"Extraordinary Attorney Woo" (Luật sư kỳ lạ Woo Young Woo) là một trong những bộ phim truyền hình Hàn Quốc thành công nhất trong năm 2022. Hiện tại, đây là bộ phim không phải tiếng Anh được xem nhiều thứ 6 trên Netflix, và gần đây đã nhận đề cử cho Giải thưởng Critics' Choice Award 2023.
Phim kể về một phụ nữ trẻ mắc chứng tự kỷ, được nhận vào một trong những công ty luật hàng đầu đất nước và chiến thắng nhiều vụ kiện lớn.
Theo CNN, bộ phim mang màu sắc vui tươi, lành mạnh là ví dụ điển hình cho việc các bộ phim K-drama đã tiến xa như thế nào trong việc khắc họa hình ảnh phụ nữ.
Hình tượng "nữ cường" chiếm sóng
Số liệu do đài truyền hình quốc gia KBS công bố cho thấy vào năm 2021, hơn 53% nhân vật chính trong các bộ phim truyền hình của đài này là nữ (tăng nhẹ so với mức trung bình 5 năm là 49,8%).
"Số lượng nữ chính trong các bộ phim Hàn Quốc đã tăng lên đáng kể", Jacklen Kim, giám đốc tiếp thị của ENA, kênh ban đầu phát sóng "Extraordinary Attorney Woo", cho biết trong một cuộc phỏng vấn.
Kim nói thêm rằng phụ nữ trên màn ảnh không chỉ ngày càng được chú ý nhiều hơn mà còn được miêu tả ở vị trí quyền lực. Những trò lố về giới tính, từng thống trị trong thể loại này, dần không còn được ưa chuộng.
Chỉ tính riêng trong năm 2022, các nhân vật nữ đã được xây dựng ở nhiều vai trò khác nhau, như nữ hoàng thông thái (trong "Under the Queen's Umbrella") hay một nhà báo ngoan cường (trong "Little Women").
Các nữ chính trên màn ảnh Hàn được xây dựng ngày càng độc lập, mạnh mẽ, tài năng. Ảnh: AStory/KT Studio Genie/Nangman Crew. |
Trong các bộ phim khác, ví dụ "Our Blues", có nhiều nhân vật nữ mạnh mẽ như nữ ngư dân giàu có, hay nữ thợ lặn lớn tuổi tự do.
Một nhân vật khác trong bộ phim là nữ sinh trung học đang mang thai vẫn giành thành tích cao, quyết giữ đứa con bất chấp bị bố phản đối và khi lên đại học, cô cùng bạn trai chăm sóc con - một kịch bản không tưởng nếu ở vài năm trước.
Tuy nhiên, trong cuộc sống thực, phụ nữ Hàn Quốc vẫn đối mặt với các rào cản đáng kể về bình đẳng giới và vấn đề quấy rối tình dục, định kiến giới lỗi thời, nạn phân biệt đối xử nơi làm việc do nam giới thống trị.
Quốc gia này xếp thứ 99/146 trong Chỉ số Khoảng cách Giới tính Toàn cầu năm 2022 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới.
Dữ liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy phụ nữ Hàn Quốc kiếm được trung bình ít hơn 31,1% so với nam giới (khoảng cách tiền lương theo giới tồi tệ nhất so với bất kỳ quốc gia OECD nào).
Chủ nghĩa nữ quyền vẫn là một chủ đề gây chia rẽ nặng nề tại xứ kim chi.
Vì vậy, sự xuất hiện ngày càng nhiều của phụ nữ trong phim truyền hình Hàn Quốc phản ánh thay đổi thực tế trong xã hội, kỳ vọng của khán giả toàn cầu hay chỉ đơn giản là nỗ lực của các nhà sản xuất truyền hình để thu hút khán giả nữ vẫn là vấn đề khó trả lời.
Hình tượng phụ nữ thay đổi trên màn ảnh
Theo Park Sung-eun, nhà sản xuất điều hành của Studio LuluLala, trong suốt những năm 1990 và đầu những năm 2000, chủ nghĩa phân biệt giới tính trắng trợn và thậm chí cả những cảnh bạo lực gia đình xuất hiện đầy rẫy trên truyền hình Hàn Quốc.
