Một số du khách Việt xem tính bền vững là tiêu chí khi quyết định địa điểm du lịch và cơ sở lưu trú. Ảnh: Linh Huỳnh. |
Theo Báo cáo Du lịch Bền vững 2023 của nền tảng dịch vụ du lịch trực tuyến Booking.com, có đến 97% du khách Việt Nam cho biết họ muốn du lịch bền vững hơn trong 12 tháng tới.
Du lịch bền vững trở thành xu hướng
Việc lựa chọn địa điểm du lịch, cơ sở lưu trú một cách thông minh và có trách nhiệm hơn, tránh sử dụng đồ nhựa dùng một lần ngày càng được nhiều du khách trong nước quan tâm. Tính bền vững trong cách mọi người du lịch giúp giảm thiểu những tác động mà du khách tạo ra cho các điểm đến.
Vốn yêu thích thiên nhiên, Lê Văn Hoàng (sống tại TP.HCM) và nhóm bạn của anh thường chọn tham quan các điểm du lịch mới, ít người biết đến, các vườn quốc gia (VQG) để ngắm nhìn cảnh quan, trải nghiệm văn hóa địa phương thay vì đến các địa điểm du lịch nổi tiếng.
Nam du khách cho biết anh sẽ tránh đi du lịch vào mùa cao điểm, ưu tiên chọn các homestay gần gũi thiên nhiên, kiến trúc mộc mạc, hạn chế sử dụng chai nước, ly nhựa một lần trong các chuyến đi. “Tôi không ủng hộ và hạn chế đến các điểm du lịch bị đô thị hóa, những công trình bằng bê tông. Khi đến du lịch Đà Lạt, tôi chỉ ghé khu vực ngoại ô để có thể ngắm nhìn những mảng thông xanh của thành phố này”, anh Hoàng nói.
Du khách có thể đi thuyền ngắm cảnh dọc theo dòng sông Ngô Đồng và tận hưởng bầu không khí trong lành, mát mẻ từ núi đá vôi trong hành trình khám phá Tam Cốc. Ảnh: Linh Huỳnh. |
Trong khảo sát được thực hiện bởi 33.228 người trả lời trên 35 quốc gia và vùng lãnh thổ, có đến 83% du khách Việt bày tỏ mong muốn giúp cho những địa điểm nơi họ đến du lịch trở nên xanh, sạch hơn sau khi rời đi.
Một số du khách cho biết họ lựa chọn đi bộ, đi xe đạp hoặc sử dụng phương tiện giao thông công cộng để di chuyển, nhằm hạn chế khí thải ra môi trường. Những du khách khác cũng ưu tiên mua hàng được sản xuất tại địa phương, các cửa hàng nhỏ độc lập tại vùng mình tới để đóng góp cho nền kinh tế tại những nơi này.
Doanh nghiệp cùng đồng hành
Hiện nay tại Việt Nam có hơn 5.000 cơ sở lưu trú đã nhận Huy hiệu Du lịch Bền vững do Booking.com công nhận, gấp 7 lần một năm trước. Để đạt được huy hiệu này, các đơn vị lưu trú phải áp dụng các biện pháp bền vững, đảm bảo yếu tố tiết kiệm năng lượng, nguồn nước, bảo vệ môi trường, kiến tạo không gian du lịch xanh, có sự tham gia của người dân bản địa.
Để làm dịu cái nắng nóng của tiết trời miền Trung mà vẫn đảm bảo tính bền vững, Hoiana Beach Resort đã phục vụ khăn lạnh có thể tái sử dụng cho du khách. Việc hạn chế khăn lạnh, đồ nhựa dùng một lần không chỉ làm giảm lượng rác thải ra môi trường mà còn tiết kiệm nước.
Đại diện đơn vị cho biết thêm: “Chúng tôi ưu tiên sử dụng nguồn cung cấp thực phẩm bền vững đến từ các doanh nghiệp, hộ sản xuất tại địa phương như rau xanh từ làng rau Trà Quế, Đà Nẵng, cà chua và sữa của Đà Lạt, hải sản Quảng Nam”.
