Ngày 20/5, Bộ GD&ĐT kết thúc thời gian tiếp thu ý kiến góp ý cho dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (công bố ngày 12/4).
Qua tổng hợp của ban soạn thảo chương trình, các ý kiến đều nhất trí về cơ bản nội dung dự thảo. Dự thảo được đánh giá có nhiều điểm mới so với chương trình hiện hành, tiếp cận xu hướng quốc tế; xây dựng được những môn học và hoạt động giáo dục có tính tích hợp khá hợp lý; cho phép học sinh được tự chọn môn học và phân hóa hướng nghiệp sớm.
Sau khi tổng kết những đóng góp của giới chuyên môn và dư luận xã hội, ban soạn thảo chương trình đã tiếp thu ý kiến việc điều chỉnh số môn học đã công bố trong dự thảo.
Theo đó, hệ thống môn học, hoạt động và thời lượng giáo dục trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể sẽ được rà soát, chỉnh sửa để bảo đảm tính khoa học, liên thông, đồng bộ và khả thi. Điều chỉnh tên môn học, hoạt động giáo dục và cách phân loại tường minh, mạch lạc, dễ hiểu, dễ nhớ. Số lượng môn, số tiết từng môn học cũng sẽ được điều chỉnh theo hướng giảm tải.
Ban soạn thảo chương trình giáo dục phổ thông mới dự kiến sẽ giảm một số môn học đã công bố trong dự thảo trước đó. Ảnh cắt từ clip. |
Ở cấp tiểu học, điều chỉnh thiết kế hướng tới dạy học 2 buổi/ngày. Các trường chỉ có điều kiện dạy học một buổi/ngày sẽ được thiết kế chương trình để thực hiện đầy đủ nội dung giáo dục cốt lõi bắt buộc thống nhất trên toàn quốc.
Đối với bậc THCS, mỗi lớp học 29 tiết/tuần (lớp 8 và lớp 9 giảm được một tiết/tuần so với dự thảo ngày 12/4).
Cấp THPT bắt đầu thực hiện phân hóa, tự chọn môn học ngay từ lớp 10. Các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc là Giáo dục thể chất (tổ chức dưới hình thức câu lạc bộ thể thao tự chọn), Giáo dục Quốc phòng - An ninh và Hoạt động trải nghiệm sáng tạo.
Ban soạn thảo cũng sẽ điều chỉnh hệ thống môn học bắt buộc tự chọn ở lớp 10, 11, 12, thống nhất theo yêu cầu định hướng nghề nghiệp.
Điều chỉnh cách thức học sinh tự chọn môn học để vừa đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của học sinh, vừa có tính khả thi đối với khả năng vận dụng linh hoạt của nhà trường.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT đã và đang tiến hành các biện pháp tổ chức thực hiện kế hoạch tổng thể bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý ở cơ sở, đồng thời tăng cường cơ sở vật chất, đáp ứng điều kiện tối thiểu để thực hiện được chương trình mới.
> Chủ đề: Chương trình giáo dục phổ thông mới |