“Với những thông tin được ghi nhận, việc buôn bán thịt chó, mèo tiềm ẩn nhiều rủi ro, ít lợi ích. Cần phải có những bước đi tiếp theo để đề ra giải pháp đối với thực trạng này", GS.TS Đậu Ngọc Hào (Hội Thú y Việt Nam), nhận định trong sự kiện "Đối thoại các bên hữu quan về tình trạng buôn bán thịt chó và mèo tại Việt Nam - Con đường phía trước".
Dưới góc độ y tế, chấm dứt buôn bán thịt chó, mèo được coi là tốt cho sức khỏe cộng đồng. Còn với ngành du lịch, điểm lợi là xây dựng hình ảnh điểm đến thân thiện với động vật.
Nguy cơ bệnh dại
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thịt chó trực tiếp gây ra sự bùng phát bệnh sán chó, dịch tả và bệnh dại ở người. Những rủi ro nghiêm trọng xuất hiện tất cả khâu buôn bán thịt chó và mèo - từ nguồn cung cấp đến vận chuyển, mua bán, giết mổ và tiêu thụ.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, trong những năm gần đây, trên địa bàn TP Hà Nội không ghi nhận ổ dịch bệnh dại trên đàn chó, mèo.
Các diễn giả tham gia thảo luận tại sự kiện. Ảnh: Four Paws. |
Tuy nhiên, theo thông tin từ CDC thành phố Hà Nội, năm 2020 ghi nhận 1 người tử vong vì chó dại cắn tại Cầu Giấy. Năm 2021 có 1 trường hợp tử vong do bệnh dại tại Hoàng Mai, nhưng không bị chó, mèo hoặc động vật cắn. Năm 2022 có 1 trường hợp tử vong vì bệnh dại tại Mê Linh.
Điều đáng nói là hầu hết chó cắn người bị dại đều là chó thả rông, chó lạ, chó mua về từ các tỉnh khác, không rõ nguồn gốc và không được tiêm phòng vắc xin dại.
Một thực trạng nữa là có những nơi nhiều người nuôi với mục đích thương phẩm thì việc chấp hành tiêm phòng vắc xin dại là chưa triệt để, chưa thực hiện việc tiêm phòng bổ sung khi nhập đàn. Người bị chó mèo cắn còn coi nhẹ việc tiêm phòng, tư vấn của y tế, cán bộ thú y…
Trong khi đó, Hà Nội hiện nay có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn, đứng top đầu cả nước. Địa bàn rộng, nhận thức về bệnh dại ở một số bộ phận người dân còn nhiều hạn chế do vậy không tiêm phòng vắc xin dại cho chó hoặc khi bị chó cắn không đến cơ sở y tế để điều trị dự phòng hoặc đến cơ sở không được cấp phép để chữa trị.
Tâm lý của một số người bị chó cắn đi điều trị dự phòng còn e ngại, cho rằng việc tiêm phòng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và chi phí tiêm phòng cao.
Một số khó khăn khác có thể kể đến như thông tin tuyên truyền về tác hại của bệnh dại, biện pháp phòng, tránh, chính sách hỗ trợ và các quy định của nhà nước về quản lý chó nuôi ở một số địa phương còn chưa được coi trọng.
Hoạt động kinh doanh buôn bán chó mèo ở các tỉnh, kể cả nước ngoài (Lào, Campuchia...) chưa được quản lý, xử lý ảnh hưởng nhiều đến công tác phòng chống bệnh dại, quản lý chó nuôi và mỹ quan đô thị.
Chiến dịch "Đây không phải Việt Nam" kêu gọi chấm dứt việc buôn bán chó, mèo để lấy thịt một cách tàn nhẫn. |
Xây dựng hình ảnh thành phố du lịch văn minh
Dưới góc nhìn du lịch, ông Robert Rankin, Giám đốc quốc gia Công ty du lịch và lữ hành Abercrombie and Kent Việt Nam, bày tỏ: “Khách du lịch không muốn chứng kiến những hành động tàn ác đối với động vật, và đặc biệt là nạn buôn bán thịt chó, mèo.
Việc buôn bán thịt chó, mèo và những tác động đã được chứng minh đối với việc gia tăng dịch bệnh, khiến các nhà điều hành du lịch gặp khó khăn hơn trong việc quảng bá Việt Nam như một điểm đến du lịch an toàn, văn minh, thân thiện và hiện đại".
Theo ông Robert Rankin, khách du lịch văn minh sẽ luôn tôn trọng giá trị, truyền thống văn hóa địa phương nhưng có thể, nét văn hóa đó chỉ phù hợp với thời điểm, bối cảnh lịch sử nhất định mà không còn phù hợp với thời điểm hiện tại.
Ví dụ, việc sử dụng chó mèo làm thực phẩm là phong tục, tập quán ở nhiều địa phương song việc quản lý kinh doanh, giết mổ, vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều bất cập. Nhiều trường hợp ở Hà Nội, chó đã giết mổ (chó thui) chở trên phương tiện xe máy không được che đậy đưa vào khu vực nội thành, tạo sự phản cảm đối với khách tham quan du lịch, du khách quốc tế sinh sống và làm việc tại thành phố.
Loại bệnh đặc biệt nguy hiểm ở chó là bệnh dại có khả năng lây nhiễm cho cả người giết mổ lẫn người tiêu thụ. |
Bà Phan Thanh Dung, chuyên viên tư vấn chiến dịch tại Đông Nam Á của Tổ chức Phúc lợi động vật toàn cầu Four Paws, đánh giá đại đa số người Việt Nam không đồng tình với việc buôn bán thịt chó, mèo.
“Chúng tôi liên tục nhận được thông tin từ người dân, du khách quốc tế yêu cầu hành động. Công cụ báo cáo về buôn bán thịt chó mèo của chúng tôi đã nhận được rất nhiều phản ánh sau chưa đầy một tháng ra mắt", bà Dung nói.
Bác sĩ Karanvinr Kukreja - trưởng chương trình Động vật đồng hành Đông Nam Á của Four Paws - chia sẻ nhận thức của người dân và hình ảnh một Việt Nam buôn bán thịt chó, mèo đang thay đổi, tạo cơ hội để chính phủ hành động.
Tháng 12/2021, Four Paws phát động chiến dịch “Đây không phải Việt Nam” thể hiện sự phản đối với việc buôn bán chó, mèo để lấy thịt một cách tàn nhẫn và gửi thư tới Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, kêu gọi chấm dứt ngay nạn buôn bán thịt chó, mèo. Bức thư này hiện đã thu thập được 33.000 chữ ký ủng hộ.
Nhà giáo dục và hùng biện người La Mã Quintilian từng nói rằng: "Chúng ta phải xây dựng tâm trí của mình thông qua đọc sâu hơn là đọc rộng". Thực hành đọc sâu là một quá trình rèn luyện có chủ đích. Mục Đời Sống giới thiệu với độc giả 6 nguyên tắc phát triển thói quen đọc sâu để không chỉ khám phá thế giới và kiến thức mà còn khám phá về chính bản thân mình.