Các địa điểm du lịch thường không quá đông đúc vào giai đoạn trước Tết Nguyên đán, thu hút nhiều du khách trẻ. Ảnh: Vẻ Nguyễn. |
Tranh thủ những ngày cuối năm, Nguyễn Vẻ (22 tuổi, sống tại Hà Nội) quyết định tự thưởng chuyến đi 5 ngày 4 đêm đến Hội An - Đà Nẵng.
"Sau một năm học tập và làm việc căng thẳng, tôi muốn dành những ngày cuối năm để nghỉ ngơi, lấy lại năng lượng tinh thần. Sau chuyến đi, tôi sẽ về quê đón Tết cùng gia đình", Vẻ cho biết.
Tương tự Vẻ, nhiều du khách cũng lựa chọn chuyến đi vào thời điểm trước Tết Nguyên đán thay vì các dịp cao điểm khác như hè hoặc mùa lễ hội đầu năm.
Ông Bùi Thanh Tú, Giám đốc marketing của Công ty lữ hành BestPrice Travel, cho biết tour đi Thái Lan khởi hành trước Tết Nguyên đán đã kín khách từ đầu tháng 1. Đối tượng khách đi du lịch trước Tết thường là người trẻ, đi du lịch cùng bạn bè, có nhu cầu mua sắm.
"Tour đi trước Tết có thị trường khách riêng biệt, thường là nhóm du khách kết hợp mua sắm Tết cho gia đình. Giá tour sẽ rẻ hơn khoảng 20-30% vì là mùa thấp điểm du lịch. Nhưng không phải du khách nào cũng được nghỉ làm sớm để chuẩn bị cho chuyến đi trước Tết. Du khách chọn tour du lịch trước Tết thường đã lên kế hoạch từ sớm", ông Tú phân tích.
Nguyễn Vẻ lựa chọn du lịch Hội An - Đà Nẵng trước Tết để tránh cảnh đông đúc. Ảnh: Vẻ Nguyễn. |
Sợ bị "chặt chém", ngại cảnh xếp hàng
Theo Nguyễn Vẻ, du lịch trước Tết giúp tránh được cảnh đông đúc, ồn ào tại các địa điểm. Đây cũng là giai đoạn giá vé máy bay và các chi phí khác có giá mềm hơn do không phải đợt cao điểm.
Theo đó, cô mua vé máy bay khứ hồi từ Hà Nội đến Đà Nẵng hết 2 triệu đồng. Tận dụng ở nhà người quen và ưu tiên trải nghiệm các địa điểm, món ăn địa phương nên chuyến đi không phát sinh thêm nhiều chi phí.
"Tôi thấy đến Đà Nẵng thời điểm này còn tuyệt vời hơn dịp hè. Các bãi biển tại đây yên tĩnh nhờ vắng khách du lịch. Thời tiết cũng dễ chịu với nắng ấm, trời trong xanh. Tôi thoải mái tận hưởng các món ăn nổi tiếng trong phố cổ Hội An mà không cần phải xếp hàng chờ đợi", Vẻ tâm sự.
Dịp này, Vẻ cũng dành thời gian lựa chọn những món quà đặc sản địa phương cho gia đình. Nữ du khách tham khảo trước và lên danh sách các hàng nổi tiếng bán hải sản khô, chè liên, mực rim, cua rim… để mang về nhà biếu Tết.
Tương tự, Nguyễn Đình Tuấn Anh (23 tuổi, sống tại TP.HCM) vừa trở về sau chuyến đi Đà Lạt 3 ngày 2 đêm cùng nhóm bạn thân. Anh chia sẻ những ngày trước Tết, Đà Lạt "trả về" nét chầm chậm và bình yên vốn có, không phải mắc kẹt giữa "rừng" người ở chợ Đà Lạt hay chờ check-in mòn mỏi tại các quán cà phê.
Hơn nữa, giá cả dịch vụ và ăn uống vẫn giữ nguyên, tiết kiệm được một phần chi phí. "Cốc sữa đậu nành, bánh tráng nướng vẫn 20.000 đồng, bánh ướt vẫn dao động 30.000-40.000 đồng/phần. Tổng tiền ăn uống, vui chơi trong chuyến đi chỉ tốn khoảng 600.000 đồng", Tuấn Anh bày tỏ.
Bên cạnh việc du lịch, Tuấn Anh cũng mua sắm nhiều đặc sản mang về làm quà Tết cho gia đình, người thân. Nam du khách ghé chợ Đà Lạt mua một số loại mứt như mứt dâu tằm, mứt kiwi… đãi khách đến nhà và trà atiso để biếu ông bà.
"Năm nay thịnh những loại trái cây sấy giòn, tôi mua thêm dâu tây Đà Lạt sấy về nhâm nhi trong Tết. Riêng hồng treo gió, tôi đến nhà xưởng ở gần ngoại ô mua để đảm bảo chất lượng và độ tươi ngon. Mùng 3 Tết sẽ biếu thầy cô", du khách này nói.
