Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dự kiến lần đầu đưa Gạc Ma vào sách giáo khoa Lịch sử sau 30 năm

Thầy Trần Trung Hiếu cho biết dự kiến Gạc Ma xuất hiện trong chương trình giáo dục phổ thông môn Lịch sử mới, được công bố trong thời gian tới.

Thạc sĩ Trần Trung Hiếu - giáo viên trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An, thành viên của Hội đồng góp ý và phản biện Chương trình giáo dục phổ thông môn Lịch sử của Bộ GD&ĐT gửi đến Zing.vn bài viết nhân kỷ niệm 30 năm “sự kiện Gạc Ma” (14/3/1988 - 14/3/2018).

Nội dung chương trình môn Lịch sử trình bày theo mạch chuyên đề

Với góc độ là giáo viên dạy sử đang trực tiếp giảng dạy cho học sinh - những chủ nhân tương lai của đất nước - tôi cho rằng việc nhắc lại sự kiện này đối với học sinh là rất nên, rất cần thiết.

Tròn 30 năm chúng ta mất Gạc Ma và cũng ngần ấy thời gian Trung Quốc đã chiếm đóng trái phép đảo Gạc Ma. Đó là một sự thật, một nỗi đau mà chúng ta không thể che đậy, giấu giếm vì bất cứ lý do gì.

su kien gac ma anh 1
Thầy Trần Trung Hiếu - giáo viên Lịch sử trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An. Đồ họa: Phượng Nguyễn. 

Trong bối cảnh phức tạp lịch sử lúc bấy giờ và nhiều năm sau đó, vì nhiều lý do, sự kiện Gạc Ma chưa được truyền thông nhắc tới.

Trong sách giáo khoa (SGK) Lịch sử phổ thông hiện hành, vấn đề chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, biên giới Tây - Nam đề cập sơ sài, còn vấn đề về quá trình đấu tranh xác lập chủ quyền và bảo vệ chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Gạc Ma... lại không có một dòng.

Với quan điểm trên và với góc độ là giáo viên môn Lịch sử, tôi đã nhiều lần lên tiếng đề xuất đưa sự kiện này vào SGK mới.

Theo thông tin tôi có được khi là thành viên của Hội đồng góp ý, phản biện của Bộ GD&ĐT, chương trình giáo dục môn Lịch sử phổ thông mới dự kiến đưa sự kiện Gạc Ma, cũng như cuộc hải chiến Hoàng Sa ngày 19/1/1974, bổ sung đầy đủ hơn sự kiện chiến tranh bảo vệ biên giới Tây - Nam (1975-1978), chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc (1979-1989)... vào chương trình và SGK.

Chương trình giáo dục phổ thông môn Lịch sử với mục tiêu cơ bản là giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực chuyên môn lịch sử thông qua những nội dung kiến thức phổ thông nền tảng.

Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến góp ý, phản biện từ các chuyên gia, nhà giáo, các cơ quan, trường học, cơ sở giáo dục trên toàn quốc và dự kiến sẽ được Bộ GD&ĐT công bố thời gian sớm nhất.

Dự kiến, cấu trúc nội dung chương trình môn Lịch sử ở bậc THPT sẽ được trình bày theo các mạch chuyên đề và phần kiến thức về sự kiện Gạc Ma dự kiến nằm trong chuyên đề “Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và chiến tranh giải phóng dân tộc trong lịch sử Việt Nam sau năm 1975” cùng “Biển Đông: Lịch sử và hiện đại” ở lớp 12.

Nội dung giáo dục cốt lõi của 2 chuyên đề này là từ việc xác định tầm quan trọng của biển Đông đối với Việt Nam, từ đó nêu rõ nhận thức Việt Nam là Nhà nước đầu tiên xác lập chủ quyền và quản lý liên tục đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trong lịch sử.

Đồng thời, chuyên đề giúp học sinh hiểu được quá trình Trung Quốc đánh chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa, đảo Gạc Ma; nắm được thực trạng tranh chấp chủ quyền ở quần đảo Trường sa; chủ trương của Việt Nam giải quyết các tranh chấp ở biển Đông bằng biện pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế.

