6,73 triệu lượt khách Trung Quốc đến Thái Lan trong năm 2024. Năm nay, xứ chùa Vàng kỳ vọng sẽ nâng con số thành 10 triệu lượt. Tuy nhiên, mục tiêu này dường như xa vời sau vụ việc diễn viên Vương Tinh bị bắt cóc, liên quan đến đường dây buôn người xuyên biên giới mà Thái Lan là nơi trung chuyển.
"Chúng tôi ghi nhận lượng khách hủy đặt chỗ (đến Thái Lan - PV) tăng lên đáng kể sau vụ việc vừa qua, điều này hoàn toàn nằm trong dự đoán. Tuy nhiên, hiện vẫn còn khá sớm để khẳng định mức độ ảnh hưởng như thế nào", bà Giuliana Riitano, Phó tổng giám đốc Agoda khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nói trong phiên họp báo Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF) 2025 được tổ chức tại Malaysia ngày 16/1.
Lo ngại
Chung nhận định, ông Noor Ahmad Hamid, CEO Hiệp hội Lữ hành châu Á - Thái Bình Dương PATA, cho biết: "Theo thống kê, tỷ lệ hủy đặt chỗ từ thị trường Trung Quốc đến Thái Lan dao động 20-25%. Cục Du lịch Thái Lan (TAT) đang làm việc chặt chẽ với một đội ngũ nghiên cứu về tâm lý xã hội, xem cách thị trường Trung Quốc bàn luận và phản ứng trước vấn đề này để tìm hướng xử lý. Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề có thể giải quyết trong một sớm một chiều".
CEO PATA và đại diện Agoda trong phiên thảo luận tại ATF 2025. Ảnh: Linh Huỳnh. |
Trong khi Trung Quốc - thị trường gửi khách lớn nhất tại Thái Lan năm 2024 - và một số quốc gia châu Á bước vào mùa cao điểm dịp Tết Nguyên đán, vụ buôn người liên quan đến Vương Tinh giáng một đòn nặng nề lên ngành du lịch.
Nhiều du khách Trung Quốc và một số quốc gia trong khu vực đã hủy tour, vé đến Thái Lan do lo ngại về tính an toàn. Gần một tuần sau khi Vương Tinh về nước an toàn, con số này vẫn chưa dừng lại.
Đối với du khách từ Việt Nam, theo một số đơn vị lữ hành, vụ việc cũng tạo ra sự quan tâm nhất định nhưng mức độ ảnh hưởng không đáng lo ngại.
Ông Phạm Anh Vũ, Phó tổng giám đốc Công ty Du Lịch Việt, cho biết: "Du khách Việt đã có nhiều kinh nghiệm du lịch Thái Lan, hơn nữa các tour du lịch do công ty lữ hành Việt Nam tổ chức luôn có hướng dẫn viên đi kèm đoàn suốt từ Việt Nam và các đối tác đều có đủ giấy tờ pháp nhân, khách nắm rõ hành trình nên vụ việc trên ghi nhận mức độ ảnh hưởng không nhiều, không nằm trong mối quan tâm của du khách Việt".
Hiện lượng khách đặt tour dịp Tết đi Thái Lan của đơn vị này ghi nhận tăng 23-30% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ hoãn tour khoảng 3-5% vì các yếu tố khác như tài chính, thời gian... Dịp Tết năm nay, Thái Lan vẫn nằm trong top 3 điểm đến được lựa chọn nhiều nhất của khách Việt muốn đi nước ngoài (outbound).
Không phụ thuộc tệp khách Trung Quốc
Trước sự tác động ngày càng rõ rệt sau vụ Vương Tinh, TAT cũng như giới chức Thái Lan đưa ra hàng loạt biện pháp nhằm trấn an tệp khách đến từ thị trường đông dân thứ 2 thế giới.
Theo đó, TAT đăng tải bài viết trên Weibo (mạng xã hội phổ biến của Trung Quốc) tuyên bố sẽ cung cấp "sự bảo vệ và tiện lợi" cho du khách khi đặt chân đến vương quốc.
Chính phủ cũng thành lập một văn phòng chuyên tìm kiếm người mất tích gần biên giới Myanmar để sàng lọc "hàng tá" báo cáo về tình trạng nạn nhân từ khắp nơi trên thế giới bị lừa tham gia các nhà máy bất hợp pháp lớn ở quốc gia này.
Đáng chú ý, TAT cũng nhanh chóng thể hiện nước đi chủ động hơn khi chuẩn bị điều chỉnh mục tiêu đối với du khách châu Á trong năm nay, tìm kiếm thị trường tiềm năng khác để bù đắp thay vì chỉ chờ đợi lượng du khách Trung Quốc phục hồi, tờ Bangkok Post đưa tin sáng 17/1.
Bà Pattaraanong Na Chiangmai, Phó Tổng giám đốc TAT phụ trách tiếp thị quốc tế tại châu Á và Nam Thái Bình Dương, cho biết khi chính phủ nâng mục tiêu khách du lịch năm nay từ 39 triệu lượt khách nước ngoài lên 40 triệu lượt, TAT phải điều chỉnh kế hoạch dựa trên tình hình. Lượng khách Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến con số này ít nhất 10% trong Tết Nguyên đán.
