
Năm 2024, lượt khách (quốc tế - nội địa) đến TP.HCM, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương (cũ) chiếm gần 50% tổng lượng khách cả nước. Cùng kỳ, tổng doanh thu du lịch của cả 3 địa phương trên xấp xỉ 1/4 doanh thu du lịch Việt Nam.
Từ ngày 1/7, TP.HCM chính thức hợp nhất với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, hình thành siêu đô thị đầu tiên trên cả nước với hơn 14 triệu dân trên diện tích 6.772 km2.
Cùng với sự mở rộng quy mô, tài nguyên du lịch của thành phố cũng tăng vọt. Đây là tỉnh/thành đầu tiên của Việt Nam có tuyến bay nội thành (Tân Sơn Nhất - Côn Đảo), sở hữu đầy đủ mô hình du lịch từ biển đảo, rừng ngập mặn đến đô thị, công nghiệp và văn hóa làng nghề.
Cột mốc này không chỉ tạo cú hích cho ngành công nghiệp không khói địa phương, mà còn định hình lại bản đồ du lịch vùng Đông Nam Bộ và quốc gia, theo chuyên gia.
Bảng tổng quan du lịch tại TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương năm 2024 (trước sáp nhập):
Tiêu chí | TP.HCM | Bà Rịa - Vũng Tàu | Bình Dương | Tổng 3 tỉnh/thành | Cả nước | Tỷ lệ 3 địa phương/cả nước |
Tổng khách | 44 triệu lượt | 16,1 triệu lượt | 3,2 triệu lượt | 63,3 triệu lượt | 127,5 triệu lượt | ~50% |
Khách quốc tế | 6 triệu lượt | 0,26 triệu lượt | 0,35 triệu lượt | 6,61 triệu lượt | 17,5 triệu lượt | 37,8% |
Doanh thu | 190.000 tỷ đồng | 17.313 tỷ đồng | 2.200 tỷ đồng | 209.513 tỷ đồng | 840.000 tỷ đồng | 24,9% |
Tài nguyên khổng lồ
Trao đổi với Tri Thức - Znews, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, nhận định việc sáp nhập TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu là cơ hội "vàng" để ngành du lịch chuyển đổi mô hình phát triển, hướng đến tăng trưởng bền vững và nâng cao trải nghiệm du khách.
Trong giai đoạn đầu sau sáp nhập, đơn vị xác định 3 nhiệm vụ ưu tiên: hoàn thiện bộ máy vận hành, điều chỉnh cơ chế làm việc, đồng bộ dữ liệu quản lý; phối hợp doanh nghiệp xây dựng - công bố sản phẩm theo các trục chủ đề; và nâng tầm quy mô các sự kiện du lịch, gắn với lợi thế mới của thành phố.
![]() ![]() ![]() ![]() |
Tổng lượng khách đến TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương chiếm khoảng 50% lượng khách của cả nước trong năm 2024. Ảnh: Quỳnh Danh, Duy Hiệu, Linh Huỳnh. |
Đánh giá về tiềm năng du lịch của "TP.HCM mới", TS Dương Đức Minh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch, cho rằng sau sáp nhập, địa phương không chỉ là trung tâm đô thị - kinh tế, mà còn trở thành một "siêu hệ sinh thái du lịch sáng tạo", hội tụ đầy đủ các tầng trải nghiệm từ biển đảo, sinh thái, đô thị thông minh, công nghiệp đến văn hóa - tâm linh.
Tài nguyên du lịch đa dạng của thành phố mới thể hiện rõ qua chuỗi điểm đến đặc sắc: du lịch đô thị (TP.HCM, Bình Dương), du lịch biển đảo - nghỉ dưỡng cao cấp (Côn Đảo, Hồ Tràm, Vũng Tàu, Long Hải), đến du lịch golf (Hồ Tràm, Châu Đức), MICE (hội thảo - hội nghị), công nghiệp, văn hóa - lịch sử - sinh thái - tâm linh - sức khỏe (như nhà tù Côn Đảo, thiền viện Trúc Lâm, rừng ngập mặn, làng nghề gốm sứ, vườn trái cây…).
Về hạ tầng, TP.HCM mới sở hữu hai sân bay - Tân Sơn Nhất và Côn Đảo - với tổng công suất khoảng 51 triệu khách/năm, lớn nhất cả nước, đồng thời kết nối với sân bay Long Thành đang xây dựng. Bên cạnh đó, TP.HCM mới sở hữu hệ sinh thái doanh nghiệp năng động và hệ thống lưu trú phát triển, với nhiều khách sạn, resort cao cấp, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách nội địa và quốc tế.