'Dạy Lịch sử thiếu biển đảo như vẽ người không đôi mắt'

Đó là khẳng định của cô giáo Nguyễn Lan Phương, trường THCS Đoàn Kết, Hà Nội. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng cần nhanh chóng đưa chiến tranh bảo vệ biển đảo vào sách giáo khoa.

Nhắc lại để không có một Gạc Ma nào khác

25 năm công tác, tôi từng dạy qua 2 bộ chương trình và nội dung SGK. Tôi cho rằng nhắc lại sự kiện này không phải chúng ta muốn khơi sâu nỗi đau, khơi dậy mối thù hằn.

Phương châm của tôi khi dạy môn Lịch sử cho học trò là không phải dạy những gì mình có, mà dạy những gì học trò muốn nghe, muốn biết và cần thiết. Không cần phải liệt kê sự kiện, nhồi nhét kiến thức. SGK chỉ cần viết đúng, viết đủ và tôn trọng sự thật khách quan của lịch sử.

Đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa - một phần của lãnh thổ thiêng liêng của chủ quyền quốc gia dân tộc mà từ thời các chúa Nguyễn đã xác lập và khai thác - đã bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép suốt 30 năm.

Bài học bi hùng từ Gạc Ma 30 năm trước đã thêm một lần chúng ta phải khẳng định lại rằng trong giai đoạn hiện nay, nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế bao giờ cũng luôn song hành với nhiệm vụ an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Muốn bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền lãnh thổ quốc gia, chúng ta phải có sự độc lập, tự chủ về kinh tế.

Tôi mong muốn học sinh được biết đến sự kiện này để thế hệ trẻ tri ân những chiến sĩ đã hy sinh trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đất nước và hiểu rõ nhiệm vụ này không hề đơn giản, dễ dàng trong bối cảnh thế giới, khu vực đang diễn ra nhiều biến đổi khó lường, liên quan các cường quốc.

Từ đó, khi nhận thức sâu sắc nguyên nhân, bản chất và hệ quả của sự kiện này, thế hệ trẻ sẽ có ý thức rõ ràng hơn về trách nhiệm, vai trò của công dân trước sự đe dọa về vấn đề chủ quyền biển đảo.

Theo quan điểm của cá nhân, nhắc lại sự kiện Gạc Ma để chúng ta cũng hy vọng đừng bao giờ có thêm một “Gạc Ma” nào nữa.

Cựu binh Gạc Ma: 'Hình ảnh đồng đội nằm xuống mãi trong tâm trí tôi' Trận hải chiến Gạc Ma 1988 khiến 64 chiến sĩ mãi nằm lại, nhưng hồi ức đau thương ấy vẫn mãi đau đáu trong tâm trí những cựu binh may mắn sống sót trở về.

Thạc sĩ Trần Trung Hiếu là giáo viên nhiều năm bồi dưỡng học sinh giỏi Lịch sử tại trường chuyên THPT Phan Bội Châu, Nghệ An. Thầy Hiếu là người góp nhiều tiếng nói trên báo chí để giành lại vị trí môn Lịch sử trong trường phổ thông.

Tháng 10/2015, ông viết thư gửi Bộ GD&ĐT đề xuất không tích hợp Lịch sử và cho rằng đây là môn thi bắt buộc của kỳ thi THPT quốc gia.

Sau đó, ngày 3/11/2015, Bộ GD&ĐT làm việc với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cùng đại diện Ban Tuyên giáo TƯ và một số tổ chức liên quan bàn về Dự thảo chương trình tổng thể giáo dục phổ thông, trong đó chủ đề chính là không tích hợp môn Lịch sử.

‘Không có chữ Gạc Ma nào trong sách giáo khoa’

“Đề cập Gạc Ma, sách giáo khoa cần viết ngắn gọn về âm mưu, thủ đoạn đánh chiếm và sát hại 64 bộ đội Việt Nam, từ đó nêu hệ quả của sự kiện này”, thầy Trần Trung Hiếu đề xuất.


Thạc sĩ Trần Trung Hiếu

Giáo viên Lịch sử THPT Phan Bội Châu, Nghệ An

Bạn có thể quan tâm