Việc sử dụng nguồn nguyên liệu có chất lượng cao của địa phương vừa giúp quảng bá nền văn hóa ẩm thực bản địa, mang đến trải nghiệm tốt cho du khách, vừa đóng góp vào sự phát triển kinh tế địa phương.
Nguồn nguyên liệu bền vững tại địa phương được các nhà hàng ưu tiên sử dụng. Ảnh: Linh Huỳnh. |
Để thúc đẩy hoạt động du lịch bền vững, Six Sense Côn Đảo đã bước sang năm thứ 6 đồng hành cùng VQG Côn Đảo thực hiện dự án bảo tồn rùa biển xanh. Ông Bill Crang, Giám đốc Tiếp thị của Six Senses Côn Đảo, chia sẻ: “Trung tâm ấp trứng ‘Let’s Get Cracking’ không những góp phần bảo vệ môi trường tự nhiên hoang sơ tại Côn Đảo mà còn mang lại giá trị bảo tồn quan trọng".
Du khách có cơ hội tạo ra những kỷ niệm đáng nhớ và khơi gợi niềm đam mê đối với việc bảo tồn động vật hoang dã tại Côn Đảo. Ảnh: Six Senses Côn Đảo. |
Dự án này còn mang đến cho du khách cơ hội trải nghiệm hiếm có khi chứng kiến khoảnh khắc chào đời quý giá và đồng hành cùng những bước chân chập chững đầu tiên trong hành trình tiến ra biển lớn của các chú rùa con. Do đó, đơn vị luôn khuyến khích du khách tham gia vào dự án bảo tồn rùa biển.
Hỗ trợ từ địa phương
Các cơ sở lưu trú đạt Huy hiệu Du lịch Bền vững tại Việt Nam chủ yếu thuộc các trung tâm du lịch lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, Ninh Bình…
Với hệ sinh thái đa dạng, phong phú, nhiều tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa, Ninh Bình đã triển khai nhiều dự án, kế hoạch nhằm bảo tồn và phát huy di sản văn hóa truyền thống, tạo sinh kế, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thúc đẩy du lịch phát triển bền vững.
Tại các điểm du lịch nổi tiếng ở Ninh Bình, du khách có cơ hội trải nghiệm đi thuyền trên sông Ngô Đồng khám phá Tam Cốc - Bích Động, đạp xe ngắm cảnh trong VQG Cúc Phương, chinh phục Hang Múa…và lưu trú tại một trong 130 cơ sở lưu trú bền vững tại địa phương.
Đồng hành cùng xu hướng du lịch xanh của thế giới, tỉnh Quảng Nam và TP Hội An đã khởi động nhiều phong trào, mô hình thân thiện với môi trường như hạn chế túi nylon trong phố cổ hay cù lao Chàm, tái chế rác, khu phố không tiếng động cơ… góp phần định hướng xây dựng thương hiệu điểm đến xanh vào năm 2025 của Quảng Nam.
Trong thời gian tới, địa phương còn tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn người lao động thực hành áp dụng Bộ tiêu chí du lịch xanh dành tại các điểm tham quan.
Các hoạt động trải nghiệm văn hóa địa phương thu hút du khách trong và ngoài nước. Ảnh: Linh Huỳnh. |
Văn hóa bản địa là một trong những tài nguyên quý, ngày càng được quan tâm phát triển, khai thác để phát triển du lịch bền vững tại các tỉnh thành trên cả nước.
Là cơ sở lưu trú bền vững đi vào hoạt động từ đầu năm, Lalita Tam Cốc Resort & Spa (Ninh Bình) đã thúc đẩy hợp tác với các làng nghề, thợ thủ công địa phương để hỗ trợ du lịch cộng đồng. Đơn vị còn ứng dụng kiến trúc mộc mạc để giảm tác động đến môi trường tự nhiên xung quanh.
Tuy nhiên, tại một số điểm du lịch lớn, thu hút đông khách như Sa Pa, Quảng Bình, Huế... số lượng cơ sở lưu trú nhận huy hiệu chưa nhiều.
63 tỉnh thành trong nước chứa đựng vô số điểm đến đa dạng về văn hóa, độc đáo về lịch sử. Tri thức Trực tuyến giới thiệu tới bạn đọc những trang sách về hành trình khám phá Việt Nam.