Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đưa học sinh 'đi uống cà phê'

Mỗi tuần, trường THPT An Dương Vương 
(TP HCM) đều tổ chức những chuyến xe đưa rước học sinh đến một quán cà phê tập trung nhiều người nước ngoài ở quận 7.

Đây là một hoạt động trải nghiệm thực tiễn ngoài giờ học mà trường áp dụng từ năm học 2015-2016 để tạo điều kiện cho học sinh (HS) giao lưu, nâng cao khả năng phản xạ, giao tiếp bằng tiếng Anh.

Trong không gian ấm cúng của quán cà phê, gần 30 HS ngồi xung quanh Anna, một cô gái 21 tuổi đến từ Mỹ. Các HS lần lượt chào hỏi, giới thiệu bản thân, cùng Anna đố nhau những trò chơi về từ vựng, chia sẻ về quê hương của mình và nói cho nhau những dự định, ước mơ của mỗi người...

“Ở trường chủ yếu học ngữ pháp. Qua những buổi thế này mình tự tin hơn, biết thêm được nhiều từ mới khi giao tiếp. Hơn nữa, thông qua những buổi giao lưu, mình còn biết thêm nhiều hơn về con người và văn hóa các nước" - Ngọc Như nói.

Một HS mời Anna ăn kẹo dừa và hỏi cảm giác của Anna.

Cô gái Mỹ thắc mắc: “Kẹo này có tên là gì vậy? Vị của nó ngọt đậm, có thêm mùi sầu riêng nên cảm giác hơi ngấy”.

Trần Nhựt Tiến, học sinh lớp 11A1, nhanh nhảu nói: “Đây là kẹo dừa, đặc sản của tỉnh Bến Tre, ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Hiện tại ở đây có bạn Vy quê Bến Tre, xin mời Vy giới thiệu sơ nét về loại kẹo này”.

Thấy Vy có vẻ rụt rè, mọi người cùng nhau khuyến khích và “nhắc” Vy một số từ mới để em giới thiệu cho Anna hiểu. “Kẹo dừa này làm từ cơm dừa ép với đường, một số loại có thêm vị sầu riêng để tăng thêm vị béo, khi ăn có thể dính răng” - Vy chia sẻ.

Sau đó, Anna chia sẻ cho cả nhóm hai túi kẹo nổ. Các học sinh thích thú vì cảm giác khi nhai, kẹo nổ tí tách trong miệng.

giao tiep tieng Anh anh 1

Các học sinh lớp 11A1 trường THPT An Dương Vương (TP.HCM) trò chuyện bằng tiếng Anh với anh Louis Kaloger, người Mỹ. Ảnh: Tuổi Trẻ.

Anna nói: “Đây là một loại kẹo gắn liền tuổi thơ của chị ở Mỹ. Mỗi khi ăn kẹo này, chị lại nhớ nhà. Chị ở bang Ohio, khí hậu mát mẻ hơn Việt Nam nhiều. Khi mới qua Việt Nam, chị từng bị sốc nhiệt”.

Thấy vậy, Nhựt Tiến chia sẻ thêm: “Em sinh ra ở Vũng Tàu, một thành phố giáp biển nên khí hậu khá dễ chịu. Gia đình em làm nghề chài lưới, thường xuyên ra biển và trở về với thật nhiều cá”. Anna gật gù: “Thiên nhiên ưu đãi cho các bạn quá nhỉ!”.

Để làm nóng thêm bầu không khí của buổi nói chuyện, một bạn đề nghị mọi người hãy chia sẻ ước mơ của mình. HS Lữ Minh Trí chia sẻ ước mơ làm luật sư. Còn Ngọc Như lại muốn biết thêm về văn hóa Nhật Bản. Hồng Khánh cũng không ngần ngại bày tỏ mong muốn làm hướng dẫn viên du lịch.

“Nếu được, em mong trở thành bộ trưởng bộ giáo dục. Lúc đó, em sẽ tìm cách giảm tải chương trình học, tăng cường những kiến thức thực tiễn cho học sinh” - Nguyễn Quang Minh, HS lớp 11A1, nói.

Trò chuyện được một lúc thì Anna bận việc, vừa lúc đó Louis Kaloger, một du khách cũng đến từ Mỹ, bước vào. Các học sinh lại tiếp tục hăng say đặt những câu hỏi cho vị khách mới quen.

Louis Kaloger chia sẻ: “Tôi biết đây là một trong những quán cà phê thường có nhiều người nước ngoài, đặc biệt là ở tiểu bang Ohio lui tới. Nên khi qua Việt Nam, tôi thường xuyên ghé đây. Tôi rất vui vì được gặp những bạn trẻ Việt Nam. Các bạn ấy rất ham học và chủ động bắt chuyện bằng tiếng Anh”.

Chi phí do nhà trường lo

Thầy Trần Đức Thành, Hiệu trưởng Trường THPT An Dương Vương, cho biết hoạt động được nhà trường tổ chức luân phiên cho tất cả học sinh từ khối 10 đến khối 12.

Mỗi tuần lần lượt sắp xếp cho 2-4 lớp ở cả hai cơ sở của trường đến quán cà phê giao lưu với người nước ngoài vào các buổi chiều sau khi học sinh đã kết thúc buổi học chính khóa, đều đặn từ thứ ba đến thứ sáu bằng ôtô. Mỗi buổi giao lưu kéo dài khoảng một tiếng rưỡi.

Mỗi buổi như vậy nhà trường đều phân công giáo viên chủ nhiệm đi theo để quản lý cũng như tạo ra các chủ đề và sắp xếp các em theo các trình độ khác nhau. Một số buổi còn có giáo viên tiếng Anh đi cùng để buổi nói chuyện diễn ra sôi nổi, nhiều chủ đề hơn.

“Chi phí của hoạt động này do nhà trường chi trả. Các em học sinh không phải đóng thêm bất kỳ loại phí nào. Khi đến quán các em được tự chọn nước uống, cuối buổi giáo viên chủ nhiệm sẽ mang hóa đơn về để nhà trường thanh toán” - thầy Thành cho biết thêm.

Cô Hà Thị Na, giáo viên chủ nhiệm lớp 11A1, chia sẻ: “Những chương trình như thế này tạo cho các em hứng thú với việc học tiếng Anh, rèn luyện kỹ năng nghe - nói, giúp các em nâng cao tính phản xạ, khả năng bắt chuyện với người nước ngoài. Nhiều em trở nên nhanh nhẹn, hoạt bát hơn và điểm học tiếng Anh tiến bộ hơn trước”.

Cô giáo 9X dạy tiếng Anh cho trẻ em quốc tế

Sau một năm dạy học tại Thổ Nhĩ Kỳ, Nguyễn Hồng Mây đến nhiều nước ở châu Âu, châu Mỹ để dạy tiếng Anh cho trẻ em bản địa. Cô gái 9X đang lên kế hoạch tiến về Trung Á để dạy học.

http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20160404/dua-hoc-sinh-di-uong-ca-phe/1078561.html

Theo Hải Quân - Ngọc Tuyền/Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm