Theo Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS.TS Đỗ Tất Lợi, dưa hấu còn gọi là dưa đỏ tây qua, thủy qua, hàn qua, hạ qua. Dưa hấu có tên khoa học là Citrvllus vilgaris Schrad, thuộc họ bầu bí Cucurbitaceae.
Dưa hấu được trồng nhiều ở nước ta. Mùa quả ở miền Nam thường vào thời điểm trước và sau Tết âm lịch. Mùa quả ở miền Bắc từ tháng 4 đến tháng 7.
Trong y học cổ truyền, dân gian coi dưa hấu có vị ngọt, tính hơi hàn, có tác dụng thanh thử, giải nhiệt, lợi tiểu, dùng trong những trường hợp huyết áp cao, nóng trong bàng quang, đái buốt, viêm thận, phù thũng, vàng da, đái tháo đường, say rượu, cảm sốt, phiền khát.
Một số bài thuốc có dưa hấu
ThS.BS Hoàng Khánh Toàn, nguyên Trưởng khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Quân đội Trung ương 108, cho biết, toàn bộ quả dưa hấu từ vỏ, hạt, thịt dưa hấu đều được dùng làm thuốc và giới thiệu một số bài thuốc có dưa hấu:
- Chữa tiêu chảy: Vỏ dưa hấu khô 20 g, nước 500 ml sắc còn 300 ml, chia 3-4 lần uống trong ngày.
- Chữa cảm sốt, đầu váng, mắt hoa, nhiều mồ hôi: Tây qua bì (lớp vỏ xanh của quả dưa hấu phơi khô) 20 g, hoa hay cành kim ngân 20 g, trúc diệp 10 g, 500 ml, đun sôi trong 15 phút, chia 3 lần uống trong ngày.
Tây qua bì là vị thuốc từ vỏ dưa hấu phơi khô. |
- Kiểm soát lượng đường trong máu: Hãm 2-3 muỗng cà phê hạt dưa hấu với nước sôi trong khoảng 30-45 phút. Loại trà này có khả năng kiểm soát lượng đường trong máu và bệnh tiểu đường; giúp ổn định men gan và lượng lipid huyết thanh rất có ích cho người viêm gan và những người bị rối loạn lipid máu.
- Dùng chế nước giải khát: Phần đỏ dưa hấu, bỏ hạt, lấy 600 g. Nước sôi để nguội 300 ml. Dứa gọt vỏ, lấy 500 g ngâm vào nước muối nhạt trong một phút. Cho dưa hấu và dứa đã ngâm vào máy ép lấy nước cốt, có thể cho thêm đường nếu muốn uống ngọt hơn. Loại nước này có thể thanh nhiệt, sinh tân, chỉ khát, kích thích tiêu hóa.
Dưa hấu tốt cho phụ nữ mang thai như thế nào?
Dưa hấu là một trong những loại trái cây ngon ngọt và bổ dưỡng đối với phụ nữ mang thai do có chứa carbohydrate thiết yếu, vitamin, khoáng chất và các hợp chất thực vật. Ngoài ra, với hàm lượng 91% là nước, dưa hấu có tác dụng hỗ trợ cải thiện triệu chứng ốm nghén cũng như các triệu chứng khó chịu khác.
- Giảm chứng ợ chua, ợ nóng: Dưa hấu có vị ngọt nhẹ, tính hơi hàn có tác dụng làm dịu đường ống dẫn thức ăn và dạ dày, giúp giảm bớt sự khó chịu của chứng ợ nóng.
- Giảm ốm nghén: Ốm nghén với các biểu hiện buồn nôn, nôn, mất ngủ… khiến phụ nữ mang thai cảm thấy lo lắng, khó chịu. Bạn có thể uống một ly nước ép dưa hấu tươi vào buổi sáng để giảm cơn buồn nôn do ốm nghén và mang lại cảm giác dễ chịu hơn.
- Giúp giảm mất nước: Nhu cầu chất lỏng hàng ngày ở phụ nữ mang thai tăng lên đáng kể so với bình thường nhằm giúp hỗ trợ lưu thông máu, duy trì lượng nước ối và đáp ứng với tổng lượng máu cao hơn trong thai kỳ. Hơn nữa, quá trình tiêu hóa của phụ nữ mang thai có xu hướng giảm trong thai kỳ gây hiện tượng táo bón hoặc mắc bệnh trĩ.
Do đó, việc bổ sung nước rất quan trọng. Dưa hấu là loại trái cây chứa nhiều vitamin và có đến 91% là nước nên có tác dụng bù nước và giảm mất nước cho phụ nữ mang thai.
Ngoài ra, dưa hấu còn chứa chất chống oxy hóa mạnh như lycopene, có thể giúp chống lại bệnh tật và giảm nguy cơ viêm đường hô hấp.
- Loại bỏ độc tố: Dưa hấu có đặc tính lợi tiểu do có hàm lượng nước cao, có tác dụng loại bỏ độc tố ra khỏi cơ thể. Dưa hấu còn giúp tăng cường chức năng thận, giải độc gan và giảm nồng độ acid uric trong máu.
Dưa hấu chứa nhiều nước giúp loại bỏ độc tố trong cơ thể. |
Phụ nữ mang thai cần chú ý gì khi ăn dưa hấu
Phụ nữ có thai, việc dùng bất kỳ loại thuốc nào, trong đó có dưa hấu đều cần hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn. Với dưa hấu dùng như một loại trái cây, có thể dưới dạng ăn trực tiếp hoặc ép lấy nước uống thì cần chú ý:
- Nên ăn dưa hấu trong vòng 30 phút sau khi cắt lát, vì dưa hấu có thể nhanh chóng mất đi giá trị dinh dưỡng sau khi tiếp xúc với không khí.
- Tiêu thụ dưa hấu điều độ, không nên ăn quá 3 lần/tuần.
- Với phụ nữ mắc đái tháo đường trước hoặc trong thời kỳ mang thai (đái tháo đường thai kỳ) nên tránh ăn nhiều dưa hấu do dưa hấu chứa nhiều carbs nhưng ít chất xơ, sự kết hợp này có thể khiến lượng đường trong máu tăng cao...
Chữa lành bằng sách
Mục Sức khỏe giới thiệu một số cuốn sách về chủ đề sức khỏe tâm thần dành cho bạn đọc có quan tâm:
Chữa lành sau sang chấn: "Chữa lành sau sang chấn" là một cách tiếp cận sức khỏe tinh thần, thể chất và tâm linh gọi là tâm lý học toàn diện, nơi người tham gia cam kết thực hành mỗi ngày để tự giúp mình khỏe mạnh bằng cách phá vỡ các khuôn mẫu tiêu cực, chữa lành quá khứ.
Đại dương đen là tiếng nói sẻ chia với thế giới của người trầm cảm, đồng thời là lời kêu gọi xóa bỏ định kiến xã hội, để những con người ấy có cơ hội được sống hạnh phúc.