Park trích dẫn bộ phim truyền hình dài tập nhất, "Country Diaries", được phát sóng từ năm 1980 đến năm 2002, có cảnh các nhân vật nữ bị chồng đánh đập.
Vào nửa cuối những năm 2000, khi màn ảnh bị thống trị bởi phim hài lãng mạn, một mô típ phổ biến là phụ nữ nghèo yêu đàn ông giàu có. Không khó để kể ra một số tựa phim đình đám bao gồm "My Lovely Sam Soon" (2005), "Coffee Prince" (2007) và "Boys Over Flowers" (2009).
Park, người bắt đầu sự nghiệp tại đài truyền hình MBC năm 1999, cho biết truyền hình phản ánh thời đại.
Vào thời điểm mà phụ nữ được cho là sẽ kết hôn ở độ tuổi đầu 20, nhân vật chính 26 tuổi trong "One of a Pair" năm 1994 được các nhân vật khác coi là đã quá lứa lỡ thì. Đến "My Lovely Sam Soon" năm 2005, nữ chính phải đối mặt với những lời chỉ trích tương tự ở tuổi 29.
Hình tượng phụ nữ trên màn ảnh cũng phản ánh kỳ vọng xã hội trong từng thời kỳ. Ảnh: Lotte Entertainment/Spring Wind Film Co. |
Nhưng những năm gần đây, ngày càng ít phụ nữ Hàn Quốc kết hôn và sinh con, và nhiều người trì hoãn lập gia đình, khiến chính phủ phải nỗ lực để cải thiện tỷ lệ sinh đang giảm, kéo theo khủng hoảng nhân khẩu học sắp xảy ra.
"Ngày nay, không chỉ độ tuổi kết hôn trung bình của phụ nữ tăng, mà còn có từ 'bihon' dành cho các cô gái từ chối hôn nhân", Park nói. "Ngày càng nhiều người hiểu hôn nhân là lựa chọn cá nhân, vì vậy bạn sẽ khó tìm được một nữ chính nào trên phim thực sự quan tâm đến chuyện lập gia đình".
Khi hôn nhân không còn cần thiết để bộ phim kết thúc có hậu, các nhân vật nữ được xây dựng những câu chuyện của riêng họ.
Michelle Cho, trợ lý giáo sư về Nghiên cứu Đông Á tại Đại học Toronto, nói rằng những câu chuyện tình lãng mạn trong phim truyền hình Hàn Quốc ngày càng tập trung vào sự phát triển cá nhân và tình bạn.
"Trước đây, có một tập hợp các kiểu nhân vật và hình mẫu hơi cố định, chẳng hạn nữ anh hùng thuộc tầng lớp lao động gặp bạn trai giàu có, giờ nó đã đảo chiều", Cho chia sẻ, đồng thời trích dẫn "Hạ cánh nơi anh", bộ phim ăn khách quốc tế gần đây, làm ví dụ.
Bộ phim này đạt kỷ lục về số lượt xem ở Hàn Quốc, tập trung vào cốt truyện lãng mạn, nhưng nữ chính là một giám đốc điều hành công ty thành đạt, người vẫn tiếp tục công việc bất chấp chuyện tình đang dang dở.
Nữ quyền gây chia rẽ xã hội Hàn Quốc
Dù đa số ý kiến cho rằng phim truyền hình Hàn Quốc đã thay đổi, có ít đồng thuận hơn về lý do phía sau.
Những người tự cho mình là nhà nữ quyền, như nhà phê bình văn hóa đại chúng Hwang Jin-mi và nhà biên kịch Kim Hyo-min, cũng chỉ ra làn sóng nữ quyền mới nhất của đất nước.
Năm 2016, vụ sát hại dã man một phụ nữ trong phòng tắm ở quận Gangnam của Seoul đã châm ngòi cho một phong trào được mô tả là "khởi động lại nữ quyền" của đất nước.
Trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại, Hwang nói rằng phim truyền hình Hàn Quốc từ lâu đã được viết và xem bởi phụ nữ. (Năm 2018, Hiệp hội Nhà văn Phát sóng của nước này ước tính 94,6% biên kịch truyền hình là phụ nữ).
Nhưng với "khởi động lại nữ quyền", phụ nữ cảm thấy đoàn kết và có nhiều quyền hơn để bày tỏ mối quan tâm của họ về vấn đề giới tính, và những câu chuyện đề cập đến chủ đề này đặc biệt gây được tiếng vang với khán giả nữ.
Thực tế, nữ quyền vẫn là vấn đề gây chia rẽ mạnh mẽ trong xã hội Hàn Quốc. |
Điều này được phản ánh khi một năm sau vụ giết người ở Gangnam, phụ nữ đổ xô đi mua "Kim Ji-young, Born 1982" - cuốn sách về một bà nội trợ bình thường chiến đấu với chứng trầm cảm, phân biệt giới tính và bất bình đẳng. Cuốn tiểu thuyết về nữ quyền đã trở thành sách bán chạy quốc tế và được chuyển thể thành phim ăn khách vào năm 2019.
"Thành công của cả cuốn sách và bộ phim đã chứng minh sức mua của phụ nữ", Hwang nói thêm.
Trong một quán cà phê ở Gangnam, một trong những tác giả của kịch bản chuyển thể, Kim Hyo-min, cũng nhắc lại tầm quan trọng của "Kim Ji-young, Born 1982". Cô cho rằng thành công của cuốn tiểu thuyết là do khao khát được công nhận nỗi lo lắng thường ngày của những người phụ nữ.
"Phụ nữ ngày nay không chỉ muốn thấy nữ giới được miêu tả một cách ưu ái. Họ muốn nhìn thấy những người phụ nữ có thể làm bất cứ điều gì - ngay cả khi đó là dối trá, gian lận và tranh giành quyền lực", Kim nói thêm.
Hwang là người đánh giá các bộ phim truyền hình Hàn Quốc cho nhiều ấn phẩm khác nhau với tư cách là một nhà phê bình phim và truyền hình tự do.
Cô cho rằng việc các bộ phim có thể được coi là nữ quyền hay không phụ thuộc vào các nhân vật nữ có quyền kiểm soát cuộc sống của họ hay không, cũng như cách họ được thể hiện (bao gồm các biện pháp như bài kiểm tra Bechdel, trả lời xem hai nhân vật nữ có trò chuyện về điều gì đó không phải là đàn ông hay không).
Một người làm việc cho một trong những hãng phim hàng đầu của Hàn Quốc nói với CNN rằng khó có ai trong ngành có thể tích cực mô tả các sản phẩm của họ là ủng hộ nữ quyền.
"Ví dụ, nếu bạn sử dụng một hình ảnh được hiểu là nữ quyền, nó có thể gây tranh cãi rất lớn. Nếu bạn xin lỗi vì đã đăng một hình ảnh nữ quyền, thì phe ủng hộ sẽ rất tức giận và điều đó gây ra nhiều vấn đề", người này giải thích.
Michelle Cho nhận định các công ty sản xuất của Hàn Quốc thường tránh gắn liền với chủ nghĩa nữ quyền vì đó là một vấn đề gây phân cực. Không giống như ở Bắc Mỹ, nơi nhãn hiệu "nữ quyền" thường được coi là tích cực, thuật ngữ này thường được sử dụng một cách miệt thị để chỉ hành vi sai trái ở Hàn Quốc, cô nói thêm.
Nhiều người trẻ xứ châu Á, đặc biệt là Hàn Quốc, Nhật Bản, thường kết thúc một ngày với webtoon (truyện tranh số). Thế giới ảo này giúp họ tạm quên đi mệt mỏi mà không tốn thời gian hay tiền bạc. Sự phổ biến ngày càng lớn của webcomic, hay còn gọi webtoon (truyện tranh số), đã có tác động tích cực đáng ngạc nhiên đến ngành xuất bản.