Cách đây ít ngày, Bộ Bình đẳng giới và Gia đình (MOGEF) Hàn Quốc đưa ra công văn yêu cầu các đài truyền hình nên hạn chế sự xuất hiện của nhiều ca sĩ thần tượng giống nhau trong cùng một chương trình. Lý do là giới thần tượng hiện giờ trông giống nhau từ gương mặt, lối trang điểm đến trang phục. Chính họ khiến tiêu chuẩn sắc đẹp trong giới trẻ ngày càng hạn hẹp.
"Ca sĩ trên các chương trình ca nhạc có phải cặp song sinh không? Họ trông thực sự giống hệt nhau. Hầu hết là thành viên các nhóm nhạc thần tượng. Họ đều gầy và có kiểu tóc, trang điểm tương tự nhau, đặc biệt là những bộ trang phục hở hang, để lộ cơ thể", công văn của MOGEF chỉ trích. Bộ nhấn mạnh đây là hành động ngăn chặn "tiêu chuẩn sắc đẹp phi thực tế".
“Chúng tôi khuyến cáo các chương trình không nên phát sóng về những nhân vật có cùng kiểu ngoại hình quá nhiều. Càng không nên để họ xuất hiện liên tục hoặc tỷ lệ cao trong cùng một chương trình”, Bộ thông báo.
Bộ Bình đẳng giới và Gia đình (MOGEF) cho rằng giới thần tượng hiện giờ trông quá giống nhau. Trong khi thần tượng nữ ăn mặc hở hang. |
Thông báo mới của MOGEF lập tức gây tranh cãi, nhiều khán giả và cả chính trị gia lên tiếng phản đối. Ông Ha Tae-keung của Đảng Bareunmirae cho rằng không có tiêu chuẩn khách quan về ngoại hình, đây là vấn đề sở thích của từng người, không phải điều mà chính phủ có thể can thiệp.
“Ai đó có thể giải thích cho tôi biết thông báo này có liên quan gì đến bình đẳng giới được không”, một tài khoản tỏ ra bức xúc và nhận được sự đồng tình từ những dân mạng khác.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến đồng tình với Bộ. Họ cho rằng hàng trăm thần tượng ra mắt mỗi năm nhưng không có sự khác biệt về ngoại hình và phong cách. Đặc biệt, sự bùng nổ của giới thần tượng làm thay đổi tiêu chuẩn cái đẹp trong giới trẻ, khiến khán giả dần làm quen với việc PTTM.
Sau những tranh cãi, vào 20/2, Bộ Bình đẳng giới và Gia đình quyết định rút lại hướng dẫn gửi đến các đài truyền hình.
Một quan chức của Bộ, nói với Kpop Herald rằng vụ ồn ào những ngày vừa qua là điều đáng tiếc. Cuốn sách hướng dẫn được viết với mục đích tốt nhưng bị lôi vào cuộc tranh cãi.
“Chúng tôi xin rút lại những hướng dẫn gây hiểu nhầm không cần thiết và cải thiện nó để có thể truyền đạt đúng hơn với mục đích của Bộ”, Bộ cho biết.
Tuy nhiên, họ nhấn mạnh rằng nội dung hướng dẫn không sai, vì nhiệm vụ của chính phủ là cung cấp các nguyên tắc cần được duy trì trong các chương trình cho đài truyền hình.