Toàn cảnh khu vực rừng ngập mặn Nusantara tại Vịnh Balikpapan (Indonesia). Ảnh: ·Willy Kurniawan/Reuters |
Bà Connie Sihombing, một cư dân 50 tuổi ở Jakarta (Indonesia), nói mình không cảm thấy phiền khi nghe tiếng xe cộ hoặc máy bay trong lúc chèo thuyền Kayak qua vùng nước đục với nhiều rễ cây rừng ngập mặn.
Bà nói với Reuters: “Tôi từng đi du lịch xa, nhưng tôi không biết gần nhà mình lại có một công viên và hấp dẫn đến thế”
Rừng ngập mặn ở Indonesia đã bị thu hẹp lại còn khoảng 1,4 triệu ha, do sự phát triển đô thị hoặc nuôi trồng thủy hải sản đã thay thế hệ thống phòng hộ tự nhiên ngăn mực nước biển dâng cao và xâm nhập mặn.
Theo Cơ quan Phục hồi Rừng ngập mặn và Đất than bùn của Indonesia (BRGM), chỉ riêng năm 2022, quốc gia này đã mất 700.000 ha rừng ngập mặn.
Indonesia hy vọng bên cạnh những nỗ lực của nhà nước, du lịch sinh thái liên quan đến hoạt động khám phá, trồng và chăm sóc rừng sẽ giúp mọi người hiểu tầm quan trọng của rừng là nơi lưu trữ carbon và phát triển đa dạng sinh học.
“Rất nhiều người dân và doanh nghiệp san bằng rừng ngập mặn và lấp cát để làm bãi biển nhân tạo, xây dựng địa điểm du lịch. Hành động đó đã đi ngược lại với việc bảo tồn thiên nhiên”, ông Muhammad Saleh Alatas, chủ Trung tâm chèo thuyền ngập mặn, đơn vị tổ chức các tour du lịch, nói trong một khu rừng ngập mặn ở Jakarta (Indonesia).
Công viên bảo tồn thiên nhiên Angke Kapuk (Indonesia) rộng 98 ha, nơi các tour du lịch hoạt động, chỉ là một phần nhỏ trong những gì các chuyên gia môi trường cho rằng thế giới cần khắc phục thiệt hại đã gây ra cho rừng ngập mặn và các vùng đất ngập nước khác.
Ông Muhammad Ilman, Giám đốc Cơ quan Bảo tồn Thiên nhiên Nusantar (Indonesia), cho biết mặc dù tài trợ của chính phủ đã tăng trong 5 năm qua, Indonesia vẫn cần sự hỗ trợ từ các tổ chức tư nhân và các tổ chức phi chính phủ.