Dành thời gian cho bản thân và bạn bè
Theo Tuấn Anh, những ngày trước Tết là thời điểm lý tưởng để tận hưởng trọn vẹn chuyến đi.
"Năm trước, tôi đi Đà Lạt vào mùng 4 Tết cùng gia đình nên khách khá đông. Năm nay, tôi đi sớm cho vắng. Trước Tết, các gia đình đang tất bật dọn dẹp, mua sắm nên không du lịch ồ ạt. Nếu có chỉ là tour tham quan cho học sinh cấp 2, cấp 3 trước khi nghỉ Tết nhưng không đáng kể, thỉnh thoảng mới có 1-2 đoàn", nam du khách cho biết.
Nhóm của Tuấn Anh dành thời gian trước Tết đi du lịch cùng nhau sau một năm bộn bề công việc. Ảnh: Nguyễn Đình Tuấn Anh. |
Nhóm của Tuấn Anh ấp ủ chuyến du lịch Đà Lạt từ năm 2023. Tranh thủ được nghỉ Tết sớm, cả nhóm thu xếp thời gian dành cho nhau.
"Năm vừa rồi, cả nhóm đều bận đi học, đi làm. Vào các mùng, ai cũng bận bịu, người về quê ở xa, người đi chúc Tết nên trước Tết là thời gian đẹp để cùng nhau du lịch, thoải mái ngồi tâm sự những chuyện đã qua trong năm cũ, chia sẻ kế hoạch trong năm mới", nam du khách trải lòng.
Cái lợi của việc du lịch vào cuối năm là cảm nhận được sự chuyển giao thời tiết từ mùa đông sang mùa xuân của từng địa phương. "Gần Tết, Đà Lạt lạnh khủng khiếp. Chưa bao giờ tôi đi Đà Lạt rơi trúng nhiệt độ thấp thế này. Ban đêm chỉ xấp xỉ 10 độ C, thở ra khói. Ra ngoài phải trùm thật kín và than miệng luôn than lạnh quá", Tuấn Anh kể lại.
Hơn nữa, vui chơi trong cảm giác hồi hộp chờ Tết cũng làm tâm trạng hứng khởi hơn. Nếu đi sau Tết, du khách thường có phần hụt hẫng, ngao ngán vì sắp phải quay lại với công việc hàng ngày, sự vui vẻ của chuyến du lịch phần nào giảm xuống.
Tuy chuyến đi không dài, cả nhóm đã trải nghiệm hầu hết không khí, ẩm thực và những nơi đang "hot" ở Đà Lạt như trượt thảm ở Mongo Land, đón hoàng hôn ở quán cà phê, săn mây… Tuyệt vời nhất là ngồi nướng BBQ đêm bên cạnh chậu than nóng, trong thời tiết lạnh cóng tay.
Trong khi đó, Hoàng Mai Thi (28 tuổi, sống tại TP.HCM) lại đặt vé xe và khách sạn để cùng gia đình đến Nha Trang vào ngày 5/2 (25 Tết). Theo cô, các bãi biển thường đông nghẹt khách mỗi dịp Tết Nguyên đán, dẫn đến trải nghiệm không còn trọn vẹn.
"Đi lúc vắng khách, tôi có thể ngồi trên bãi cát, nhìn bố mẹ, anh chị tắm biển, các cháu nô đùa. Còn quá đông khách, gia đình phải chen chúc, tìm nhau trong dòng người", Mai Thi bộc bạch.
Nữ du khách cho biết thêm Nha Trang là thành phố du lịch nổi tiếng, giá cả thường tăng vọt vào dịp Tết Nguyên đán. Việc đi trước Tết giúp tiết kiệm được khoản chi phí lớn để dùng cho các hoạt động khác, nhất là khi đi cả gia đình.
Ngoài ra, khi du lịch "né" mùa cao điểm, các khách sạn còn trống những phòng đẹp, có tầm nhìn hướng ra biển.
Ứng dụng đặt phòng Booking vừa công bố báo cáo “Dự đoán Du lịch 2024”, thống kê danh sách 10 điểm đến được khách trong nước yêu thích nhất dịp Tết Nguyên đán dựa trên lượt tìm kiếm và đặt phòng từ ngày 8 đến 14/2 (từ 9 tháng Chạp đến mùng 5 Tết Âm lịch).
Theo đó, đứng đầu danh sách là Đà Lạt, địa danh sở hữu khí hậu quanh năm mát mẻ. Ngoài ra, 6/10 là các địa danh có biển như Nha Trang, Đà Nẵng, Vũng Tàu, Phú Quốc, Mũi Né và Hội An.
Bên cạnh những bãi biển, du khách Việt cũng tìm đến các thành phố nhộn nhịp như Hồ Chí Minh, Hà Nội và vùng núi Sapa cùng những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.