Đông Nam Á là khu vực được du khách Ấn Độ quan tâm hàng đầu. Ảnh: SCMP. |
Ông Omri Morgenshtern, Giám đốc điều hành công ty đặt phòng trực tuyến Agoda, nhận định không có ngành du lịch của quốc gia nào phát triển nhanh như Ấn Độ. Không riêng về số lượng khách, đất nước này đang tiếp tục rót hàng tỷ USD vào việc phát triển ngành hàng không và củng cố vị thế du lịch. Theo cáo cáo của công ty tư vấn kinh doanh Nangia Andersen LLP & FICCI, người Ấn Độ dự kiến sẽ chi hơn 42 tỷ USD mỗi năm cho thị trường outbound.
Hàng loạt khoản đầu tư táo bạo
Chính phủ Ấn Độ ngày càng ra sức rót vốn vào thị trường hàng không nhằm củng cố vị thế ngành du lịch nước này. Các chuyên gia cho biết những cải tiến về cơ sở hạ tầng và sự mở rộng trong lĩnh vực hàng không đã thúc đẩy quỹ đạo tăng trưởng du lịch outbound của Ấn Độ.
Quan chức Ấn Độ công bố kế hoạch chi 980 tỷ rupee (khoảng 11,9 tỷ USD) để xây dựng và hiện đại hóa các sân bay trong nước đến năm 2025. Trong đó, Ấn Độ muốn biến sân bay quốc tế Noida (Jewar, thuộc bang Uttar Pradesh) thành sân bay lớn nhất châu Á, dự kiến ra mắt vào năm 2024, tờ Times of India đưa tin. Noida sẽ tăng cường các chuyến bay đến và đi từ thủ đô Delhi (NCR) đến Uttar Pradesh - bang đông dân nhất của Ấn Độ.
Theo Gary Bowerman, người sáng lập Check-in Asia - công ty nghiên cứu và tiếp thị tập trung vào ngành du lịch, cho biết động thái Ấn Độ thực hiện với ngành hàng không trong nước đang bắt đầu "đơm hoa kết trái". Đất nước 1,4 tỷ dân có nhiều sân bay hơn, nhiều nhà ga hơn và có nhiều cơ sở hạ tầng hơn so với một thập kỷ trước.
Người dân Ấn Độ đến Việt Nam dự kiến sẽ tăng. Ảnh: CNN Travel. |
Trong khi Trung quốc vẫn đang chật vật giải quyết vấn đề về đại dịch Covid-19, Ấn Độ nhận được tín hiệu tích cực với sự kiện sân bay quốc tế Indira Gandhi (Delhi) lần đầu tiên lọt vào danh sách 10 sân bay quốc tế bận rộn nhất thế giới hồi đầu năm. Điều này cho thấy Ấn Độ đang đi đúng hướng khi chọn đầu tư vào ngành hàng không để phát triển du lịch.
Bên cạnh tín hiệu khởi sắc từ thị trường, mong muốn Ấn Độ trở thành trung tâm du lịch của chính phủ nước này cũng tạo sự cạnh tranh khốc liệt giữa các hãng máy bay trong nước. Trong đó, lợi thế thuộc về các “ông lớn”. Hãng hàng không giá rẻ như Go First, dù lớn thứ ba ở Ấn Độ, cũng phải dừng cuộc chơi với tuyên bố phá sản vào tháng 5.
“Tỷ suất lợi nhuận rất thấp và cạnh tranh khốc liệt là hai nguyên do dẫn đến việc phá sản của một số hãng hàng không giá rẻ. Đây là sự đào thải thiết yếu cho sự tăng trưởng, nhất là ở thị trường nhạy cảm về giá như Ấn Độ”, ông Bowerman phân tích.
Người này cho biết thêm hàng không phân khúc LCC (hàng không giá rẻ) là một phần không thể thiếu trong chiến lược tăng trưởng và tiếp tục mở rộng thị trường hàng không Ấn Độ.
Để đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng bằng đường hàng không cũng như tạo điều kiện cho du lịch Ấn Độ phát triển, hãng hàng không quốc gia Air India chứng tỏ vị thế bằng việc mua gần 500 máy bay mới, số lượng nhiều nhất từng được một hãng hàng không mua trong một đơn hàng.
Air India không phải là hãng hàng không duy nhất đẩy mạnh cuộc chơi. Đầu tháng 6, hãng hàng không giá rẻ Indigo (Gurgaon) thông báo bổ sung 174 chuyến bay mới hàng tuần và 6 điểm đến mới trên khắp châu Phi và châu Á.
Điểm đến nào hưởng lợi từ du khách Ấn Độ
Dựa trên dữ liệu do Agoda thu thập, người Ấn Độ đang đi du lịch đến đa dạng quốc gia hơn. Trong đó, Đông Nam Á vẫn là khu vực được người dân Ấn Độ lựa chọn hàng đầu. Năm 2019, ba điểm đến phổ biến nhất của người Ấn Độ là Thái Lan, Malaysia và Indonesia. Hiện nay, thị trường khách Ấn đều đang tăng ở một số điểm đến Đông Nam Á. “Lượng khách Ấn Độ đến Việt Nam dự kiến sẽ tăng ít nhất 1.000% so với mức trước đại dịch”, ông Morgenshtern nói.
Ngược lại, dựa trên dữ liệu của Agoda, không có nhiều người Ấn Độ đi du lịch đến Nhật Bản, Hàn Quốc hoặc Đài Loan.
Ấn Độ và Trung Quốc cạnh tranh
Trong khi thị trường du lịch outbound (đưa khách ra nước ngoài) của Trung Quốc đã tăng vọt trong hai thập kỷ qua, sự bùng nổ của Ấn Độ đến muộn hơn. Ông Bowerman nhận định việc ngành du lịch Ấn Độ “đi sau” một phần do sự khác biệt trong lĩnh vực hàng không giữa hai nước.
Ở Ấn Độ, ngành hàng không chủ yếu bao gồm các hãng hàng không tư nhân cạnh tranh với nhau.
Mặt khác, Trung Quốc có ba nhóm hãng hàng không chính do chính phủ phát triển và hợp nhất, mỗi nhóm hoạt động ở các khu vực cụ thể. Air China có trụ sở tại Bắc Kinh, China Eastern có trụ sở tại Thượng Hải và China Southern có trụ sở tại Quảng Châu.
Nhờ sự phân chia từng khu vực, chính phủ Trung Quốc có thể kiểm soát số lượng và tần suất của các đường bay, đặc biệt là tới các điểm đến Đông Nam Á và Đông Bắc Á.
Theo Bowerman, các điểm đến khó phát triển thêm các chuyến bay ở Ấn Độ vì họ phải cạnh tranh với nhiều hãng hàng không.
Trước đại dịch, Trung Quốc là thị trường nguồn khách du lịch lớn nhất ở Đông Nam Á. Năm 2019, các quốc gia Đông Nam Á đã đón 32,3 triệu du khách từ Trung Quốc, nhưng chỉ có 5,3 triệu du khách từ Ấn Độ.
“Hiện có một động thái giữa các hội đồng du lịch ở Đông Nam Á nhằm đa dạng hóa cơ cấu thị trường để giảm sự phụ thuộc vào khách Trung Quốc của các nước”, ông Bowerman nói thêm.
Tuy nhiên, để vượt qua Trung Quốc khi nói đến thị trường du lịch outbound, Ấn Độ phải cần nhiều thời gian, ít nhất là hai thập kỷ.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.