Thời gian qua, ông Đinh Văn Lộc, Giám đốc Công ty Cổ phần du lịch Việt Đà (Viet Da Travel), cùng đội ngũ nhân sự của mình nhiều lần ra nước ngoài làm việc với đối tác để tìm kiếm nguồn khách.
Theo lời vị giám đốc này, ngành du lịch đã hồi phục mạnh trong vài tháng qua nhưng đối tượng khách quốc tế - những thành phần tiêu tiền nhiều - chưa đạt kỳ vọng.
"Ảnh hưởng của dịch bệnh nên nhiều nước vẫn thắt chặt việc người dân xuất cảnh ra nước ngoài khiến khách quốc tế đến Việt Nam nói chung, các tỉnh miền Trung nói riêng, còn ít. Vì vậy, chúng tôi phải tìm kiếm thị trường mới, những nước có chính sách xuất nhập cảnh thông thoáng để đưa họ đến Việt Nam tham quan, nghỉ dưỡng", ông Lộc cho hay.
Du lịch khởi sắc nhưng có nguy cơ "ngủ đông"
Giám đốc Công ty Viet Da Travel cho hay trong hai tháng qua, doanh nghiệp phục vụ gần 3.000 khách đến Đà Nẵng tham quan, nghỉ dưỡng.
"So với năm 2020-2021, con số này rất đáng mừng đối với những doanh nghiệp du lịch", ông Lộc nói và cho hay lượng khách đến miền Trung khởi sắc về số lượng nhưng đối tượng khách cao cấp còn ít.
"Khách Trung Quốc, Nga hầu như chưa có. Khách Hàn Quốc đã qua Việt Nam nhưng so với năm 2019 vẫn chưa đạt 10%. Người dân Thái Lan, Singapore... đã đến Việt Nam du lịch nhiều hơn", ông Lộc thông tin.
Lượng khách đến Đà Nẵng tham quan, nghỉ dưỡng khởi sắc trong những ngày cuối tuần. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Người đứng đầu Công ty Viet Da Travel cũng nói thêm khách quốc tế đến Việt Nam theo gia đình hoặc nhóm lẻ. "Nhóm khách đi theo đoàn với số lượng đông chưa nhiều", ông Lộc chia sẻ.
Ông Nguyễn Đức Quỳnh, Chủ tịch Hội Khách sạn Đà Nẵng, cũng cho biết thời gian qua hàng trăm nghìn đoàn khách đã đến địa phương du lịch. Những khách sạn 4-5 sao, resort đã hoạt động hơn 80% công suất.
"Những ngày cuối tuần của mùa hè này, các cháu được nghỉ học nên nhiều gia đình đã đi du lịch khiến nhiều khách sạn gần kín phòng", ông Quỳnh thông tin.
Nói về lượng khách quốc tế, Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Đà Nẵng nhắc lại số liệu: Năm 2019, hai thị trường khách du lịch quốc tế chiếm hơn 50% tổng lượng khách quốc tế tới Việt Nam là Trung Quốc và Hàn Quốc. Trong đó, 32% khách từ thị trường Trung Quốc và 23,8% khách từ thị trường Hàn Quốc.
Theo ông Quỳnh, du lịch miền Trung đang phục hồi nhưng lượng khách còn khiêm tốn. Đặc biệt, khách Trung Quốc (chiếm hơn 30% thị phần) vẫn chưa đến nước ta du lịch vì quốc gia này vẫn theo đuổi chính sách "Zero-Covid”.
Cả 2 ông Lộc và Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Đà Nẵng đều có chung nhận định là nếu không tìm kiếm được nguồn khách, ngành du lịch miền Trung sẽ rơi vào tình trạng "ngủ đông" trong những tháng cuối năm.
"Hết hè, các cháu đi học trở lại nên người dân trong nước cũng không có thời gian đi chơi, nghỉ dưỡng. Mặt khác, những tháng cuối năm, các tỉnh miền Trung có nguy cơ mưa, bão liên tục, dẫn đến lượng khách cũng ít đi so với mùa hè", ông Quỳnh nhận định.
Hướng đến thị trường tỷ dân
Theo lời ông Quỳnh, trong thời gian dài ngành du lịch nước ta đã quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc mà "quên" Ấn Độ - nước đông dân thứ hai thế giới. Hiện Ấn Độ có khoảng 140 tỷ phú USD, đứng thứ ba trên thế giới, chỉ sau Mỹ và Trung Quốc.
"Người dân nước này cũng rất chịu chi tiêu khi đi du lịch. Tuy nhiên, chúng ta chưa khai thác được thị trường này là điều đáng tiếc", ông Quỳnh nói và nhận định Ấn Độ sẽ là thị trường khách quan trọng đối với nhiều điểm đến trong giai đoạn phục hồi du lịch sau dịch Covid-19.
Theo ông Quỳnh, chính sách mở cửa tích cực của Ấn Độ cùng nhu cầu du lịch lớn của người dân nước này có thể tạo nên nguồn khách giúp bù đắp các thị trường truyền thống Đông Bắc Á chưa mở cửa hoàn toàn.
Lãnh đạo Sở Du lịch Đà Nẵng gặp gỡ các doanh nghiệp hàng không, lữ hành Ấn Độ tại sự kiện diễn đàn Phát triển đường bay châu Á năm 2022. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc Trung tâm xúc tiến du lịch Đà Nẵng, nói lãnh đạo thành phố đã nhìn nhận ra những hạn chế trên và đang triển khai nhiều giải pháp để đa dạng hóa thị trường du lịch.
Để hiện thức hóa mục tiêu trên, ngày 4/8, Sở Du lịch Đà Nẵng cùng một hãng hàng không của Việt Nam tổ chức chương trình giới thiệu du lịch Đà Nẵng tại New Delhi, Ấn Độ. Chương trình có sự tham gia của 17 doanh nghiệp lữ hành, đại diện cộng đồng doanh nghiệp Đà Nẵng, miền Trung. Sự kiện nhằm quảng bá hình ảnh Đà Nẵng, nhằm kết nối và cung cấp thông tin cho hơn 70 đối tác Ấn Độ.
Theo đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu, nhu cầu du lịch nước ngoài của khách Ấn Độ đang rất lớn do bị kìm nén suốt 2 năm qua. Sức hút của Việt Nam đối với thị trường đông dân thứ 2 thế giới có thể thấy qua lượng visa được xử lý mỗi ngày.
Số lượng khách làm visa tăng 24 lần, từ 250 visa/ngày lên 6.000 visa/ngày tại thời điểm hiện tại. Theo dự kiến, ngày 17-18/10 tới sẽ có hai đường bay thẳng đầu tiên từ Mumbai và New Delhi đến Đà Nẵng được khai trương. Đến cuối tháng 11 và đầu tháng 12 năm nay, sẽ có thêm 3 đường bay mới từ Bengaluru, Hyderabad và Ahmedabad đến Đà Nẵng.
Theo Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Trương Thị Hồng Hạnh, từ đầu năm đến nay, địa phương này đón khoảng 3,7 triệu lượt khách. Trong tháng 7, ngày cao điểm thành phố đón khoảng 127 chuyến bay, lượng khách nội địa trong mùa hè năm nay cao hơn cao điểm năm 2019 từ 15-20%.