Zing trích dịch bài đăng trên Sixth Tone, nói về những hệ lụy của chính sách một con của Trung Quốc và cách các cặp cha mẹ mất con xoa dịu nỗi đau của mình.
“Tôi từng thích ăn tối với bạn bè, nhưng từ lúc con trai mất, tôi không còn muốn đi nữa. Những người ở độ tuổi của tôi thích nói về con cái của họ. Con trai tôi là một đứa trẻ rất ngoan. Làm sao tôi có thể đến những bữa tối này và nghe bạn bè kể về lũ trẻ nhà họ?”, Wang, một phụ nữ ngoài 60 tuổi đã mất đứa con duy nhất của mình trong vụ tai nạn xe hơi cách đây 4 năm, nói.
Khi Wang nói chuyện, bà vẫn cầm chặt bức ảnh của con trai được chụp lúc gần tốt nghiệp, không lâu trước khi cậu qua đời ở tuổi 27. Việc con qua đời sớm đã thay đổi đáng kể cuộc đời của bà. Mỗi lần nghĩ tới, Wang cảm thấy đau lòng khi không có con cái bên cạnh lúc bước vào tuổi già.
Không ít cặp vợ chồng rơi vào bế tắc khi rời xa đứa con duy nhất của mình. Ảnh: China Daily. |
Wang chỉ là một trong số 100 người tham gia phỏng vấn cho dự án nghiên cứu về nỗi đau của các bậc cha mẹ theo chính sách một con ở Trung Quốc. Đây là khảo sát được thực hiện bởi Shi Lihong - phó giáo sư khoa nhân chủng học tại Đại học Case Western Reserve.
Những người như bà Wang được gọi là “shidu parents” (tạm dịch: cha mẹ shidu). Cụm từ này ám chỉ những bậc phụ huynh không còn con cái, phần lớn họ không thể sinh thêm do tuổi cao. Ước tính vào năm 2010, có một triệu bà mẹ trên 35 tuổi ở xứ Trung mất con.
Mặc dù Trung Quốc đã công bố chính sách 2 con vào năm 2015, số lượng cha mẹ shidu vẫn tiếp tục tăng.
Tự coi mình là kẻ thất bại
Sự đau buồn khi mất đi đứa con thân yêu là một trải nghiệm tồi tệ về mặt tinh thần đối với bất kỳ ông bố, bà mẹ nào trên thế giới. Tuy nhiên, tại Trung Quốc, sự mất mát này càng trở nên trầm trọng hơn khi cấu trúc gia đình hiện đại lấy trẻ em làm trung tâm.
Dưới tác động này cùng với ảnh hưởng của chính sách một con, nhiều bậc phụ huynh cảm thấy cần phải đảm bảo đứa trẻ duy nhất của họ thành công, phát triển tốt để có thể chăm sóc họ khi về già. Do đó, họ dành tất cả nguồn lực tài chính và thời gian để hỗ trợ các mục tiêu giáo dục, định hướng nghề nghiệp, hôn nhân cho con, theo Sixth Tone.
Trong cuộc trò chuyện với Shi Lihong, một số cặp vợ chồng đã kể lại hành trình của họ trong việc nuôi dạy con cái chuyên sâu. Không chỉ cung cấp về tiền bạc, tinh thần, họ còn tiếp tục hỗ trợ khi chúng trưởng thành, lập nghiệp và kết hôn. Chẳng hạn, không ít bậc cha mẹ tài trợ cho đám cưới và giúp con cái chăm sóc cháu chắt.
Wang cho biết bà phải bỏ ra một số tiền lớn để cho con trai đi du học ở nước ngoài. Vào thời điểm cậu đột ngột qua đời, bà đang cố gắng giúp con tìm được một công việc lương cao.
Nhiều người tự xem mình là kẻ thất bại trong cuộc sống vì mất con. Ảnh: Sixth Tone. |
Trong quá trình hỗ trợ sự phát triển về giáo dục và nghề nghiệp, nhiều người cũng chia sẻ mục tiêu cuộc sống, những thành công, thất bại, niềm vui, nỗi buồn của con họ.
