Joey Hadden (Mỹ) mong đợi một chuyến du lịch ba lô đầy phiêu lưu như trên Instagram ở châu Âu, nhưng thực tế lại mệt mỏi và đáng thất vọng hơn nhiều. |
Vì có niềm đam mê lớn dành cho thời trang, Joey Hadden chưa từng nghĩ tới việc đi du lịch chỉ với một chiếc ba lô quần áo. Cho tới năm 2022, sau khi làm cây bút mảng du lịch cho Insider, lần đầu tiên cô quyết định đi du lịch bụi ở châu Âu.
Tháng 10/2022, Hadden lên kế hoạch cho chuyến đi 2 tuần qua bốn quốc gia châu Âu. Trước đó vào hồi tháng 8, cô đã thử phong cách du lịch tối giản này khi dành 1 tuần tại miền Đông Canada.
Trong suốt 2 tuần, cô đeo ba lô đi khắp các nước Đức, Áo, Italy và Thụy Điển, khám phá Berlin, Vienna, Venice, Rome, Milan và Zurich. Qua đó, Hadden nhận ra du lịch ba lô qua châu Âu không hề lãng mạn hay hào nhoáng như các bức ảnh thường thấy trên Instagram.
Mệt mỏi
Hành lý là một trong những vấn đề đầu tiên của Joey Hadden. Để chuẩn bị cho chuyến đi châu Âu 2 tuần, cô chọn chiếc túi 32 lít, lớn nhất mà cô có, song vẫn không thể nhét đủ số quần áo mong muốn.
Cô ưu tiên đóng gói thiết bị làm việc và những thứ thiết yếu khác. Bắt đầu từ máy tính xách tay, máy ảnh, lens, sổ ghi chép; sau đó là bộ sạc, đồ vệ sinh cá nhân và đồ ăn nhẹ.
Phải giảm đi một nửa số quần áo, cô gái chỉ còn chỗ cho hai chiếc áo polo, một áo phông, một áo thun dài tay, ba quần dài, một sweater, một blazer, một váy và hai chiếc áo khoác nhẹ.
Cũng vì mang theo ít quần áo, Hadden phải giặt giũ ở khắp mọi nơi.
"Chẳng có bài đăng nào trên mạng xã hội nói về vấn đề giặt là khi đi du lịch bụi. Trong chuyến đi, tôi phải giặt quần áo ở hầu hết phòng thuê nghỉ. Thời gian lưu trú ở mỗi nơi chỉ rơi vào một hoặc hai đêm, tôi phải ưu tiên việc giặt đồ nhằm đảm bảo quần áo khô ráo trước khi trả phòng".
Hadden tinh gọn đồ đạc nhất có thể cho chuyến đi. Ảnh: Joey Hadden. |
Kiệt sức vì phải di chuyển liên tục, việc giặt quần áo khiến Hadden thêm phần mệt mỏi. Cô mang theo xà phòng giặt, sử dụng bồn rửa mặt và bồn tắm để làm sạch đồ rồi treo lên để hong khô.
Hadden thường trọ tại các căn Airbnb nhỏ bé với diện tích chưa đến 10 m2. Việc phơi quần áo ướt sũng khắp nơi khiến căn phòng thêm lộn xộn và biến không gian nghỉ ngơi trở nên hỗn loạn. Ngoài ra, phòng trọ nhếch nhác khiến cô cảm thấy mệt mỏi và chẳng thể thư giãn sau cả ngày dài.
Di chuyển là một vấn đề khác. Hadden bị khó ngủ khi phải đi những chuyến tàu dài, nằm trong không gian nhỏ hẹp và ngột ngạt.
Tàu giường nằm khiến nữ du khách cảm thấy bất tiện, khó chịu. Ảnh: Joey Hadden. |
Thiếu riêng tư trong khoang giường tầng chung trên tàu cũng là một vấn đề.
“Trước chuyến đi, tôi tưởng rằng sẽ có rèm che cho mỗi giường trong khoang tàu nhằm tạo sự riêng tư. Nhưng những chiếc giường hoàn toàn chẳng có gì”.
Cô gái phải vào nhà vệ sinh để thay đồ ngủ, đánh thức một du khách khác nằm ở tầng trên để đi vệ sinh vào nửa đêm vì chỉ có thể mở khóa phòng từ giường của họ.
Mọi thứ còn tệ hơn khi Hadden chọn đặt ghế ngồi thông thường trên chuyến tàu đêm khác từ Berlin đến Vienna. Cô không thể ngủ nổi trong khoang tàu có 6 ghế đối diện nhau, thậm chí chỗ để chân cũng chật chội.
Kiệt sức
Vì bị khó ngủ trên chuyến tàu đêm, Hadden cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức khi đến nơi.
Tới Vienna lúc 7h sau một đêm mất ngủ trên toa ngồi, nữ du khách kiệt quệ đến mức phải đi tìm luôn khách sạn cho thuê phòng vào sáng sớm, chẳng thể làm gì vì chỉ nghĩ đến việc ngủ bù.
“Kết quả là ngày đầu tiên của tôi ở các thành phố đều đáng thất vọng. Kế hoạch tiết kiệm thời gian và năng lượng thì phản tác dụng, còn tôi thì bỏ phí mất hai ngày. Lẽ ra tôi phải dành những ngày này để tận hưởng thành phố mới. Nếu được nghỉ ngơi đầy đủ, tôi đã có thể làm được điều đó”, Hadden chia sẻ.
Cơ thể Hadden đau nhức vì phải mang theo ba lô cả ngày. Ảnh: Joey Hadden. |
Cơ thể của Hadden cũng kiệt sức và đau nhức khủng khiếp vì phải đeo chiếc ba lô lớn, cồng kềnh và nặng mỗi ngày trong chuyến đi. Cô di chuyển khó khăn đặc biệt ở chốn đông người, các con phố hay trong nhà ga. Chiếc ba lô khiến cô đụng phải những người khác trước khi kịp nhận ra mình đang chiếm dụng không gian.
Trên Instagram, các du khách ba lô thường đứng một mình, check-in phong cảnh hoang sơ tuyệt đẹp hay những địa điểm thu hút khách du lịch. Hadden cũng nghĩ rằng việc đi du lịch vào thời điểm cuối mùa như tháng 10 sẽ giúp tránh được đám đông. Nhưng cô nhận ra điều này là không thể khi tới châu Âu.
“Từ Rome đến Zurich, tôi lê bước qua những nơi đông nghẹt khách du lịch, phải kiễng chân để xem được các di tích lịch sử hay thậm chí chẳng thể chụp được một bức ảnh tử tế ở địa điểm nổi tiếng”.
Những con hẻm chật kín người ở châu Âu nữ du khách thấy trong suốt chuyến đi. Ảnh: Joey Hadden. |
Điều thú vị
Gặp phải nhiều khó khăn, nhưng Hadden thấy rằng việc xách ba lô đi khắp châu Âu cũng có những bất ngờ thú vị. Tưởng rằng ghé thăm nhiều địa điểm trong thời gian ngắn sẽ khiến cô quên đi nhanh chóng, nhưng mỗi thành phố đều thực sự độc đáo và đã để lại trong cô những ký ức đặc biệt.
Tuy vất vả nhưng Hadden cho rằng du lịch ba lô sẽ đem lại nhiều trải nghiệm đặc biệt thú vị. Ảnh minh họa: Yaroslav Shuraev/Pexels. |
“Tôi sẽ không bao giờ quên cảm giác Berlin sống động ra sao với những bức tranh treo tường đầy ấn tượng và cả các nghệ sĩ đường phố; hay những mê cung vườn tược và kiến trúc như trong cổ tích của Vienna mang lại cảm giác hoàng gia như thế nào”.
Hadden vẫn sẽ đeo ba lô và đến châu Âu một lần nữa. Nhưng rút kinh nghiệm, lần này, cô sẽ không ở chung đụng, không đi tàu đêm và tránh cả mùa du lịch cao điểm.
Lý do khiến chúng ta thích tích trữ sách
Bất chấp sự ra đời của sách nói và sách điện tử, sách bìa cứng và bìa mềm vẫn tiếp tục tràn ngập thị trường dành cho những độc giả thích giao diện sách giấy. Trọng lượng khi cầm trên tay và cảm giác được lật giờ từng trang khiến họ thích thú. Với những người yêu sách, việc phải vứt bỏ một cuốn là chuyện đau lòng, dù họ đã đọc xong và biết rằng không bao giờ lật ra một lần nào nữa, theo Washington Post.