Hội nghị do Bộ GD&ĐT tổ chức tại TP HCM. Tham dự có đại diện các trường ĐH, CĐ và Sở GD&ĐT các địa phương.
Lịch thi THPT quốc gia năm 2016
Kỳ thi dự kiến diễn ra 3 ngày, thay vì 4 ngày như năm 2015, trong đó các môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và Vật lý, mỗi môn thi một buổi. Mỗi cặp môn Sinh - Lịch sử và Hóa học – Địa lý thi trong một buổi và bắt đầu cùng giờ. Thí sinh được chọn một trong mỗi cặp môn Sinh học hoặc Lịch sử, Hóa học hoặc Địa lý.
Bộ GD&ĐT đánh giá, theo lịch thi này, ngày thi thứ ba tổ chức cặp môn cùng giờ nên sẽ ảnh hưởng một số lượng thí sinh có nguyện vọng thi cả hai môn thi.
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2015. Ảnh: Pháp Luật TP HCM. |
Về cách thức tổ chức cụm thi, Bộ GD&ĐT gợi ý các vấn đề như tổ chức cụm thi liên tỉnh hay mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có một cụm thi. Có nên duy trì điểm thi ở huyện cho thí sinh dự thi để xét tốt nghiệp THPT, nếu cần thì duy trì ở những địa phương nào? Những nơi chỉ tổ chức thi để xét tốt nghiệp THPT có cần tổ chức thi đủ tất cả các môn như ở cụm thi liên tỉnh không?
Về trách nhiệm tổ chức kỳ thi, hội nghị cũng đặt vấn đề trách nhiệm thuộc Bộ GD&ĐT hay Sở GD&ĐT. Trách nhiệm chủ trì cụm thi nên quy định cho các trường ĐH hay các Sở GD&ĐT?
Công tác xét tuyển ĐH, CĐ năm 2016
Bộ GD&ĐT khái quát, năm 2015, 198 trường ĐH, CĐ có đề án tuyển sinh riêng dựa vào kết quả THPT, chỉ duy nhất ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức thi riêng.
Trong số 80 trường ĐH có đề án tuyển sinh riêng báo cáo, sau 2 đợt xét tuyển, tỷ lệ thí sinh trúng tuyển thông qua xét học bạ THPT đạt 54% chỉ tiêu. Phương thức xét tuyển này nhẹ nhàng được các trường tốp dưới lựa chọn, tuy nhiên không có trường nào ở tốp trên chọn phương thức này.
Công tác tuyển sinh nhiều năm qua, đặc biệt là năm 2015 cho thấy, khoảng 40 trường ĐH có tính cạnh tranh rất cao, điểm trúng tuyển trung bình từ 22,5 điểm trở lên. Số thí sinh trúng tuyển vào những trường này là 60.000 thí sinh.
Đồng thời, nếu mở rộng sức thu hút thí sinh mạnh, khoảng 60 trường trong cả nước có điểm trung bình trúng tuyển từ 21 trở lên với số lượng trúng tuyển thực tế khoảng 100.000 thí sinh. Ngược lại, rất nhiều trường không tuyển đủ chỉ tiêu, kể cả những trường có đề án tuyển sinh riêng bằng xét tuyển điểm học bạ THPT.
Bộ GD&ĐT đánh giá, năm 2016, các trường ĐH, đặc biệt là các trường ĐH tốp trên chưa sẵn sàng thực hiện tự chủ tuyển sinh, vẫn mong muốn Bộ GD&ĐT tổ chức kỳ thi THPT quốc gia để các trường lấy kết quả để xét tuyển. Do vậy, Bộ mong các trường cân nhắc, thảo luận kỹ một số vấn đề kỹ thuật để tìm giải pháp tối ưu nhất.
Những vấn đề xã hội quan tâm
Những vấn đề dư luận xã hội, các chuyên gia, các trường, Sở GD&ĐT, thí sinh và phụ huynh tham gia nhiều ý kiến trong thời gian qua mà Bộ GD&ĐT tổng hợp:
Cần duy trì ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) hay bãi bỏ. Nếu bỏ điểm sàn thì mở rộng cửa vào ĐH, không đảm bảo nguồn tuyển cho hệ CĐ, giáo dục nghề nghiệp. Có cần quy định các đợt xét tuyển hay chỉ quy định số kỳ tuyển sinh trong năm học (theo khóa mùa Thu và khóa mùa Xuân).
Xét tuyển bằng kết quả thi THPT quốc gia cần thay đổi một cách căn bản sau khi có kết quả thi, các trường chủ động xét tuyển. Bộ chỉ quy định thời điểm bắt đầu và kết thúc xét tuyển hay chỉ điều chỉnh một số điểm bất hợp lý trong công tác xét tuyển năm 2015
Ngoài ra chế độ điểm ưu tiên theo khu vực và theo đối tượng cần giữ ổn định như năm 2015 hay giảm xuống còn ½ so với mức điểm ưu tiên trong năm 2015.
Bộ GD&ĐT cho rằng trên cơ sở tập hợp ý kiến đóng góp ở nhiều hội nghị, diễn đàn về đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ. Qua đó, Bộ sẽ tập hợp ý kiếnthảo luận, lắng nghe ý kiến của các trường để lựa chọn phương án tốt nhất.