Theo họ, tiêu chí để đánh giá thước đo của sự thành công là đạt học sinh giỏi hoặc nhận được một công việc lương cao. Những người tham gia nghiên cứu có con thuộc nhóm này bày tỏ cảm giác tự hào khi được đề cập đến.
Thế nhưng, cái chết của đứa con duy nhất đã khiến không ít cha mẹ shidu rơi vào bế tắc và mất đi niềm tin vào cuộc sống.
“Tôi đau lòng khi nhìn thấy bằng tốt nghiệp của thằng bé. Tôi đã hết lòng ủng hộ nó. Bây giờ tất cả những gì tôi có chỉ là tấm bằng tốt nghiệp đó”, bà Wang bày tỏ.
Trong một xã hội lấy trẻ em làm trung tâm, mối quan hệ thân thiết giữa cha mẹ và con cái không chỉ được coi là lý tưởng, mà còn là thước đo của sự hoàn hảo, hạnh phúc với cuộc sống của mỗi người. Việc mất đi đứa trẻ của mình có thể đã mang lại cảm giác thất bại cho các ông bố, bà mẹ.
“Bất cứ khi nào so sánh cuộc đời mình với bạn bè, tôi đều cảm thấy bản thân là một kẻ bại trận. Tôi không còn một gia đình hạnh phúc và vẹn nguyên”, một người mẹ chia sẻ.
Tìm cách hòa nhập với xã hội
Họ phải chật vật hòa nhập với những người bạn đồng trang lứa không có chung cảm giác mất mát đó. Nhiều cặp vợ chồng trong dự án nghiên cứu đã từng chứng kiến bạn bè của họ kỷ niệm con cái kết hôn và làm bố mẹ.
Là những người có “cuộc sống hạnh phúc”, họ thường tham gia vào các cuộc trò chuyện về cháu mình và chia sẻ niềm vui khi lên chức ông bà. Ngay cả những người chưa trở thành ông bà vẫn thích trao đổi thông tin về con cái của họ.
Với những bậc cha mẹ shidu như Wang, việc trò chuyện với bạn bè cùng tuổi thường nhắc họ nhớ lại sự mất mát và nỗi đau của chính mình.
Một số người tự tìm cách cô lập mình khỏi các mối quan hệ xã hội và tránh gặp gỡ mọi người. Khi mới quen một ai đó, họ thường không tiết lộ về cái chết của con mình, một phần để tránh khỏi sự đau buồn hoặc cảm giác thất bại.
Phần lớn cha mẹ shidu thích kết nối với nhau thành nhóm nhỏ. Họ tìm thấy nhau qua mạng xã hội hoặc lời giới thiệu của những người bạn chung. Tất cả đều cần an ủi về tinh thần và sự hỗ trợ lúc gặp khó khăn.
Họ kết nối với nhau để cùng chia sẻ về nỗi đau mất con. Ảnh: Global Times. |
Một số người thậm chí đã thảo luận về cách họ có thể vượt qua tuổi già cùng nhau. “Người thân và bạn bè không hiểu cảm giác thực sự của tôi, vì họ không có cùng nỗi đau với tôi. Nhưng khi tôi nói chuyện với những người bạn shidu của mình, tôi cảm thấy họ biết chính xác cảm giác mất đi đứa con duy nhất là như thế nào”, một thành viên trong cuộc khảo sát bày tỏ.
Bên cạnh đó, họ cũng mong muốn sự hỗ trợ của chính phủ khi về già. Hiện Trung Quốc đã khởi xướng nhiều chương trình dành cho các ông bố, bà mẹ shidu, chẳng hạn trợ cấp hàng tháng, bảo hiểm chăm sóc tại bệnh viện.
“Nhiều người hy vọng được sống trong một viện dưỡng lão chỉ dành cho cha mẹ shidu. Nếu chúng tôi ở chung một viện dưỡng lão với những người có con, khi con họ đến thăm, tôi sẽ cảm thấy buồn và tuyệt vọng”, bà Wang cho hay.