Dắt theo người chỉ vỏn vẹn 2 triệu đồng cùng một lồng nhốt khoảng mười con sáo núi, Lò Văn Tuyên (huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng), người đàn ông dân tộc Tày lần đầu khăn gói xuống Hà Nội đưa con đi thi đại học.
Năm nay 47 tuổi nhưng ông Tuyên trông già hơn tuổi khá nhiều. Dáng gầy nhẳng, da đen đúa, ông kể, đây là chuyến đi xa đầu tiên của hai cha con nên bác chưa có nhiều kinh nghiệm chuẩn bị hành trang.
Người cha này cho biết: "Do nhà làm nghề nông là chính, nên trước khi đưa con đi thi, cả nhà tôi chỉ dành dụm được 2 triệu đồng làm lộ phí cho hai người khăn gói xuống Thủ đô".
Bởi vậy, để có thêm đồng ra đồng vào, từ nhiều ngày trước khi xuất phát, ông Tuyên đã phải lặn lội vào rừng tìm bắt về 10 chú sáo đá để tranh thủ về Hà Nội bán.
Ông Lò Văn Tuyên bên những chú chim rừng (Ảnh: PV/Vietnam+). |
Vừa về tới ký túc xá đại học Kinh tế quốc dân, cậu con trai Lò Văn Hạnh mệt nhoài, chìm ngay vào giấc ngủ. Trong khi đó, người cha Lò Văn Tuyên vội vã đảo một vòng xung quanh khu vực gần đó để tìm chỗ cho cửa hàng chim di động của mình.
Ông Tuyên cho hay, trong những ngày đợi con thi, bác sẽ mang lồng ra khu chợ gần ĐH Kinh tế quốc dân với hy vọng sẽ có người mua.
“Với số chim này, nếu mọi việc thuận lợi, cha con tôi cũng có thêm khoảng hơn ba triệu đồng phòng thân trong những ngày ở thủ đô. Nếu túng quá, tôi sẽ nhờ những người bạn đồng hương cùng đưa con đi thi giúp đỡ,” người cha ấy chia sẻ.
Nói rồi, bác Lò Văn Tuyên nhìn xa xăm, đáy mắt đọng đầy tâm sự: “Là cha mẹ, ai cũng mong con học hành đỗ đạt. Thế nhưng, hành trình ấy không chỉ là niềm vui mà còn là nỗi lo lớn với những người nông dân chúng tôi. Cho con đi thi đã đau đầu về kinh phí, không biết lúc đỗ, những con chim nhỏ này có còn giúp được cháu đến giảng đường”.