Đề án tuyển sinh riêng của Trường ĐH Nam Cần Thơ cùng đề án của các trường ĐH Phan Thiết, CĐ Nông lâm Đông Bắc, CĐ Công nghệ và thương mại Hà Nội vừa được Bộ GD-ĐT công bố ngày 10/10.
Thí sinh dự thi ĐH năm 2014. Ảnh: TTO |
ĐH Nam Cần Thơ thực hiện hai phương thức xét tuyển: xét tuyển dựa theo quá trình học tập THPT và xét tuyển dựa theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia (đối với thí sinh tham gia dự thi tại các cụm thi do các trường đại học chủ trì).
Theo đó, ở phương thức xét tuyển kết quả học tập THPT, ngoài tổ hợp các môn học tương tự khối thi truyền thống, trường thiết lập nhiều tổ hợp môn học mới dùng để xét tuyển như toán, tiếng Anh, công nghệ; toán, lý, công nghệ; lý, hóa, công nghệ…
Tương tự, môn tin học cũng xuất hiện ở nhiều tổ hợp môn học dùng để xét tuyển như toán, công nghệ, tin học; toán, hóa, tin học, toán, tiếng Anh, tin học. Ở phương thức xét tuyển từ kết quả kỳ thi THPT quốc gia, trường cũng tổ hợp nhiều nhóm môn thi mới như lý, hóa, văn; lý, sinh, văn; văn, sử, tiếng Anh…
Trường ĐH Phan Thiết áp dụng hai phương thức xét tuyển theo kết quả học tập THPT (điểm trung bình cộng các môn học ở THPT đạt từ 6.0 điểm trở lên đối với hệ đại học, 5,5 đối với hệ cao đẳng) và xét tuyển theo kết quả tại kỳ thi THPT quốc gia theo các tổ hợp môn thi tương ứng với từng ngành đào tạo.
Trường quy định sẽ tuyển 50% chỉ tiêu ở mỗi phương thức xét tuyển.
Cũng áp dụng xét tuyển hai phương thức tương tự Trường ĐH Phan Thiết, nhưng Trường CĐ Công nghệ và thương mại Hà Nội yêu cầu xét qua kết học phổ thông chỉ giới hạn riêng năm lớp 12 và mức xét tuyển vào trường là thí sinh đạt điểm trung bình các môn học lớp 12 là 5,5.
Trong khi đó, dù cùng sử dụng hai phương thức xét tuyển như Trường ĐH Phan Thiết, nhưng ở phương thức xét tuyển qua kết quả học tập THPT, Trường CĐ Nông lâm Đông Bắc lại chỉ xét tuyển qua kết quả học tập phổ thông theo nhóm ba môn thi ở mỗi ngành đào tạo theo các khối thi truyền thống.
Trường có ba đợt xét tuyển trong năm là tháng 7, tháng 9 và tháng 11.