơi ở giá rẻ, không quá nghiêm ngặt về quy định chống dịch.

"Dù chính phủ khuyến khích du khách tới Indonesia du lịch, phần lớn vẫn khá cảnh giác với việc ra nước ngoài giữa mùa dịch. Vì thế, du khách tới Bali thời điểm này đa số đều coi nhẹ sức tàn phá của Covid-19", ông Azahari nói với CNA.

Bất bình với thái độ và hành xử của một số vị khách, cư dân địa phương đang kêu gọi chính quyền có hình thức xử lý nghiêm ngặt hơn.

"Có nhiều du khách không chịu đeo khẩu trang, không chấp hành quy định giãn cách xã hội. Chúng tôi rất khoan dung với họ, nhưng đến lúc chính quyền cần vào cuộc rồi", nhân viên khách sạn Komang Indrawati nới với CNA.

du khach gay roi o bali anh 3

Nhiều du khách ở Bali không đeo khẩu trang, có các hành vi gây mất trật tự công cộng. Ảnh: Al Arabiya.

Ông Albert Chandra, chủ cơ sở kinh doanh hàng thủ công trên đảo, khẳng định mình thường thấy người nước ngoài không đeo khẩu trang khi dạo chơi trên bãi biển và nơi công cộng.

Ông nói rằng du khách có xu hướng phớt lờ quy định phòng dịch và tức giận khi bị người dân địa phương nhắc nhở.

"Chúng tôi rất lo lắng về tình trạng này. Cư dân địa phương thường tránh né du khách không chấp hành quy định phòng dịch vì không biết họ ở đây lâu rồi hay mới tới từ một quốc gia có dịch".

Nhiều người dân Indonesia, trong đó có Mdm Djelantik, đã đăng tải các video ghi lại cảnh các sao mạng vi phạm quy tắc giãn cách xã hội với hy vọng thu hút sự quan tâm từ chính quyền.

"Tôi bị chỉ trích là 'cảnh sát đạo đức, điệp viên hai mang, kẻ hám danh tiếng' khi tố cáo hành vi xấu. Họ nghĩ tôi sẽ đuổi du khách đi", cô nói.

Xử phạt không khoan nhượng

Trước phản ứng dữ dội từ cư dân Bali, các nhà chức trách cam kết sẽ có các biện pháp quản lý cứng rắn hơn.

Trả lời CNA, ông I Putu Astawa, Giám đốc Cơ quan Du lịch Bali, cho biết cảnh sát, quân đội và các cơ quan chức năng sẽ được huy động để giám sát hành vi của du khách.

"Chúng tôi sẽ không khoan nhượng. Các du khách có hành vi xấu đang phá hủy nỗ lực kiềm chế Covid-19 lây lan của chính quyền", ông nói.

du khach gay roi o bali anh 4

Các nhà chức trách cho biết sẽ "không khoan nhượng" với các hành vi phớt lờ quy định và luật pháp Indonesia. Ảnh: Jakartar Post.

Giám đốc Cơ quan Du lịch Bali nói thêm: "Họ đang làm gương xấu cho người khác, dù mang danh người có ảnh hưởng. Họ đang vi phạm quy tắc do chính phủ ban hành và sẽ nhận hình phạt theo luật pháp như tất cả công dân".

Tại cuộc họp báo ngày 10/5, Thống đốc Bali I Wayan Koster hứa hẹn sẽ xử lý nghiêm những người nước ngoài vi phạm quy tắc phòng dịch, không tôn trọng các chuẩn mực và giá trị văn hóa Indonesia.

Ông Kosster cho biết mặc dù "thiên đường nghỉ dưỡng" đang mong chờ cơ hội phục hồi về du lịch, chính quyền vẫn mong tất cả du khách sẽ tôn trọng luật pháp và phong tục của đất nước.

Covid-19 phơi bày sự phụ thuộc của du lịch Thái Lan

Sự lệ thuộc quá mức vào khách quốc tế là lý do lớn khiến ngành du lịch xứ chùa Vàng bị tàn phá trong đại dịch, theo Bangkok Post.

Trang Minh

Bạn có thể quan tâm