![]() ![]() ![]() ![]() |
TP.HCM sau sáp nhập sở hữu đa dạng tài nguyên để phát triển du lịch. Ảnh: Quỳnh Danh, Linh Huỳnh. |
Thành phố cũng thừa hưởng hệ thống logistics và 89 bến cảng từ Bà Rịa - Vũng Tàu, cùng các tuyến tàu cao tốc vượt biển, tạo lợi thế lớn cho phát triển du lịch tàu biển.
Hệ thống cao tốc như TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Biên Hòa - Vũng Tàu, TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, Bến Lức - Long Thành giúp kết nối thuận tiện, mở ra cơ hội phát triển các tour ngắn ngày, khám phá thành phố, nghỉ ngơi cuối tuần, khai thác hiệu quả mô hình "du lịch theo hành lang giao thông".
![]() |
Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây là tuyến đường huyết mạch kết nối TP.HCM với Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu trước khi sáp nhập. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Lối đi
Theo bà Ánh Hoa, từ nguồn lực hợp nhất, ngành du lịch TP.HCM định hướng phát triển sản phẩm dựa trên ba trụ cột chính: đô thị - công nghiệp - biển đảo và nghỉ dưỡng. Các sản phẩm mới sẽ được xây dựng theo 3 trục chủ đề:
- Từ phố theo sông ra biển: Kết nối sản phẩm du lịch văn hóa đô thị - sinh thái ven sông - nghỉ dưỡng biển bằng các tuyến tàu thủy và hành lang đường bộ.
- Holiday Road: Trải nghiệm nghỉ dưỡng theo hành trình từ trung tâm thành phố đến các vùng sinh thái và biển.
- Văn hóa biển: Khai thác không gian văn hóa - sinh thái tại Cần Giờ, Vũng Tàu, Long Hải...
Song song đó, các chiến dịch truyền thông quảng bá điểm đến và sản phẩm du lịch mới cũng được lên kế hoạch triển khai.
![]() |
Nhiều tuyến du lịch với đa tầng trải nghiệm được thiết kế nhằm phát huy tối đa thế mạnh của TP.HCM sau sáp nhập. Ảnh: Linh Huỳnh. |
Trong khi đó, TS Minh nhận định việc hợp nhất ba cực từ "tứ giác phát triển Đông Nam Bộ" tạo cơ hội định hình bản đồ du lịch liên tuyến, đa tầng và xuyên vùng.
Ông đề xuất tuyến du lịch ba tầng liên kết:
- Tầng văn hóa - di sản: Khu trung tâm TP.HCM (gồm khu vực Bến Nghé - Bến Thành - Chợ Lớn), Thủ Dầu Một, Long Hải.
- Tầng sáng tạo - công nghiệp văn hóa: Khu đô thị sáng tạo phía Đông TP.HCM - Dĩ An - Bến Cát.
- Tầng sinh thái - nghỉ dưỡng biển đảo: Cần Giờ - Long Hải - Côn Đảo.
TS Minh cho rằng TP.HCM có thể học hỏi từ mô hình đại đô thị Seoul (SMA - Hàn Quốc), nơi ba thực thể độc lập - Seoul, Incheon và Gyeonggi - được kết nối thành một hệ sinh thái đô thị du lịch thống nhất. Nhờ quản trị theo cụm, Seoul mở rộng trải nghiệm du khách vượt khỏi ranh giới hành chính, thúc đẩy chia sẻ dữ liệu, hạ tầng và thương hiệu.
"SMA không định vị mình là một điểm đến, mà là trung tâm kết nối xuyên vùng - bài học quý cho các đô thị đang mở rộng", ông nói.
![]() |
Siêu đô thị mang tên TP.HCM hình thành mang đến bước ngoặt để ngành du lịch chuyển đổi mô hình phát triển, nâng cao giá trị trải nghiệm. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Trước lo ngại về nguy cơ mai một bản sắc hậu sáp nhập, TS Minh nhấn mạnh: "Bản sắc không mất đi - trừ khi bị áp đặt đồng hóa".
Du lịch hậu sáp nhập phải thoát khỏi lối mòn "điểm - tuyến - tour" khép kín và hướng đến một mô hình tích hợp mở, nơi mỗi khu vực không cạnh tranh mà hỗ trợ, cộng hưởng và làm giàu cho nhau.
Theo ông, mỗi điểm đến nên kể câu chuyện của riêng mình, nhưng cùng hòa trong bản giao hưởng "một thành phố - nhiều thế giới". TP.HCM cần vượt ra khỏi bản đồ hành chính cũ để mở đường cho một bản đồ trải nghiệm mới.
Học kỹ năng sống từ những cuốn cẩm nang sinh tồn
Sách “Cẩm nang sinh tồn”, “100 kỹ năng sinh tồn”, “Sống sót” là câu chuyện của những phượt thủ, nhà thám hiểm về cách thoát hiểm và sinh tồn.