![]() |
Học sinh trường liên cấp SenTia (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Ảnh: FBNT. |
Đề xuất trên nằm trong dự thảo nghị quyết của Quốc hội về miễn học phí đang được Bộ Tư pháp thẩm định.
Dự thảo tờ trình do Bộ GD&ĐT chủ trì xây dựng. Cụ thể, theo Luật Giáo dục 2019, đối tượng được miễn học phí là trẻ em mầm non 5 tuổi và học sinh THCS; học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục công lập không phải đóng học phí.
Triển khai kết luận của Bộ Chính trị, Bộ GD&ĐT bổ sung thêm đối tượng được miễn học phí là trẻ em, học sinh mầm non dưới 5 tuổi đang học tại các cơ sở giáo dục; học sinh THPT, học sinh học văn hoá THPT tại các cơ sở giáo dục.
Như vậy, chính sách sẽ hỗ trợ học phí đối với cả trẻ em mầm non, học sinh phổ thông tại cơ sở giáo dục dân lập, tư thục để đảm bảo thực thi chính sách thống nhất, công bằng đối với người học.
Bộ GD&ĐT nhận định quy định như vậy phù hợp với Hiến pháp 2013, giáo dục tiểu học là bắt buộc, Nhà nước không thu học phí. Thời gian dự kiến áp dụng là từ năm học 2025-2026.
Mức hỗ trợ học phí tối đa bằng mức trần học phí áp dụng đối với cơ sở giáo dục công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên do Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành áp dụng tại địa phương theo từng năm học.
Theo số liệu thống kê năm học 2023-2024, hiện cả nước có 23,2 triệu học sinh. Trong đó, 21,5 triệu học sinh công lập, chiếm 93%; 1,7 triệu học sinh ngoài công lập, chiếm 7%.
Số học sinh chia theo cấp học gồm 4,8 triệu trẻ em mầm non (3,8 triệu trẻ em công lập; 1 triệu trẻ em ngoài công lập); 8,8 triệu học sinh tiểu học, 6,5 triệu học sinh THCS, 2,99 triệu học sinh THPT.
Tổng nhu cầu kinh phí ngân sách nhà nước phải chi trả để thực hiện miễn học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông công lập và hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông ngoài công lập là trên dưới 30 nghìn tỷ đồng.
Tổng ngân sách nhà nước đã thực hiện miễn (không thu) học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi; học sinh tiểu học; học sinh THCS từ năm học 2025-2026 là 22,5 nghìn tỷ đồng.
Như vậy, số ngân sách nhà nước tăng thêm khi thực hiện chính sách theo Nghị quyết của Quốc hội là 8,2 nghìn tỷ đồng.
Dự kiến nguồn lực thực hiện từ nguồn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, từ nguồn lực hợp pháp khác.
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách nuôi dạy trẻ trong thời đại 4.0.
Cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy) được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.
TS Shimi Kang đưa ra hàng loạt dẫn chứng và phân tích khoa học về cách thức tác động của thiết bị công nghệ đến bộ não đang trong giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó, bà chỉ ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và tính cách của trẻ.