Đối với thị trường Đông Bắc Á, bà Pattaraanong cho rằng Hàn Quốc và Nhật Bản có thể bù đắp cho sự thiếu hụt của Trung Quốc bởi lượng khách đến từ 2 quốc gia này dự kiến sẽ tăng so với năm ngoái.
Thị trường Hàn Quốc có tiềm năng phân phối thu nhập đến nhiều khu vực hơn với các chuyến bay thẳng đến Chiang Mai và Phuket.
Trong khi đó, thị trường khách Nhật Bản đến Thái Lan cũng đạt những thành tích khá ấn tượng khi trong năm 2024, xứ chùa Vàng đón 1,05 triệu lượt khách Nhật Bản, vượt mục tiêu 800.000-900.000 lượt, theo TAT. Cơ quan này có kế hoạch thảo luận với 3 văn phòng của mình tại Nhật Bản để đặt ra mục tiêu mới cho năm nay.
Bà Denduen giới thiệu 5 nhóm trải nghiệm "must do" dành cho du khách khi đến Thái Lan. Ảnh: Linh Huỳnh. |
Trong khi đó, chia sẻ trong khuôn khổ ATF, bà Denduen Luengcheng, Giám đốc phụ trách quảng cáo và quan hệ công chúng của TAT, cho biết Thái Lan vẫn tiếp tục thiết kế nhiều hoạt động du lịch nhằm thu hút thêm khách nước ngoài trong năm 2025. Trong đó, mô hình '5 Must Do' (must taste - must try - must buy - must seek - must see) được giới thiệu trong nỗ lực xây dựng hình ảnh, thu hút du khách sau vụ mất tích của Vương Tinh hồi đầu tháng 1.
"Phần lớn du khách quốc tế đều đã quen thuộc với Thái Lan, vì vậy trong năm 2025, chúng tôi sẽ tập trung nhiều hơn trong việc mang đến trải nghiệm độc đáo, mới lạ cho du khách thông qua các hoạt động chủ chốt trong mô hình '5 Must Do'", bà Luengcheng nói.
Đầu tiên là must taste - phải nếm thử. Bà Denduen cho rằng Thái Lan sở hữu một nền ẩm thực phong phú, từ các món ăn đường phố cho đến những bữa fine dining sang trọng. Bên cạnh đó, Michelin Guide Thái Lan 2025 đã giới thiệu hơn 400 cơ sở ẩm thực và một nhà hàng 3 sao Michelin đầu tiên, kỳ vọng thu hút thêm nhiều du khách.
Đối với must try - phải thử trải nghiệm, TAT mời du khách trải nghiệm sự hồi hộp cũng như khám phá văn hóa truyền thống của môn Muay Thái. Bộ môn được cho là hấp dẫn khi xen, thú vị khi tập và rất tốt cho sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. TAT đang thực hiện những chuyến roadshow để quảng bá cho Muay Thái trên toàn cầu.
Phần tiếp theo là must buy - phải mua sắm. Nhờ sự kết nối của hệ thống tàu BTS Skytrain, du khách có thể dễ dàng di chuyển đến một loạt các địa điểm mua sắm ở Bangkok, mang đến trải nghiệm trọn vẹn hơn.
Để đáp ứng nhu cầu tìm kiếm điểm đến, trải nghiệm mới lạ, ít người biết của du khách khi quay trở lại Thái Lan, TAT thúc đẩy quảng bá một loạt địa điểm mới must seek - phải tìm kiếm dành cho du khách. Đó có thể là Chanthaburi đầy quyến rũ, rừng ngập mặn Khung Kraben Bay, những ngôi nhà cổ ở Chanthabun,...
Bên cạnh đó, TAT còn công bố một loạt những sự kiện văn hóa, thể thao, lễ hội,... sắp diễn ra trên khắp cả nước trong năm 2025 như lễ hội Wai Kru Muay Thai, Songkran Festival, Vijit Chao Phraya,... những sự kiện must see - phải thấy khi đến Thái Lan.
Những năm gần đây, Thái Lan đang tập trung nhiều hơn vào các thị trường mới nổi như Indonesia hay phân khúc du lịch qua biên giới với Malaysia, Lào. Đối với các thị trường như Singapore hay Việt Nam, chính phủ nước này đang tái cơ cấu chiến lược, xây dựng sản phẩm mới để tiếp cận họ vì tỷ lệ du khách quay lại ở các thị trường này rất cao, đại diện TAT nói.
Được thành lập vào năm 1981, Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF) là một trong những sự kiện quảng bá du lịch thường niên quan trọng nhất ở châu Á và được tổ chức luân phiên giữa các nước thành viên ASEAN. Sự kiện quy tụ các Bộ trưởng du lịch, đại diện chính phủ, tập đoàn và phương tiện truyền thông từ các quốc gia ASEAN và thế giới. Diễn đàn năm nay được tổ chức tại Johor, Malaysia vào 15-20/1 với chủ đề "Đoàn kết trong hành động: định hình du lịch ASEAN ngày mai".
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.