Điều 317 Bộ luật hình sự sửa đổi, có hiệu lực từ 1/7 tới quy định: Người nào sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, bảo quản thực phẩm hoặc bán, cung cấp thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm sẽ bị khởi tố. Tuy nhiên, để xử lý hình sự những người vi phạm, đại tá Trần Trọng Bình - Phó cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường (C49, Bộ Công an) kiến nghị, Bộ Y tế cần sớm ban hành danh mục “Chất cấm đưa vào thực phẩm”.
Người dân chưa được bảo vệ
Theo đại tá Trần Trọng Bình, sở dĩ cơ quan điều tra có thể khởi tố người cho Salbutamol (chất tạo nạc) vào thức ăn chăn nuôi từ ngày 1/7, là vì Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã ban hành danh mục các chất cấm dùng trong thức ăn chăn nuôi. Salbutamol nằm trong số đó.
Bộ NN&PTNT đã quy định rõ các chất cấm sử dụng trong thức ăn chăn nuôi, nhưng theo Phó cục trưởng Cục C49, hiện Bộ Y tế vẫn chưa ban hành danh mục chất cấm đưa vào thực phẩm cho người.
Đại tá Trần Trọng Bình. Ảnh: Việt Đức. |
“Danh mục chất cấm đưa vào thức ăn vật nuôi đã có, vì sao các chất cấm đưa vào đồ ăn cho người lại chưa” - ông Bình đặt câu hỏi.
Theo vị Phó cục trưởng, thông tư của Bộ Y tế hiện hành chỉ quy định danh mục các chất phụ gia được phép đưa vào thực phẩm, tuy nhiên, các hóa chất nằm ngoài danh mục này, thông tư không thể hiện là "chất cấm".
Trong khi đó, Điều 317 Bộ luật hình sự sửa đổi, sắp có hiệu lực quy định: Người nào sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, bảo quản thực phẩm hoặc bán, cung cấp thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm sẽ bị khởi tố.
Trường hợp sau 1/7, nếu lực lượng chức năng phát hiện cá nhân hoặc tổ chức nào đó sử dụng chất phụ gia nằm ngoài danh mục được phép cho vào thực phẩm, mà xem xét khởi tố họ thì chắc chắn các luật sư sẽ phản biện: “chưa có văn bản nào quy định chất cấm nên không thể khởi tố” - vị đại tá lý giải vướng mắc về hành lang pháp lý.
Dẫn chứng các vụ phát hiện cơ sở sản xuất tương ớt trộn Rhodamine B (hóa chất công nghiệp tạo màu đỏ) từng phát hiện trước đây, ông Bình cho hay hiện Nhà nước vẫn cho phép các doanh nghiệp nhập hóa chất này làm thuốc nhuộm vải, giấy…
Tuy nhiên, nhiều cơ sở sản xuất tương ớt mua và dùng nó để độn vào thực phẩm nhằm tạo màu. “Bộ Y tế chưa quy định Rhodamine B là chất cấm dùng trong thực phẩm nên chúng tôi không thể xử lý hình sự người vi phạm, dù đây là chất độc hại” - đại tá Bình chia sẻ.
Để ngăn chặn các vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, Phó cục trưởng Cục C49 kiến nghị Bộ Y tế sớm ban hành "danh mục các chất cấm đưa vào thực phẩm", để theo kịp luật sửa đổi.
Ông cho rằng Bộ Y tế cũng cần quy định: tất cả các hóa chất công nghiệp là chất cấm đưa vào thực phẩm. Ngoài ra, những hóa chất được cơ quan khoa học khuyến cáo gây nguy hại cho người sử dụng cũng phải cấm.
"Việc bổ sung, sửa đổi, thậm chí ban hành thông tư mới hướng dẫn các chất cấm đưa vào thực phẩm phải làm ngay để theo kịp luật - Phó cục trưởng nhấn mạnh.
Khó bắt hành vi đưa chất cấm vào thức ăn chăn nuôi
Vẫn theo đại tá Bình, hàng năm ngành y tế cấp giấy phép cho các công ty dược nhập khẩu Sabutamol về làm nguyên liệu sản xuất thuốc. Giấy phép ghi nhập khẩu hóa chất để sản xuất thuốc, nhưng có hiện tượng các công ty dược bán Sabutamol cho doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Về việc thất thoát Sabutamol, lãnh đạo Cục C49 cho rằng là do sơ hở trong quản lý Nhà nước, khi cơ quan cấp giấy phép nhập khẩu đã bỏ quên khâu hậu kiểm. “Thanh tra y tế và Cục quản lý dược rõ ràng không làm tốt khâu này” - đại tá Bình đánh giá.
Đại diện Cục nghiệp vụ Bộ Công an cho rằng, những công ty dược nhập khẩu Sabutamol gây thất thoát có thể bị xử phạt hành chính, thậm chí đình chỉ kinh doanh. Tuy nhiên, để khởi tố một người đưa chất cấm vào thức ăn chăn nuôi là rất khó, thường thì phải bắt quả tang họ có hành vi vi phạm.
Nếu căn cứ theo giấy tờ, sổ sách mua bán của công ty dược với cá nhân nào đó, rồi ập tới kiểm tra người mua, họ sẽ lập tức chối tội. "Có vụ họ nói rằng tôi mua Sabutamol về để nghiên cứu. Quá trình lưu giữ, hư hỏng nên đã bỏ đi" - ông Bình chia sẻ những khó khăn khi đấu tranh với hành vi đưa chất cấm vào thức ăn chăn nuôi.
Điều 317. Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm:
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm:
a) Sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm hoặc bán, cung cấp thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm;
b) Sử dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối, sơ chế, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và muối tạo ra dư lượng vượt ngưỡng cho phép trong sản phẩm;
c) Sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, chất xử lý cải tạo môi trường ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc không đúng quy định trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối tạo ra dư lượng vượt ngưỡng cho phép trong sản phẩm hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi tại điểm này hoặc điểm a khoản này mà còn vi phạm;
d) Chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm; sử dụng hóa chất, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm: gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60% hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù 3 năm đến 7 năm:
a) Phạm tội có tổ chức;
b) Làm chết 1 người hoặc gây tổn hại sức khỏe cho 1 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
d) Gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%.
đ) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
e) Phạm tội 2 lần trở lên;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 2 người;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
d) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Làm chết 3 người trở lên;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
d) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.