Văn phòng giáo dục Seoul (Hàn Quốc) vừa công bố dự thảo giai đoạn 2021-2023 nhằm bảo vệ quyền con người của học sinh, đặc biệt là thúc đẩy bảo vệ nhóm học sinh thiểu số, từ học sinh trong các gia đình đa văn hóa đến LGBT, để xóa bỏ phân biệt đối xử tại các trường học, theo Korea Herald.
Sau khi thu thập ý kiến góp ý, dự thảo này sẽ được hoàn thiện vào tháng 2 tới.
Theo đó, để bảo vệ tốt hơn nhóm học sinh thiểu số, văn phòng giáo dục cam kết nâng cao nhận thức thông qua giáo dục và đưa ra các hướng dẫn để ngăn ngừa phân biệt đối xử, ngôn từ kích động thù địch.
Bên cạnh đó, cơ quan này có kế hoạch cử thanh tra điều tra các vi phạm nhân quyền mà học sinh LGBT phải đối mặt và tham khảo ý kiến của các em.
Cộng đồng LGBT chưa thực sự được đón nhận ở Hàn Quốc. Ảnh: AP. |
Tuy nhiên, việc văn phòng giáo dục đưa nội dung bảo vệ "học sinh LGBT" vào kế hoạch đã trở thành chủ đề gây tranh cãi. Những người phản đối cho rằng điều này sẽ "khuyến khích đồng tính luyến ái" trong trường học.
Một bản kiến nghị phản đối dự thảo kế hoạch này đã được đăng tải trên trang web của văn phòng giáo dục vào ngày 12/1. Tính đến 22/1, kiến nghị này nhận được hơn 31.000 chữ ký ủng hộ. Đây cũng là số chữ ký lớn nhất mà một bản kiến nghị trên trang web từng thu được.
Một hiệp hội gồm 25 nhóm phụ huynh đã tổ chức cuộc biểu tình vào ngày 14/1 để phản đối kế hoạch này và yêu cầu Cho Hee-yeon, người đứng đầu ngành giáo dục Seoul, từ chức.
“Nó sẽ tạo ra một vòng luẩn quẩn, khi những học sinh phân biệt đối xử và ghét bỏ học sinh LGBT lại bị kỳ thị”, nhóm phụ huynh nói.
Trước sự phản đối mạnh mẽ, văn phòng giáo dục Seoul đã loại bỏ cụm “thiểu số tính dục” khỏi dự thảo.
Nhiều người lo ngại quy định của văn phòng giáo dục Seoul sẽ khuyến khích "đồng tính luyến ái" trong trường học. Ảnh minh họa: Reuters. |
Một cuộc khảo sát năm 2014 của Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Hàn Quốc cho thấy học sinh thiểu số tính dục có vẻ dễ bị thù ghét và phân biệt đối xử tại các trường học, nơi phần lớn vẫn không dung nạp người LGBT.
Theo một cuộc khảo sát với 200 người thiểu số tính dục vị thành niên 13-18 tuổi, 92% số người được hỏi cho biết từng bị xúc phạm bằng lời nói, 80% trong số đó nói rằng đó là từ giáo viên của họ.
Ngày 21/1, hiệp hội gồm 138 nhóm nhân quyền đã bày tỏ sự ủng hộ đối với dự thảo của văn phòng giáo dục Seoul, kêu gọi cơ quan này thực hiện kế hoạch mà không nhượng bộ “các thế lực kích động phân biệt đối xử”.
Một bản kiến nghị khác cũng đã được đăng ký trên trang web của văn phòng giáo dục, cho rằng nỗ lực cứu người LGBT khỏi định kiến và cho phép họ đến trường một cách an toàn không nên bị đổ lỗi.
“Đây gần như là lần đầu tiên việc bảo vệ và hỗ trợ cho học sinh thiểu số tính dục được quy định trong tài liệu của các tổ chức công liên quan đến giáo dục”, người đứng đầu hiệp hội, nói.